Chuyện ít biết về bộ luật Gia Long tiên phong bảo vệ phụ nữ


Thứ 7, 23/06/2018 | 00:31


Cùng sự kiện

Dưới thời vua Gia Long, triều đình đề cao việc bảo vệ danh dự, tiết hạnh của phụ nữ. Nổi bật là quy định cấm bắt con dâu bán dâm, nếu vi phạm sẽ bị xử nghiêm.

Dưới thời vua Gia Long, triều đình đề cao việc bảo vệ danh dự, tiết hạnh của phụ nữ. Nổi bật là quy định cấm bắt con dâu bán dâm, nếu vi phạm sẽ bị xử nghiêm. Lạ rằng, điều luật này chỉ áp dụng với mẹ chồng. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi đã có những khảo cứu thú vị.

“Cha đẻ” Hoàng việt luật lệ

Ngay sau khi lên ngôi năm 1802, Vua Gia Long (1762-1820) tiếp tục sử dụng bộ luật Hồng Đức của nhà Hậu Lê để quản lý xã hội. Nhà vua đã cho điều chỉnh một số quy định để bảo vệ quyền lực vương triều và ổn định xã hội sau thời gian dài biến động. Chẳng hạn vào tháng 8/1802 vua lệnh cho các quan hình án tham khảo luật Hồng Đức, đặt ra điều lệ kiện tùng gồm 15 điều.

Bên cạnh đó nhà vua ra lệnh soạn bộ luật mới cho vương triều mình. Năm Ất Hợi (1815), vua ban chiếu công bố chính thức bộ luật với tên gọi “Hoàng việt luật lệ”, dân gian thường gọi Luật Gia Long. Luật Gia Long gồm 398 điều chia thành 22 quyển. Bộ luật phân thành 6 loại tương ứng với chức năng do 6 bộ phụ trách để tiện thi hành gồm: Danh lệ, Lại luật, Hộ luật, Lễ luật, Binh luật, Công luật và Tỷ dẫn luật điều quy định về việc áp dụng luật pháp.

Ngay trong phần đầu của bộ luật, vua Gia Long đích thân viết lời tựa, trong đó có đoạn: “Trẫm tự thân sửa chữa ban hành cho thiên hạ, khiến người ta biết được phép lớn cần ngừa, rõ như mặt trăng không thể ẩn giấu. Điều cấm răn dạy, nghiêm như sấm sét không thể xâm phạm”.
Cấm mẹ chồng bắt con dâu bán dâm

Ngoài việc kế thừa các thành quả trong xây dựng pháp luật của các vương triều trước, bộ luật Gia Long còn có các điều khoản nhằm xử lý các quan hệ xã hội mới phát sinh trong cuộc sống, phân chia rõ ràng, cụ thể hơn.

Đáng chú ý là những chế tài điều chỉnh các quan hệ gia đình. Cụ thể ở mục “nhân mạng” có quy định về tội “uy bức người khác dẫn đến họ tự vẫn”. Tại đây đề cập tới quan hệ mẹ chồng- nàng dâu như sau:

“Đàn bà người nào bắt con dâu bán dâm nhưng con dâu không nghe, đã đánh đập cưỡng bức khiến con dâu tự vẫn thì xử giảo giam hậu (bị thắt cổ nhưng tạm giam một thời gian sẽ thi hành). Nếu gian phụ ép con dâu cùng đi vào con đường tà dâm khiến con dâu phải tự vẫn thì bị đày ra vùng biên giới xa xôi”.

Phân tích những quy định trên: Việc một phụ nữ cưỡng ép, đánh đập con dâu bắt họ bán dâm để thu tiền lợi, bất kể người con dâu đang sống cùng chồng hay ở góa, dồn họ vào cảnh phẫn uất bị tổn thương danh tiết mà đường cùng phải tự vẫn sẽ bị xử phạt giảo giam hậu.

Ở phạm vi rộng hơn, nếu mẹ chồng nào ép con dâu đi vào đường tà dâm. Chẳng hạn ép con dâu cùng bán dâm với mình, dùng nhan sắc quyến rũ đàn ông để lấy tiền bạc. Hoặc gian dâm với người đàn ông khác bất kể mục đích gì sẽ bị xử phạt đi lưu đày.

Để cụ thể hóa điều luật, trong phần tập chú còn nhấn mạnh các dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội như: uy thế của người có hành vi uy bức phải đáng sợ, việc uy bức quả là không chịu nổi. Hoặc dấu hiệu nạn nhân lâm vào tình trạng phẫn uất, không biết làm cách nào mà tự vẫn. Bộ luật cũng nói rõ nếu vì chuyện vặt vãnh mà dẫn đến quyên sinh thì không phải bị uy bức như luật định.

Chân dung vua Gia Long

Bộ luật “lo xa” cho phụ nữ

Hoàng việt luật lệ được đánh giá là bộ luật “lo xa” cho đời sống nữ trong xã hội phong kiến. Ngoài lệnh cấm con dâu bán dâm, luật có thêm những quy định nhằm tiếp tục đề cao quyền lợi phụ nữ. Chẳng hạn bộ luật đã lo xa hơn cho phụ nữ nếu phải ly dị chồng.

Do đó mới có quy định ba trường hợp chồng không thể bỏ vợ được trừ khi người vợ ngoại tình đó là: vợ đã để tang cha mẹ chồng; vợ đã làm nên giàu có; ngoài nhà chồng ra vợ không còn chỗ nào nương tựa nữa. Nếu vi phạm một trong ba trường hợp ấy sẽ bị trừng trị đích đáng.

Ngoài ra luật Gia Long cũng xử nghiêm tội “quấy rối tình dục”: “người nào dùng lời thô tục dâm đãng làm cho người đàn bà xấu hổ mà tự tử thì phải xử đến hình giảo giam hậu”. Bộ luật còn cấm quan lại lấy đàn bà, con gái ở địa phương nơi mình đương chức nhằm tránh sự lạm dụng quyền thế của các quan để cưỡng bức con gái nhà lành hoặc gia đình nhà gái lợi dụng hôn nhân chi phối quan quyền. Tương tự luật cấm nhà quyền thế cưỡng đoạt, ức hiếp con gái nhà dân làm vợ. Nếu phạm vào tội này sẽ bị xử thắt cổ.

Luật Gia Long còn nghiêm cấm những hành vi lừa gạt kết hôn. Nếu vi phạm, hình phạt đối với nhà trai nặng hơn nhà gái bởi nếu bị lừa gạt, con trai vẫn có thể cưới vợ khác dễ dàng. Còn con gái khó lấy chồng mới. Vì vậy Luật Gia Long được đánh giá có vai trò nhất định trong việc đề cao nữ quyền.

HOÀNG VĂN

Bài viết đăng trên báo Hôn nhân & Pháp luật số 73 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-it-biet-ve-bo-luat-gia-long-tien-phong-bao-ve-phu-nu-a233759.html