Tình hình Syria: Đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’


Thứ 3, 25/09/2018 | 07:40


Cùng sự kiện

Chuyên gia đánh giá rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” ở Syria vì không muốn rời đi nhưng cũng không muốn xung đột vũ trang.

Chuyên gia đánh giá rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” ở Syria vì không muốn rời đi nhưng cũng không muốn xung đột vũ trang.

Trong bài đăng trên National Interest, ông Mohammed Ayoob - giáo sư danh dự của trường Đại học Quan hệ Quốc tế, Đại học bang Michigan và là thành viên cao cấp của Trung tâm chính sách toàn cầu đã đưa ra những phân tích sắc sảo về tình hình Syria hiện nay, tập trung vào quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguy cơ xung đột ở Idlib

Vào ngày 17/9 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc họp ở Sochi. Theo đó, 2 nước đồng ý tạo vùng đệm giữa các lực lượng chính phủ và phe đối lập đối đầu nhau ở tỉnh Idlib của Syria nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn sắp xảy ra. Động thái này được cho là đã góp phần hoãn cuộc xung đột quân sự nhưng rõ ràng sẽ không thể dẫn đến một giải pháp lâu dài.

Trên thực tế, các lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria bị giới hạn vì người Nga dường như có ý định giúp chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành quyền kiểm soát Idlib – thành trì cuối cùng của phe đối lập và những kẻ khủng bố. Ngoài ra, các cuộc triển khai hải quân quy mô lớn của Nga ở Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Syria và các cuộc không kích của Moscow nhằm vào Idlib trong vài tuần qua cũng thể hiện quyết tâm của Nga.

Chiến sự ở Idlib dường như là hành động không thể tránh khỏi. Ảnh minh họa: Getty

Rõ ràng, cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đưa ra một số chiến lược để trì hoãn “cuộc xung đột không thể tránh khỏi”. Ankara cũng tăng cường sự hiện diện quân sự tại các khu vực gần tại Idlib để chứng minh quyết tâm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm năng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cố gắng loại bỏ Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda. HTS kiểm soát khoảng 60% tỉnh Idlib.

Có vẻ như Ankara hy vọng có thể loại bỏ HTS để xoa dịu người Nga. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng điều này sẽ thuyết phục Nga tiếp tục chiến dịch ném bom của họ và ngăn chặn lực lượng chính phủ Syria tấn công Idlib.

Do mối quan hệ căng thẳng với Washington và việc hợp tác mua vũ khí, năng lượng với Moscow, Ankara không muốn đối đầu với Nga một cách công khai. Cuộc họp ba bên ngày 7/9 tại Tehran giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về Idlib đã không đạt được một sự đồng thuận nào. Điều này cho thấy một cuộc tấn công toàn diện trên Idlib chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tại cuộc họp ở Tehran, ông Erdogan kêu gọi tất cả các bên tham chiến ở Syria đều ngừng bắn nhưng ông Putin tuyên bố rằng điều này sẽ là vô nghĩa, vì không thể bao gồm HTS và các nhóm phiến quân khác mà Nga coi là kẻ khủng bố. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Syria phải lấy lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình và điều này không thể thương lượng được.

Do đó, tình trạng trì hoãn có thể chỉ là tạm thời. Rất có thể, người Nga cũng đang cân nhắc rất nhiều về khả năng xảy ra thảm họa nhân đạo ở Idlib. Tuy nhiên, dù là đồng minh thân thiết, Nga và Iran cũng không thể áp đặt quan điểm, quyết định lên chính phủ Syria.

Trước đây, thỏa thuận ngừng bắn cũng đã đạt được ở Aleppo và miền Đông Ghouta nhưng đã sụp đổ ngay sau khi quân đội chính phủ Syria, với sự trợ giúp của lực lượng Iran và các lực lượng dân quân đồng minh Shia đã mạnh tay loại bỏ các chiến binh phe đối lập ở khu vực này.

HTS đang phải chịu nhiều nguy cơ từ phía lực lượng của ông Assad, và cả từ Thổ Nhĩ Kỳ. Rất có thể khu xung đột bắt đầu nổ ra, họ sẽ muốn chiến đấu hơn là đầu hàng và thậm chí có thể tấn công quân đội của Syria trước để làm cho Thổ Nhĩ Kỳ “mất mặt”. Từ hành động của họ, chính phủ Syria sẽ có lý do mới để tiếp tục một cuộc tấn công toàn diện ở Idlib.

Lựa chọn khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ: Đi hay ở?

Chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có 2 lựa chọn chính ở Syria. Ảnh: Getty

Nếu xung đột ở Idlib xảy ra, Ankara có ít nhất 2 lựa chọn. Đầu tiên, họ có thể ở lại chiến trường, hỗ trợ lực lượng đối lập, từ đó làm gia tăng căng thẳng với Nga. Lựa chọn này sẽ đẩy Ankara vào thế khó vì hiện nay, mối quan hệ của họ với Mỹ cũng đang căng thẳng. Ngoài ra, sau cuộc đảo chính thất bại vào tháng 7/2016, nhiều quan chức quân đội cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ bị thanh trừng nên việc lún sâu hơn nữa vào cuộc chiến ở Syria không thực sự khả quan.

Biện pháp còn lại là Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng mềm mỏng với chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad để thoát khỏi “vũng lầy Syria”. Điều này có nghĩa là họ phải để lại những nhóm quân phiến quân Syria mà trước nay họ vẫn hậu thuẫn ở Idlib, phó mặc sinh mạng của họ cho số phận.

Bên cạnh đó, nếu rút khỏi Syria ngay lúc nào, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Mặc dù vậy, ở lựa chọn này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đề nghị Nga và Iran cam kết rằng những người phải di tản sẽ được che chở trong “khu vực an toàn” gần biên giới nhưng không được phép vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái này có thể cứu vãn mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Đổi lại, Nga và Iran có thể đảm bảo rằng họ sẽ không cho phép lực lượng dân quân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố mở rộng vùng đất ở Syria. Trong thực tế, một thỏa thuận như vậy có thể đòi hỏi người Kurd nhường lại một số lãnh thổ mà họ đang kiểm soát ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thu hẹp lãnh thổ và tham vọng của người Kurd cũng là mong muốn của Tehran.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cho thấy Ankara đang xem xét nghiêm túc tùy chọn này. Nhà báo nổi tiếng Mehmet Barlas, một người ủng hộ Tổng thống Erdogan đã viết: “Chúng tôi phải đóng góp cho những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm cải cách hiến pháp và tổ chức bầu cử. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải tránh một cuộc đối đầu với Nga tại Idlib. Để làm điều này, Ankara cần theo đuổi một phương pháp hỗ trợ sự đoàn kết của Syria và tính hợp pháp của chính quyền hiện nay”.

Về phần mình, Mỹ không nên ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận như vậy với Nga, Iran và chính phủ Syria. Điều này là do Washington không có ý định giúp Ankara trong một cuộc đối đầu quân sự ở Syria. Hơn nữa, Washington dường như đang di chuyển theo hướng thừa nhận tính hợp pháp đối với chế độ Assad.

Trong bối cảnh này, việc rút khỏi Syria bằng cách sắp xếp đàm phán với Nga và Iran dường như là lựa chọn tốt hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-syria-den-luot-tho-nhi-ky-roi-vao-the-tien-thoai-luong-nan-a245328.html