Thủ tướng Malaysia xuống giọng nhằm 'giải cứu' công dân khỏi Triều Tiên


Thứ 5, 09/03/2017 | 02:45


Hôm 8/3, Thủ tướng Malaysia đã ‘hạ giọng” trong các phát biểu, để đảm bảo an toàn và để giải cứu 11 công dân đang bị Triều Tiên giữ chân.

Sau nhiều hiện thiện thái độ cứng rắn, hôm 8/3, Thủ tướng Malaysia đã ‘hạ giọng” trong các phát biểu, để đảm bảo an toàn và để giải cứu 11 công dân đang bị Triều Tiên giữ chân.

Phát biểu trước quốc hội với giọng điệu hoà hoãn hơn, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói nước này không có ý định cắt đứt quan hệ với Triều Tiên, theo Tri Thức Trực Tuyến.

“Vào thời điểm này các mối quan hệ ngoại giao vẫn là một kênh của chúng ta. Chúng ta cần duy trì các mối quan hệ vì chúng ta có công cụ để đàm phán. Chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu của chính phủ Triều Tiên”, Reuters dẫn lời ông Najib.

Tuy nhiên, thủ tướng Malaysia khẳng định sẽ không để công dân Triều Tiên rời khỏi nước này chừng nào Bình Nhưỡng chưa chịu thả công dân của họ.

“Chúng ta là quốc gia thân thiện với Triều Tiên. Chúng ta không gây sự trước, nhưng khi tội ác xảy ra, đặc biệt khi vũ khí hoá học đã được sử dụng ở đây, thì chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ công dân Malaysia”, ông nói.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ảnh: Reuters.

Đối với 11 công dân Malaysia bị mắc kẹt tại Triều Tiên, Thủ tướng Najib khẳng định trước các nghị sĩ rằng họ vẫn đang an toàn và không có mối đe doạ nào đáng lo ngại.

Tuy nhiên, ông từ chối nói cụ thể về những hành động có thể tiến hành để “giải cứu” công dân. “Nếu có cơ hội nào để đàm phán thì chúng ta không thể thực hiện chúng qua truyền thông. Tốt nhất là tiến hành trong bí mật”.

Những phát biểu ngày 8/3 của Thủ tướng Najib được cho là mềm mỏng hơn so với các tuyên bố trong những ngày đầu tuần.

Trước đó, tức giận về việc Triều Tiên cấm công dân của Malaysia xuất cảnh, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 7/3 khi yêu cầu Bình Nhưỡng bỏ ngay lệnh cấm xuất cảnh đã lên án đây là "hành động đáng ghê tởm".

"Việc giữ công dân chúng tôi làm con tin, đó là sự coi thường luật quốc tế và các quy chuẩn ngoại giao", thông cáo của chính phủ Malaysia dẫn lời ông.

Bên cạnh đó, “dựa trên tính phức tạp và độ nhạy cảm của vụ việc, cuộc điều tra có thể kéo dài hơn những gì mà chúng ta mong đợi”, Dân Trí dẫn lời ông Ahmad Nazri Yusof, đại diện thường trực của Malaysia tại Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), phát biểu tại cuộc họp của cơ quan này hôm 8/3.

Theo quy định của OPCW, trong “trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”, các nước thành viên của tổ chức này có thể đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để kêu gọi hành động cần thiết.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ động thái nào có thể được tiến hành liên quan tới việc điều tra cái chết của công dân Triều Tiên hay không, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi cho biết: “Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, tôi nghĩ chúng ta cần chờ xem diễn biến vụ việc sẽ đi đến đâu và bối cảnh thực sự của vụ việc này là gì”.

Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur đang "ăn miếng trả miếng" trong bối cảnh căng thẳng vì nghi án Kim Jong Nam. Cuối tuần trước, Malaysia tuyên bố trục xuất đại sứ Triều Tiên. Chưa đầy 48 tiếng sau, Triều Tiên làm điều tương tự với đại sứ Malaysia.

Trước căng thẳng leo thang giữa Malaysia và Triều Tiên, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng về vụ việc, kêu gọi hai nước giàn xếp bất đồng “thông qua những biện pháp ngoại giao đã có”.

Gần một tháng sau vụ người được cho là Kim Jong Nam bị sát hại, Triều Tiên đang tự đặt mình vào thế đánh mất những người bạn hiếm hoi trong số các nước có quan hệ thân thiện với họ, bên cạnh Trung Quốc.

Ngày 6/3, Malaysia chính thức trục xuất đại sứ Triều Tiên do chất vấn quá trình điều tra nghi án Kim Jong Nam của cảnh sát Malaysia, đồng thời kết thúc chương trình miễn thị thực cho người Triều Tiên.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-malaysia-xuong-giong-nham-giai-cuu-cong-dan-khoi-trieu-tien-a183418.html