Cái kết của một ông trùm giang hồ khét tiếng Phước Sơn một thời


Chủ nhật, 24/06/2018 | 00:17


Cùng sự kiện

Khi còn rất trẻ, Nguyễn Hữu Cường (Cường “con”), đã được giới đào vàng khi ấy mệnh danh là “ông trùm”. Hắn nổi lên vì đâm thuê chém mướn, tranh giành lãnh địa, ma túy, cờ

Khi còn rất trẻ, Nguyễn Hữu Cường (Cường “con”), đã được giới đào vàng khi ấy mệnh danh là “ông trùm”. Hắn nổi lên vì đâm thuê chém mướn, tranh giành lãnh địa, ma túy, cờ bạc... không chút run tay.

Lấy “số” từ các cuộc tranh giành

Cường “con” (SN 1970, trú tại khối 2, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thất học từ sớm, phải vất vả mưu sinh. Có thời, bãi vàng huyện Phước Sơn, Quảng Nam là địa điểm để dân tứ xứ kéo về đây tìm vận may, Cường cũng nuôi ước vọng đổi đời.

Những ngày đầu tiên đặt chân lên bãi vàng Phước Sơn, Cường chỉ là một phu vàng.

Nhưng trong đám phu vàng, hắn là người hung hăng, ngang tàng nhất. Hắn chuyên đi rình mò, nghe ngóng tình hình bãi nào trúng vàng để báo cấp trên đi chiếm bãi. Lúc nào diễn ra các cuộc chiến, hắn luôn giữ vai trò tích cực và được tên đầu đảng tin tưởng. Chẳng bao lâu, hắn từ từ ngoi lên và trở thành đại ca của một băng nhóm chuyên đâm thuê chém mướn, cướp bóc ngang tàng. Gây ra nhiều tội tày đình, song gã lẩn trốn rất tài tình, CQCA vẫn chưa bắt được Cường dù truy lùng ráo riết.

Vào một ngày cuối tháng 7-1998, tại bãi vàng thôn 3 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn), vì xích mích với nhóm người làm, Cường đã dùng mã tấu đuổi đánh nhóm người này bỏ chạy. Thấy thế, anh Trần Nhật Quang (trú tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đến can ngăn. Bất kể anh Quang là người quen của mình, Cường vung mã tấu chém xuống đầu anh Quang.

Đại tá Huỳnh Đức Cường nhớ lại trong những ngày cùng đồng đội lội suối băng rừng để điều tra, phá án.

Khi thấy Cường vung mã tấu lên, theo phản xạ tự nhiên, anh Quang đưa tay lên đầu đỡ và bị thương nặng ở hai bàn tay. Do chuyên làm nghề dao búa nên nhóm của Cường gây mâu thuẫn với hầu hết các phu vàng ở Phước Sơn. Vụ nào không “xử tại trận” được, chúng nuôi hận trong lòng và chờ cơ hội phục thù.

Trường hợp của anh Phùng Văn H. - người quê Bắc vào làm phu vàng ở Phước Sơn, là một vụ điển hình. Vào trung tuần tháng 6/1998, một nhóm phu vàng người Bắc do anh H dẫn đầu thuê xe ôm xuống khu vực cầu phao ở thôn Hà Nha (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) để đón xe về quê thì bất ngờ bị nhóm Nguyễn Hữu Cường chặn lại đánh đấm túi bụi. Nguyên nhân là do trước đó, quân của Cường và của nhóm anh H có mâu thuẫn. Sau khi chặn đường, Cường cùng một số đối tượng, trong đó có Nguyễn Văn Phương (SN 1972, trú tại huyện Đại Lộc) dùng gạch, đá tấn công nhóm của anh Hội gây nhiều thương tích. Sau đó Cường lục soát túi của anh H. và một số người khác lấy 4 cục vàng gồm 5,7 cây vàng và 10 triệu đồng.

Không chỉ đâm chém, cướp bóc, sử dụng ma túy, Cường còn tham gia buôn bán trái phép hóa chất độc hại. Vào khoảng 16g ngày 24/6/1998, Cường dùng xe máy chở hai bao tải (khoảng 80 kg) đến gửi nhà chị Bùi Thị Phượng (trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) nói là :“Gửi hai bao tải để chở lên cho tụi nó làm vàng”. Sau đó khoảng 30 phút Cường thuê hai người xe ôm đến lấy rồi chở lên hướng bãi vàng Phước Sơn. Trên đường đi, khi đến bến phà thuộc khu vực huyện Hiệp Đức thì CA huyện Hiệp Đức phát hiện 2 bao tải là chất độc cyanua và tạm giữ hai người xe ôm. Sau khi đấu tranh làm rõ, hai người xe ôm khai nhận Cường chính là chủ nhân của hai bao chất độc nêu trên.

Quá trình xưng hùng xưng bá ở bãi vàng Phước Sơn, Cường “con” từng đụng độ với một băng nhóm khác do Phan Văn Tư (còn gọi là Tư “heo”, SN 1965, trú phường Khuê Trung, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cầm đầu. Theo lời kể của các cựu phu vàng và hồ sơ của CQĐT CA tỉnh Quảng Nam, cuộc chiến xảy ra vào ngày 21/4/1998.

Hôm đó, do băng của Tư heo “làm ăn lấn sân” nên Nguyễn Hữu Cường cùng anh trai Nguyễn Hữu Cảnh và một số tay đàn em mang theo hai trái ca-nô-bi (một loại trái nổ lấy trong các quả bom bi chưa nổ) đến lán của Tư “heo” hỏi tội. Vừa hùng hổ đi vào, Cường “con” vừa đá văng, vất tung các vật dụng trong lán của Tư “heo” và lên giọng trịch thượng: “Tư “heo” đâu, ra đây tao hỏi! Tại sao bọn bây lại dám qua mặt bọn tao?”.

Tư “heo” đứng dậy phản ứng dữ dội. Tư “heo” vớ lấy súng rồi lên đạn bắn liên tục nhiều phát ngay sát gót chân Cường “con”. Cường “con” hết sức bất ngờ vì hắn không nghĩ rằng Tư “heo” lại có súng, mà lại bắn một cách điêu luyện ngay sát gót chân Cường chứ không làm bị thương. Cường “con” cùng lũ đàn em bỏ chạy tán loạn. Do sử dụng “hàng nóng” và gây nhiều vụ cướp rất manh động, nguy hiểm tính mạng con người nên nhóm Tư “heo” bị CQCA truy lùng ráo riết. Đến ngày 27/8/1998, Phan Văn Tư bị sa lưới pháp luật.

Sát hại đồng bọn vì thua bạc

Trở lại thời điểm Tư “heo” chưa bị CA bắt, vì sở hữu “hàng nóng”, bị “đưa vào tầm ngắm” nên nhóm của Tư “heo” hoạt động dè dặt hơn. Cường “con” nhân cơ hội này càng tác oai tác quái. Ban ngày đi cướp bóc, trấn lột, ban đêm Cường “con” tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc. Lúc 19h ngày 29/7/1998, anh Hồ Đức Nam, trú tại thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đến lán của anh Võ Văn Hiền, tại bãi vàng thôn 7, Phước Thành chơi. Lúc này tại lán có một nhóm người đang ngồi chơi xóc đĩa do Cường con cầm cái, anh Nam thấy vậy cũng tham gia chơi cho vui. Thấy anh Nam mới vào chơi đã thắng thế, Cường “con” bắt đầu nóng mặt. Khi anh Nam cất 50.000 đồng vào túi và đặt lại 4.000 đồng thì Cường “con” chê ít nên lấy tiền định xé.

Anh Nam vừa giật tiền lại vừa nói: “Tại sao mày xé tiền, dù có 4.000 đồng hay bao nhiêu cũng là tiền, đặt ít hay đặt nhiều là quyền của tao”. Cường hung hăng đứng dậy quát: “Mi muốn “chơi” với tao à?”. Vừa dứt lời, Cường rút một con dao dài khoảng 20 cm, rộng 1 cm giấu sẵn trong người lao về phía anh Nam đâm một nhát vào bụng anh. Cường lùi lại vài bước rồi xông tới đâm tiếp một nhát vào hông trái của anh Nam làm nạn nhân ngã quỵ. Tuy được đưa đi cấp cứu kịp thời tại BVĐK Đà Nẵng nhưng anh Nam đã chết sau 2 ngày nhập viện. Riêng Cường gây án xong lẩn vào rừng trốn chạy lực lượng chức năng truy đuổi.

Theo lời kể của Đại tá Huỳnh Đức Cường - người trực tiếp chỉ đạo việc truy bắt Cường “con”, có lần biết được thông tin Cường “con” xuống Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng trú ẩn, các anh liền mai phục để bắt. Tuy nhiên sau mấy ngày lặn lội, mật phục các anh mới biết được trước đó y chỉ ghé qua để tạo tiếng rồi đi ngay mà không quay trở lại. Lần theo dấu vết, được biết y đã trở lên bãi vàng Phước Sơn và liều lĩnh gây ra một số vụ cướp tại đây.

Thế nhưng khi CQCA băng rừng lội suối vào đến nơi thì Cường “con” đã đánh hơi được và ra khỏi bãi. Sau đó, lại nhận tin y đang ở Đắk Lây, tỉnh Kon Tum nhưng khi lên tận nơi thì y cũng biến mất dạng... Sau bao ngày săn lùng vất vả, cuối cùng CQCA nhận được thông tin Cường “con” sẽ đến thăm nhà người tình ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Các trinh sát đã phối hợp với CA huyện Duy Tiên triển khai ngay kế hoạch vây bắt. Ngày 20-8- 1998, khi y vừa bước chân vào nhà người tình thì bị các chiến sĩ CA ập vào bắt gọn. Ngày 29-6-1999, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Cường tử hình về tội “Giết người”, 10 năm tù về tội “Cướp tài”, 10 năm tù về tội “Tàng trữ chất độc” và 1 năm tù về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, tổng hình phạt là tử hình. Còn các đối tượng khác cũng lĩnh án đúng người đúng tội.

Hà Hằng

Bài đăng trên báo giấy Hôn nhân & Pháp luật số 73

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-ket-cua-mot-ong-trum-giang-ho-khet-tieng-phuoc-son-mot-thoi-a233888.html