Cảm xúc của các sĩ tử trong cuộc “chạy đua” với kỳ thi THPT quốc gia 2018


Thứ 5, 17/05/2018 | 23:16


Lo lắng với câu hỏi thí nghiệm, sợ không đậu đại học sẽ làm bố mẹ buồn, loay hoay trong cách học,...Là muôn vẻ tâm trạng của các sĩ tử trước kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Lo lắng với câu hỏi thí nghiệm, sợ không đậu Đại học sẽ làm bố mẹ buồn, loay hoay trong cách học,...Là muôn vẻ tâm trạng của các sĩ tử trước kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Vậy là chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, kỳ thi đầy cam go THPT quốc gia 2018 sẽ chính thức bắt đầu. Sau 12 năm đèn sách, kỳ thi đại học chính là lúc các sĩ tử dốc hết toàn lực để thể hiện bản thân cũng như thực hiện ước mơ được ngồi trên giảng đường đại học.

Trước những áp lực từ điểm số, sự thay đổi trong quy chế, cấu trúc đề thi đến sự kì vọng của gia đình hay mong ước về tương lai của chính mình đã khiến cho các thí sinh không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Do không được thường xuyên thực hành nên Thảo tỏ ra lo lắng trước dạng đề thi thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Xác định theo khối A, năm nay Thảo- học sinh Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) đăng ký 5 nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng 1 là Đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy rằng việc ôn luyện đã khá kỹ càng cộng với việc tập làm đề thi hàng ngày nhưng Thảo vẫn không ngừng lo lắng trước thông báo sẽ có câu hỏi về thí nghiệm trong bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần là Lý - Hóa - Sinh).

“Do cơ sở vật chất của trường còn eo hẹp cũng như số tiết thực hành của bọn em khá ít nên số lần được trực tiếp làm thử các thí nghiệm trong một năm học có thể đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên nếu gặp các dạng câu hỏi như thế này thì chắc em chỉ còn biết trông chờ vào sự may mắn mà thôi”, Thảo chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô bạn sinh năm 2000 còn tỏ ra khá căng thẳng khi phải ôn luyện 6 môn cùng một lúc: “Môn nào cũng phải học trong khi đó lượng kiến thức thì quá nhiều, đôi khi em còn bị nhầm lẫn giữa các môn với nhau. Nhưng ở tháng cuối này, em tập trung vào 3 môn chính nhiều hơn, các môn phụ em chỉ học qua thôi”.

Không đi học thêm bên ngoài như các bạn đồng trang lứa, Quốc Huy dành phần lớn thời gian để tự học qua mạng. Ảnh: NVCC

Cũng theo khối A nhưng Phạm Quốc Huy- học sinh Trường THPT Điểu Cải ( Đồng Nai) lại có tinh thần lạc quan hơn Thảo rất nhiều. Đặc biệt, thay vì chạy theo các lớp học thêm từ sáng đến tối, nam học sinh này lại chọn cách tự học là chính.

“Em chỉ trú trọng vào 3 môn mình thi nên có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn so với các bạn khác. Em có đi học thêm toán ở ngoài còn lý và hóa thì em tự học. Chẳng hạn, với môn Vật lý, em sẽ học theo các bài giảng của thầy cô trên youtube, vừa nghe các thầy giảng bài vừa xem hướng dẫn giải đề luôn. Còn môn Hóa thì em hỏi thêm các bạn học sinh giỏi ở lớp những phần mà mình chưa hiểu”, Quốc Huy nói.

Về đăng ký nguyện vọng năm nay, Quốc Huy tỏ ra tiếc nuối khi không thể ứng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 khi mắt bị cận thị đến 4 độ: “Em đã tham gia khám sức khỏe tại trường nhưng không đủ điều kiện vì thị giác quá yếu. Hiện em đang hướng đến nguyện vọng 2 là Trường Giao thông Vận tải chuyên ngành xây dựng Đường sắt Metro”.

Mỗi ngày chỉ được ngủ vài tiếng còn phần lớn thời gian trong ngày đều dành cho việc học. Thế nhưng, Nguyễn Huyền- học sinh Trường THPT Ngọc Tảo (Phúc Thọ- Hà Nội) vẫn cảm thấy chưa có đủ tự tin để bước vào “cuộc chiến sinh tử” sắp tới. “Em theo khối C nên chỉ cần mất tập trung một chút là nhầm lẫn hết cả. Bình thường chỉ học hết kiến thức lớp 12 thôi cũng đủ mệt mỏi lắm rồi nên hiện tại, việc phải gánh cả các bài học ở lớp 11 khiến em cảm thấy vô cùng áp lực”.

Dù có biết bao nỗi âu lo trước kỳ thi đại học  nhưng các sĩ tử vẫn luôn hào hứng, sẵn sàng "chiến đấu" để đạt được ước mơ của mình. Ảnh: NVCC

Cũng là một sĩ tử đến từ Trường THPT Ngọc Tảo, Thúy Nhung lại chịu nhiều tâm lý từ phía gia đình khi luôn lo lắng nếu chẳng may trượt đại học sẽ khiến bố mẹ thất vọng: “Mặc dù bố mẹ luôn động viên cổ vũ cho em, việc đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng là do em tự quyết định nhưng em không thể ngừng lo sợ đến tình huống xấu nhất. Chưa kể, việc học quá tải lại ngủ nghỉ không đúng giờ cũng ảnh hưởng khá lớn đến tình trạng sức khỏe của em hiện tại”.

Ngoài ra, Thúy Nhung cũng tỏ ra khá tiếc nuối khi điểm ưu tiên khu vực có sự sụt giảm: “Em nghĩ điểm vùng là sự khích lệ tinh thần học sinh và trong một số trường hợp nó còn chính là một chiếc phao cứu sinh. Nhưng năm nay thì hầu như điểm ưu tiên khu vực đều bị giảm đi nên em cảm thấy khá tiếc dù biết rằng so với các bạn vùng sâu vùng xa thì điều kiện học tập của chúng em tốt hơn rất nhiều”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 237.000 chỉ xét tốt nghiệp THPT; hơn 688.000 thi để xét tuyển đại học và cao đẳng. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 25/6 đến 27/6. Mỗi tỉnh thành sẽ có một cụm thi, do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với các đại học.

Nguyễn Phượng

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-xuc-cua-cac-si-tu-trong-cuoc-chay-dua-voi-ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-a229901.html