Thảm kịch xả súng ở New Zealand: Nhà Trắng phủ nhận liên quan giữa nghi phạm và Tổng thống Trump


Thứ 2, 18/03/2019 | 04:08


Cùng sự kiện

Liên quan tới vụ xả súng khiến 49 người chết ở New Zealand, Nhà Trắng đang tìm cách đẩy lùi các nỗ lực nhằm liên kết Tổng thống Donald Trump với nghi can Tarrant.

Liên quan tới vụ xả súng khiến 49 người chết ở New Zealand, Nhà Trắng đang tìm cách đẩy lùi các nỗ lực nhằm liên kết Tổng thống Donald Trump với nghi can Brenton Harrison Tarrant.

Brenton Harrison Tarrant khi ra tòa tại New Zealand ngày 16/3. Ảnh: Reuters

Vụ thảm sát cướp đi sinh mạng của 49 người tại New Zealand hôm 15/3 một lần nữa cho thấy cách thức mà tư tưởng cực đoan và bạo lực lan rộng trong thế kỷ 21, thậm chí tại một quốc gia như New Zealand - nơi chưa từng chứng kiến một vụ xả súng hàng loạt nào trong hơn 20 năm qua cũng như hiếm khi có mối liên kết nào với chủ nghĩa cực đoan.

New Zealand có thể cách châu Âu hoặc Mỹ hàng nghìn km, tuy nhiên những video của tên sát thủ Tarrant  gây ra vụ thảm sát tại New Zealand cho thấy hắn đã bị nhiễm tư tưởng cực đoan cánh hữu toàn cầu từ nhiều nhóm cực đoan khác nhau ở châu Âu, Australia và Bắc Mỹ, cùng với đó là một hệ thống tư tưởng cực đoan trên mạng. Nghi phạm được xác định danh tính là Brenton Harrison Tarrant từ Australia và bị cáo buộc tội danh giết người.

Theo New York Times, tay súng Brenton Harrison Tarrant bị ảnh hưởng nặng nề bởi ý tưởng và phương pháp của Anders Breivik - kẻ khủng bố cực đoan cánh hữu người Na Uy giết hại 77 nạn nhân vào năm 2011.

Breivik đã dành tới 9 năm để lên kế hoạch cho 2 vụ tấn công khủng bố trong ngày thứ 6 đẫm máu nhất lịch sử Na Uy từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm 3 năm để viết một “bản tuyên ngôn” dài 1.518 trang lấy cảm hứng từ một số phần tử cực đoan.

Thực chất, bản tuyên ngôn của Tarrant là một danh sách gồm tên tuổi của những sát thủ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng khét tiếng. Tarrant được truyền cảm hứng từ Dylann Roof, kẻ đã sát hại 9 người Mỹ gốc Phi tại một nhà thờ ở bang Nam Carolina vào năm 2015, cùng một loạt những phần tử khác như Luca Traini, Anton Lundin Pettersson và Darren Osborne - tất cả đều là thủ phạm gây ra những vụ tấn công phân biệt chủng tộc tại châu Âu trong những năm gần đây.

Mới đây, Nhà Trắng đang đẩy lùi mọi nỗ lực liên kết Tổng thống Donald Trump với tay súng bị cáo buộc giết chết 49 người tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 15/3 sau vụ xả súng hàng loạt vào hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand khiến 49 người thiệt mạng. Ảnh: Fox News.

Hôm 17/3, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney nói trên Fox News rằng: "Tổng thống không phải là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Tôi không rõ phải nói điều này bao nhiêu lần nữa".

Trong một tuyên bố gửi đến văn phòng thủ tướng New Zealand, một số cá nhân, tổ chức và các phương tiện truyền thông trước vụ tấn công ngày 15/3, tay súng đã ca ngợi tổng thống Mỹ như "biểu tượng của bản sắc đổi mới và sự dẫn dắt của người da trắng" nhưng nói rằng anh ta không ủng hộ chính sách của ông.

Theo Guardian, các trích dẫn này khơi lại những lời chỉ trích rằng ông Trump không đủ cứng rắn trong việc lên án những phát ngôn thù ghét và đã thúc đẩy tình cảm chống Hồi giáo.

"Tôi không nghĩ sẽ công bằng khi cho rằng đây là người ủng hộ của Donald Trump. Điều này cũng giống như nhìn vào những lời lẽ mang tư tưởng khủng bố của anh ta trong bản tuyên ngôn đó và liên kết anh ta với (Chủ tịch Hạ viện đảng Dân chủ) Nancy Pelosi hoặc (Hạ nghị sĩ New York Alexandria) Ocasio-Cortez. Đó là một cá nhân bất thường, một kẻ độc ác", Mulvaney nói.

Trước đó, hôm 15/3, ông Trump đã lên án vụ thảm sát kinh hoàng tại các nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Nhà Trắng gọi vụ xả súng là "hành động tàn nhẫn của sự thù ghét".

Thu Hằng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-kich-xa-sung-o-new-zealand-nha-trang-phu-nhan-lien-quan-giua-nghi-pham-va-tong-thong-trump-a266934.html