Bánh chưng - linh hồn ẩm thực Việt


Thứ 3, 31/10/2017 | 03:35


Mỗi năm Tết về, hình ảnh bánh chưng xanh vuông vắn được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong..luôn khiến người ta nhớ, yêu thương và bồi hồi cảm xúc nhiều nhất.

Mỗi năm Tết về, hình ảnh bánh chưng xanh vuông vắn được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong..luôn khiến người ta nhớ, yêu thương và bồi hồi những dâng dâng cảm xúc nhiều nhất.

Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, là khoảng thời gian mỗi đứa con xa quê đều đau đáu ngóng trông, là sự mong đợi, háo hức của của cả người lớn, trẻ nhỏ. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi; dù mỗi thế hệ có trưởng thành, hội nhập và hiện đại đến đâu; dù bao năm tháng cứ thế trôi qua… thì truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người dân Việt.

Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt.

Câu ca xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, trang pháo, bánh chưng xanh” đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam ta mỗi độ xuân về.

Đối với dân tộc Việt Nam, bánh chưng được sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Sự tích liên quan đến một vị vua Hùng đời thứ sáu. Ông đã nghĩ ra cách chế biến bánh chưng và bánh giầy để dâng lên vua cha và được nhường ngôi. Hay cái quan niệm “trời tròn, đất vuông” đi theo tâm niệm của người Việt không biết bao nhiêu đời, nhưng hình ảnh bánh chưng giản dị mà vô cùng ý nghĩa như thể nó chính là sự tổng hòa của đất với những gì tinh túy từ thiên nhiên ban tặng người Việt.

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt ra, bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của nếp, vị thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, tất cả hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với nước mắm thật ngon, thêm củ hành muối, củ cải dầm hay dưa góp sẽ càng đậm đà, khó quên.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa lúa nước. Bên cạnh đó, bánh chưng còn mang những ý nghĩa sâu xa về triết lý nhân sinh.

Còn theo tín ngưỡng phồn thực dân gian, thì bánh chưng còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở. Trên mâm lễ dâng cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên, mà theo truyền thuyết, đó là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

Truyền thuyết bánh chưng còn muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính, cũng như nguồn cội của bánh chưng là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay những chiếc bánh chưng không chỉ được gói, được làm trong những dịp lễ Tết, ngày giỗ tổ hay khi gia đình có cỗ lớn, mà nay nó đã trở thành một thứ hàng quà, được bán hàng ngày phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Nó được coi như một loại bánh để ăn chơi, có khi là ăn quà sáng, quà chiều, có khi là món ăn dùng trong những dịp cưới xin, giỗ chạp...

Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn luôn được ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu. Không khí những ngày giáp Tết bây giờ, đặc biệt là những vùng nông thôn, vẫn hiển hiện cảnh, các bà các chị tất bật, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm dù ngoài trời sương lạnh, buốt giá nhưng vẫn không át được không khí ấm nồng.

Dù thời gian có đổi thay và công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay có nơi, có chỗ cũng đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga, nhưng chiếc bánh chưng vẫn thế vẹn nguyên từ dáng hình cho đến nguyên liệu.

Vẫn gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong, lạt mềm, bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

Nguyễn Hà (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/banh-chung---linh-hon-am-thuc-viet-a207423.html