Black Friday 2017: Các nhà bán lẻ truyền thống "kêu trời" vì gặp khó


Thứ 3, 21/11/2017 | 02:48


Cùng sự kiện

Dù vào ngày lễ nhưng một khảo sát của Hãng kiểm toán Deloitte cho thấy, tỷ lệ người mua sắm có kế hoạch mua hàng trực tiếp tiếp tục giảm so với năm ngoái.

Dù vào ngày lễ nhưng một khảo sát của Hãng kiểm toán Deloitte cho thấy, tỷ lệ người mua sắm có kế hoạch mua hàng trực tiếp tiếp tục giảm so với năm ngoái.

Nhiều chỉ số kinh tế Mỹ như thị trường chứng khoán, tiền lương và niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức cao khiến nhiều chuyên gia nhận định việc chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ Tạ ơn sẽ cao hơn năm ngoái.

Hãng Bain & Company cũng như Liên đoàn bán lẻ Mỹ nhận định, tỷ lệ tăng trưởng sẽ rơi vào khoảng 3,5 - 3,9 %. Tuy vậy, mức tăng doanh thu này sẽ không chia đều cho tất cả các nhà bán lẻ. Để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua cuối năm, các CEO cũng như các nhà tư vấn doanh nghiệp đã phải có chiến lược rõ ràng trong bối cảnh các cửa hàng truyền thống ngày càng hụt hơi trong cuộc đua doanh thu.

Biểu đồ về doanh số của các nhà bán lẻ trong dịp lễ được Deloite khảo sát.

Lý do đầu tiên là bởi chỉ cần vài cú nhấp chuột trên điện thoại thông minh, người mua sắm có thể nhanh chóng tìm được nơi bán hàng rẻ nhất. Thậm chí, nhiều nhà bán lẻ còn thanh lý hàng với giá vô cùng rẻ mạt, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà bán lẻ khác kinh doanh cùng mặt hàng. Đơn cử như hệ thống bán lẻ Sears đã lần đầu tiên giảm 10 - 50 % sản phẩm tại hệ thống Sears và Kmart, ảnh hưởng trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh JC Penney trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ trực tuyến triển khai chương trình khuyến mãi Black Friday sớm cũng ảnh hưởng đến doanh số ngành bán lẻ truyền thống. Hãng Amazon đã triển khai khuyến mãi Black Friday 2017 ngay từ đầu tháng 11 với hơn 100 triệu mặt hàng được giảm giá đến 30% trong khi hầu hết các nhà bán lẻ truyền thống giờ mới bắt đầu tham gia cuộc đua.

Đặc biệt, thói quen mua sắm của người dân thay đổi cũng khiến cục bộ ngành bán lẻ xoay chiều. Một khảo sát của Deloitte cho thấy, người dân Mỹ có kế hoạch dùng 52 % ngân sách để mua sắm trực tuyến. Hãng này dự đoán, doanh số ngành bán hàng trực tuyến trong dịp Black Friday 2017 sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 18 - 21 %, trong khi năm ngoái là 14 %.

Tuy nhiên, ông Rod Sides, phó chủ tịch của Deloitte cũng cho biết, hoạt động mua sắm vẫn là một việc mà người Mỹ muốn tự tay thực hiện. Đây sẽ là yếu tố chống lại thương mại điện tử. Nhiều người sẽ nhân cơ hội đi chơi với gia đình để tham gia mua sắm. "Các cửa hàng thời trang sẽ là nơi thu hút nhiều khách trực tiếp nhất. Các mặt hàng gia dụng, điện tử sẽ có thể được mua trực tuyến nhiều hơn", ông chia sẻ.

Minh Thư (Theo CNBC, Bloomberg)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/black-friday-2017-cac-nha-ban-le-truyen-thong-keu-troi-vi-gap-kho-a210155.html