Thanh niên Ấn Độ không có thiện cảm với Trung Quốc


Thứ 4, 26/07/2017 | 09:21


Cùng sự kiện

Một nửa dân số Ấn Độ dưới 26 tuổi được cho là sẽ coi Trung Quốc như kẻ thù trong suốt phần đời còn lại, bài bình luận trên SCMP cho hay.

Một nửa dân số Ấn Độ dưới 26 tuổi được cho là sẽ coi Trung Quốc như kẻ thù trong suốt phần đời còn lại, bài bình luận trên SCMP cho hay.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đang lặp lại sai lầm từng xảy ra hồi năm 1962 khi 2 nước có xung đột biên giới. Tuyên bố có phần gay gắt từ Bắc Kinh trong bối cảnh xung đột giữa Ấn Độ - Trung Quốc ở Bhutan có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ song phương giữa hai nước qua nhiều thập kỷ.

Trung Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc chiến biên giới vào tháng 10/1962. Mặc dù Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu chính trị và quân sự nhưng đó lại là một thất bại chiến lược của Trung Quốc. CHiến thắng này của Trung Quốc dã biến một quốc gia của những người trẻ tuổi (năm 1962, một nửa dân số Ấn Độ ít hơn 19 tuổi) tin rằng Trung Quốc là kẻ thù.

Trong những năm 1950, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã bảo vệ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ), khẳng định: “Thật không công bằng nếu một quốc gia lớn như Trung Quốc không có trong Hội đồng bảo an”.

Lính Ấn Độ trong cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn năm 1962. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi nhanh chóng kể từ sau cuộc chiến biên giới năm 1962. Đến năm 1998, trước và sau các vụ thử hạt nhân, ông George Fernandes, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố: "Trong nhận thức của tôi về an ninh quốc gia, Trung Quốc là kẻ thù số 1...và bất kỳ ai quan tâm đến an ninh của Ấn Độ đều phải đồng ý với thực tế đó".

Hoạt động hợp tác thương mại và du lịch phát triển trong thập niên 90 và đầu những năm 2000 đã làm giảm nhẹ quan điểm tiêu cực của người dân Ấn Độ về Trung Quốc. Thậm chí, vào thời điểm đó, người Ấn Độ cũng chứng kiến ​​sự tăng trưởng của Trung Quốc và coi đó như là một cơ hội.

Vị thế cứng rắn của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biên giới kể từ năm 2006 và những sự cố thường xuyên dọc theo biên giới Hymalaya đã làm tăng mối quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, thông điệp của cả New Delhi và Bắc Kinh đều đảm bảo với dư luận rằng tình hình vẫn nằm trong giới hạn cần thiết cho mối quan hệ song phương tốt đẹp.

Một khảo sát năm 2016 của Viện nghiên cứu Pew cho thấy, 36% người Ấn Độ không có thiện cảm với Trung Quốc, trong khi tỷ lệ có thiện cảm là 31%. Thật không may, trong vài tuần vừa qua, các tuyên bố chính thức của chính phủ Trung Quốc đã khiến dư luận Ấn Độ sục sôi trở lại.

Trái với suy nghĩ của Bắc Kinh, mối đe dọa chiến tranh và diễn biến gợi nhắc cuộc chiến 1962 chỉ càng củng cố quyết tâm của Ấn Độ, một quốc gia gần 1,4 tỷ dân với một nửa số đó là người trong độ tuổi dưới 26.

Gần 70% người Ấn Độ tham gia cuộc khảo sát đã bày tỏ rằng họ "khá quan tâm" đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ. Theo SCMP, những người này có thể sẽ mang tư tưởng Trung Quốc là một kẻ thù trong suốt phần còn lại của cuộc đời.

Như vậy, Trung Quốc có thực sự đạt được lợi ích trong cuộc xung đột này hay không khi mà họ gặp phải sự bài xích của lớp thanh niên Ấn Độ? Sẽ dễ dàng hơn hay khó khăn hơn để đạt được "Giấc mơ Trung Hoa" của Chủ tịch Tập Cận Bình trong điều kiện này? Trung Quốc sẽ phải làm thế nào nếu Ấn Độ bị đẩy tiến gần hơn tới Mỹ?

(Theo SCMP)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-nien-an-do-khong-co-thien-cam-voi-trung-quoc-a197299.html