Năm 2018: Biên chế công chức hành chính giảm hơn 4.000 người


Thứ 5, 08/02/2018 | 00:16


Cùng sự kiện

Trong tổng số gần 264.000 biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, Bộ Tài chính có biên chế lớn nhất với trên 70.000.

Trong tổng số gần 264.000 biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, Bộ Tài chính có biên chế lớn nhất với trên 70.000, tiếp đến là Bộ Tư pháp trên 10.000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hơn 6.400.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2018.

Theo quyết định của Thủ tướng, tổng biên chế công chức năm 2018 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 265.106 biên chế (giảm 4.000 so với năm trước đó).

Tin tức - Năm 2018: Biên chế công chức hành chính giảm hơn 4.000 người

Thí sinh xếp hàng thi vào ngành thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: VnExpress

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 263.621 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 107.392 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có 155.161 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có 1.068 biên chế.

Biên chế công chức dự phòng là 799 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.

Trong khối cơ quan trên, Bộ Tài chính có biên chế lớn nhất với trên 70.000, tiếp đến là Bộ Tư pháp trên 10.000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hơn 6.400, Ngân hàng Nhà nước trên 5.400. Hà Nội và TP. HCM có số biên chế lớn nhất trong nhóm cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện với trên 8.000 (Hà Nội 8.900; TP HCM hơn 8.000).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức quy định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng biên chế công chức dự phòng quy định tại Quyết định này. 

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Nhân Văn (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-2018-bien-che-cong-chuc-hanh-chinh-giam-hon-4000-nguoi-a219225.html