Tiêm kích Su – 33 của Nga rơi xuống biển do đứt dây hãm đường băng


Thứ 3, 06/12/2016 | 08:06


(ĐSPL) – Chiếc tiêm kích Su – 33 của Nga do lúc hạ cánh bị đứt dây hãm tàu máy bay nên bị rơi xuống biển.

(ĐSPL) – Chiếc tiêm kích Su – 33 của Nga do lúc hạ cánh bị đứt dây hãm tàu máy bay nên bị rơi xuống biển.

Thông tin trên báo Thanh niên, Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/12 thông báo chiếc máy bay chiến đấu Su-33 bị rơi xuống biển khi trượt khỏi đường băng trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov lúc hạ cánh vì dây hãm máy bay trên tàu bị đứt, theo đài RT cùng ngày.

Đây là lần thứ hai máy bay chiến đấu Nga rơi xuống biển khi cố hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên vùng biển Syria.

Phi công đã nhanh chóng nhảy dù thoát khỏi máy bay và được cứu an toàn. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các hoạt động trên tàu sân bay vẫn tiếp tục như kế hoạch sau tai nạn này. Máy bay Su-33 trước đó thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại vùng trời Syria. Nga không cho biết tai nạn xảy ra với chiếc Su-33 khi nào.

Còn trang tin The Aviationist (Mỹ) ngày 5/12 thì cho biết sự cố xảy ra vào thứ bảy 3/12. Khi đó máy bay Su-33 hạ cánh trong điều kiện thời tiết tốt, tầm nhìn trên 10 km, tuy nhiên máy bay không bắt được sợi cáp hãm đà lúc hạ cánh trên đường băng của tàu Kuznetsov và rơi xuống biển.

Báo Vnexpress thông tin, vụ việc này từng xảy ra trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào năm 2005. Khi đó, chiếc Su-33 đã gần dừng lại, nhưng sợi cáp hãm bị đứt khiến máy bay lăn xuống biển. Hải quân Nga không thể trục vớt máy bay, buộc phải dùng bom chìm để phá hủy các trang thiết bị tối mật trên chiếc Su-33.

Chiến dịch không kích khủng bố tại Syria là nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của Đô đốc Kuznetsov kể từ khi được biên chế vào cuối năm 1990. Đây là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga.

Điều 26. Điều tra tai nạn, Công ước Chicago về Hàng không dân dụng quốc tế

Trong trường hợp xảy ra đối với tầu bay của một Quốc gia ký kết trong lãnh thổ của một Quốc gia ký kết khác và gây ra chết người hoặc thương tích nghiêm trọng, hoặc phát hiện ra khuyết tật kỹ thuật nghiêm trọng hoặc thiếu phương tiện đảm bảo không lưu, thì Quốc gia nơi xảy ra tai nạn phải mở cuộc điều tra về những trường hợp tai nạn phù hợp với thủ tục được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khuyến nghị; trong chừng mực mà pháp luật của Quốc gia đó cho phép, Quốc gia nơi tầu bay đăng ký được tạo cơ hội để chỉ định các giám sát viên có mặt tại cuộc điều tra và Quốc gia tiến hành điều tra phải gửi báo cáo và thông báo mọi điều được phát hiện trong vụ việc cho Quốc gia đăng ký tầu bay.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

Link nguồn: http://thuvienphapluat.vn