Muốn kinh doanh mua bán nợ phải có tối thiểu 100 tỷ đồng


Thứ 4, 06/07/2016 | 15:04


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Để có thể kinh doanh mua bán nợ doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.

(ĐSPL) - Để có thể kinh doanh mua bán nợ doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.

Theo tin tức trên trang thông tin của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 01/07/2016, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ được hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, gồm: Có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phù hợp với quy định của Nghị định này; Đáp ứng quy định về mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu tương ứng.

Trường hợp, doanh nghiệp thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động thì mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu cao nhất trong số các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện; Người quản lý của doanh nghiệp phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận, là người quản lý hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ.

Những người đã làm việc trong doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 3 năm trước liền kề.

Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.

 Để có thể kinh doanh mua bán nợ doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).

Các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố sau: Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về nợ; bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ.

Doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm.

Bên mua nợ, bên bán nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dung ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, trong đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, Nghị định đã quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của Nghị định này đối với công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại.

Theo phân tích của VCCI, về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. 

“Nợ” - đối tượng của giao dịch này - bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác). 

Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã được loại trừ tại điều 1 dự thảo). 

Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. 

Như vậy, từ tất cả các góc độ (đối tượng, chủ thể, hệ quả), việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, hoàn toàn không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư. 

Tuyết Mai

Nguồn: Người đưa tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muon-kinh-doanh-mua-ban-no-phai-co-toi-thieu-100-ty-dong-a138470.html