Chủ đầu tư chung cư Carina: Vừa vực dậy từ nợ nần lại đối mặt “bão táp”


Thứ 6, 23/03/2018 | 09:04


Cùng sự kiện

Chủ đầu tư của chung cư Carina Plaza, nơi vừa xảy ra trận hỏa hoạn kinh hoàng khiến 13 người chết, là công ty đầu tư Năm Bảy Bảy, doanh nghiệp vừa được vực dậy trong....

Chủ đầu tư của chung cư Carina Plaza, nơi vừa xảy ra trận hỏa hoạn kinh hoàng khiến 13 người chết, là công ty đầu tư Năm Bảy Bảy, doanh nghiệp vừa được vực dậy trong thời gian gần đây.

Như đã đưa tin trước đó, khoảng 1h30 sáng nay (23/3), chung cư Carina Plaza (1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM) bùng cháy khiến 13 người chết, 28 người bị thương. Đến 12h trưa cùng ngày, ngọn lửa bùng phát trở lại ở tầng hầm khu B chung cư Carina Plaza, nhiều cư dân hoảng loạn bỏ chạy.

Được biết, chung cư Carina Plaza được xây dựng trên diện tích hơn 19.318 m2, là một trong những dự án thuộc cụm các dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán NBB). Tổng mức đầu tư dự án là 927 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp đầu tư gồm Công ty Năm Bảy Bảy (95%), Công ty TNHH Hùng Thanh (5%).

Thị trường - Chủ đầu tư chung cư Carina: Vừa vực dậy từ nợ nần lại đối mặt “bão táp”

Công ty Năm Bảy Bảy giới thiệu về dự án trên Website chính thức. Ảnh: CafeF

Đơn vị quản lý dự án là Công ty TNHH Hùng Thanh (thành viên của Công ty Đầu tư 577) với vốn điều lệ là 41 tỷ đồng, trong đó Công ty 577 (NBB) sở hữu 95%. Như vậy, Năm Bảy Bảy mới là chủ đầu tư thực sự của Carina.

Theo thông tin đăng tải trên website, Công ty TNHH Hùng Thanh có nhiệm vụ thay mặt NBB quản lý, điều hành và kinh doanh các dự án Carina Plaza, City Gate Towers tại phường 16, quận 8, TP.HCM. Đồng thời, Hùng Thanh cũng là công ty quản lý các dự án cao tầng của NBB.

Được biết, Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy tiền thân là Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 tại Bình Thuận được thành lập theo Quyết định số 4750/QĐ-TCCB ngày 1/11/2004 của Hội đồng quản trị Tổng Công ty.

Được thành lập năm 2005, NBB sở hữu quỹ đất tương đối lớn, gần 370 ha, phân bổ trên 5 tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại TP.HCM, công ty sở hữu đến 58 ha đất (phần lớn là đất sạch), tập trung tại quận 8 và huyện Bình Chánh. Tính trên cả nước, NBB đang có khoảng 370 ha đất sạch, phân bổ tại 5 tỉnh thành lớn.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án của NBB gặp phải bế tắc trong một thời gian dài. Trước thời điểm lên sàn chứng khoán (năm 2009), NBB kinh doanh khá tốt và có dòng tiền lành mạnh nhờ hoạt động bán hàng tốt tại các dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Bắc Phan Thiết (Bình Thuận), khu dân cư phường 2 Bạc Liêu (Bạc Liêu) và khu căn hộ cao tầng Carina Plaza tại TP.HCM.

Sau khi lên sàn, NBB mạnh tay đầu tư vào các dự án lớn như City Gate Towers, NBB II, Dimond Plaza và Khu phức hợp Tân Kiên (NBB IV) tại TP.HCM. Tuy nhiên, tiến độ bán hàng tại các dự án của NBB khi đó chững lại trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của NBB từ 2010-2014 liên tục là con số âmGiai đoạn 2010-2013, trên bảng kết quả kinh doanh, chi phí lãi vay hàng năm của công ty dưới 30 tỷ đồng nhưng đó là chưa kể đến con số vốn hóa chi phí lãi vay vào các dự án hơn 120 tỷ đồng mỗi năm. Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCI) vào năm 2014, ước tính NBB phải thanh toán chi phí lãi vay trung bình 170 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2010-2013.

Đến ngày 9/9/2014, NBB và Tập đoàn Creed Group của Nhật Bản ký kết hợp tác đầu tư dự án City Gate Towers, bằng cách rót 600 tỷ đồng thông qua mua trái phiếu dự án. Tổng lãi phải trả cho trái phiếu phát hành cho Creed Group là 80% lợi nhuận từ dự án này. Sau khi bắt tay hợp tác, tình hình kinh doanh của NBB bắt đầu có sự khở sắc.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý IV năm 2017 của công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 72 tỷ đồng. Công ty có tổng nợ gần 3.000 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 2.000 tỷ đồng, trong khi vay nợ thuê tài chính trong năm 2017 tạm tính lên tới 1.000 tỷ đồng.

Ngoài bất động sản, công ty NBB còn phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông; Xây dựng công trình thuỷ điện, nhiệt điện; Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; Khai khoáng; Kinh doanh du lịch sinh thái...

Được biết, ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, đến sáng nay (23/3), cổ phiếu NBB của NBB đã bị rớt giá thảm hại. Cụ thể, ngay trong phiên giao dịch sáng 23/3, cổ phiếu NBB đã giảm kịch sàn, trắng bên mua, hiện được giao dịch với giá 23.750 đồng/cổ phiếu, giảm 6,9% so với phiên 22/3. Đà giảm của cổ phiếu NBB đã khiến vốn hóa của công ty này bị “thổi bay” hơn 170 tỷ đồng chỉ trong những phút đầu phiên

Nhân Văn (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-dau-tu-chung-cu-carina-vua-vuc-day-tu-no-nan-lai-doi-mat-bao-tap-a223539.html