Tiết lộ thực đơn dành cho cuộc gặp mặt Hàn-Triều


Thứ 4, 25/04/2018 | 00:12


Cùng sự kiện

Tiệc chiêu đãi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc đã được lên thực đơn chi tiết với những món ăn mang nhiều ý nghĩa.

Tiệc chiêu đãi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc đã được lên thực đơn chi tiết với những món ăn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.

Theo kế hoạch, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Hòa Bình, thuộc làng đình chiến Panmunjom, thuộc phía lãnh thổ Hàn Quốc vào sáng 27/4. Đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc và là một phần trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 24/4, văn phòng Tổng thống Moon đã thông báo về những món sẽ có trong thực đơn dành cho tiệc chiêu đãi sau cuộc gặp quan trọng này. Mỗi món ăn được chọn đều mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó.

Thực đơn cụ thể gồm:

Naengmyun Bình Nhưỡng

Nổi tiếng nhất phải là món mỳ lạnh tuyệt hảo của người Triều Tiên. “Tổng thống Moon đã đề xuất đưa món món mì lạnh kiểu Bình Nhưỡng từ Okryu Gwan vào thực đơn và phía Triều Tiên đã vui vẻ chấp nhận”, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết. Okryu Gwan là nhà hàng nổi tiếng nhất ở Triều Tiên với món mì lạnh. Nhà hàng này cũng có cơ sở ở Trung Quốc.

Món mì lạnh sẽ được bếp trưởng của nhà hàng Okryu Gwan chế biến. Vị bếp trưởng này sẽ tới làng đình chiến Panmunjom, nơi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc hội đàm.

Khoai tây chiên Thụy Sỹ kiểu Triều Tiên 

Đây là một sự cải biến của Triều Tiên đối với món ăn truyền thống của người Thụy Sỹ. Nó nhằm gợi nhắc thời trai trẻ của lãnh đạo Kim Jong Un, khi ông còn du học ở Thụy Sỹ.

Dalgogi chiên

Một món hải sản nổi tiếng từ thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc, nơi Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae-in đã sinh sống thời thơ ấu

Salad bạch tuộc lạnh

Bạch tuộc dùng để chế biến món này có nguồn gốc từ thị trấn ven biển Tongyeong, quê hương của cố nghệ sĩ, nhà soạn nhạc Yoon Yi-sang. Ông Yoon là một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng trong thời gian Hàn Quốc nằm dưới sự cai trị của các nhà độc tài.

Pyeonsu

Để làm món bánh bao này, các đầu bếp sẽ sử dụng nguyên liệu lấy từ vùng Gageodo, quê hương của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Chính quyền của ông Kim đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền nam - bắc Triều Tiên vào năm 2000.

Bibimbap

Một món ăn Triều Tiên làm từ gạo, rau và trứng. Gạo dùng cho món ăn sẽ được lấy từ làng Bongha ở tỉnh Gimhae của Roh Moo-hyun, Tổng thống Hàn Quốc đã tới Bình Nhưỡng để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007. Nguồn nguyên liệu rau xanh được thu hoạch ngay tại vùng DMZ.

Thịt bò nướng

Thịt bò lấy từ trang trại Seosan ở tỉnh Chungnam, miền tây Hàn Quốc. Trang trại này nổi tiếng vì là nơi người sáng lập Hyundai, một trong những tập đoàn thành công nhất Hàn Quốc, nuôi thả đàn gia súc của mình. Vào những năm 1990, người sáng lập Hyundai đã đưa hàng trăm con bò của mình vượt qua khu DMZ tới Triều Tiên để hiến tặng cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Hyundai cũng dính tai tiếng liên quan đến các hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Công ty này được tin đã trở thành bình phong giúp chi trả hàng trăm triệu USD cho Triều Tiên vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh năm 2000 giữa cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Dae-jung.

Bánh mousse xoài

Theo chính phủ Hàn Quốc, xoài được chọn vì nó là loại quả nhiệt đới tượng trưng cho sức sống của mùa xuân trên bán đảo Triều Tiên.

Trà và bánh gạo

Một món tráng miệng khác trong thực đơn gồm 2 thành phần. Bánh Hallabong là đặc sản từ đảo Jeju, một trong những vùng cực nam của Hàn Quốc, còn trà nấm thông có nguồn gốc từ núi Baekdudaegan ở vùng cực bắc Triều Tiên. 

Ngoài vị trí địa lý, hai vùng đất này còn có ý nghĩa biểu tượng khác. Cụ thể, dãy núi Baekdudaegan bắt đầu từ núi Paektu, nóc nhà tinh thần của người Hàn Quốc và được coi là nơi chôn rau, cắt rốn của người sáng lập ra vương quốc Triều Tiên đầu tiên. Trong khi đó, Jeju từ lâu là cái nôi sản sinh ra các nhà hoạt động dân chủ chống chế độ độc tài quân sự ở Hàn Quốc và sự chiếm đóng của Nhật trước đó. Ngày nay, Jeju còn được biết đến với biệt danh "Hòn đảo hòa bình".

NGUYỄN QUỲNH (Theo CNN)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-thuc-don-danh-cho-cuoc-gap-mat-han-trieu-a227552.html