Đại án Phạm Công Danh: Số tiền 2.600 tỷ bị “lãng quên”?


Thứ 6, 19/01/2018 | 04:03


Con số 2.600 tỷ đồng được Phạm Công Danh vay từ Ngân hàng Xây dựng trả cho ngân hàng BIDV đã không còn được nhắc đến?

Con số 2.600 tỷ đồng được Phạm Công Danh vay từ Ngân hàng Xây dựng trả cho ngân hàng BIDV đã không còn được nhắc đến?

Trong giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh và đồng phạm đã chịu hình phạt vì hành vi thông qua 14 công ty, dùng hồ sơ khống, nâng giá trị tài sản thế chấp để rút 5.000 tỷ đồng tiền vay của Ngân hàng Xây dựng.

Số tiền này được Phạm Công Danh sử dụng trả cho Trần Ngọc Bích (500 tỷ đồng), nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn (135 tỷ đồng), ngân hàng BIDV (2.600 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền còn lại hơn 1.400 tỷ đồng Phạm Công Danh chi tiêu không rõ địa chỉ.

Ngân hàng Xây dựng không yêu cầu thu hồi tiền từ BIDV?

Trong giai đoạn 1 của vụ án, Tòa xác định số tiền vay từ Ngân hàng Xây dựng là vật chứng và quyết định thu hồi số tiền Phạm Công Danh đã trả cho Hứa Thị Phấn, Trần Ngọc Bích. Khoản tiền hơn 1.400 tỷ đồng Phạm Công Danh chi tiêu không rõ địa chỉ nên không thể thu hồi. Riêng khoản tiền 2.600 tỷ đồng trả cho BIDV thì Tòa chưa có quyết định thu hồi.

Số tiền 2.600 tỷ đồng trên được thanh toán cho các khoản nợ 4.700 tỷ đồng tại BIDV mà Phạm Công Danh vay thông qua 12 công ty bằng hồ sơ khống. Phần còn lại của khoản vay 4.700 tỷ đồng này được BIDV thu nợ từ khoản tiền của Ngân hàng Xây dựng gửi tại BIDV. Như vậy, toàn bộ số tiền vay 4.700 tỷ đồng của BIDV được thu nợ từ tiền có nguồn gốc rút trái phép từ Ngân hàng Xây dựng.

Phạm Công Danh. (Ảnh: Soha)

Tại tòa sơ thẩm vụ án, trong giai đoạn 1 xét xử về hành vi của Phạm Công Danh rút 5.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng, đại diện Viện kiểm sát nêu: Danh đã sử dụng 2.600 tỷ đồng để trả các khoản vay của các công ty tại BIDV, hành vi cho vay tại BIDV có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vụ án liên quan đến BIDV được tách ra, nên đề nghị các cơ quan pháp luật làm rõ sai phạm và thu hồi tài sản.

Tòa sơ thẩm cũng nêu số tiền 2.600 tỷ chuyển cho BIDV đang được điều tra tiếp trong phần tách ra của vụ án nên xét chưa yêu cầu BIDV nộp lại số tiền này. Bản án sơ thẩm được giữ nguyên khi xét xử phúc thẩm. Như vậy, số tiền 2.600 tỷ đồng này sẽ được xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án, khi xử lý các hành vi sai phạm tại BIDV.

Trong giai đoạn 2, cơ quan pháp luật đã khởi tố vụ án Cố ý làm trái tại BIDV và một số cá nhân tại BIDV bị truy tố cùng Phạm Công Danh về tội cố ý làm trái trong việc BIDV cho vay 4.700 tỷ đồng với 12 công ty có hồ sơ vay khống.

Hiện vụ án đang được TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, 2.600 tỷ đồng vay trái pháp từ Ngân hàng Xây dựng được Phạm Công Danh chuyển trả cho BIDV đã không còn được nhắc đến. Kiến nghị của các cơ quan tố tụng trong giai đoạn 1 vụ án đã không được thực hiện, ngay cả Ngân hàng Xây dựng, đơn vị bị thiệt hại, cũng không có yêu cầu thu hồi số tiền này từ BIDV.

Có thể thu hồi 2.600 tỷ đồng đã trả cho BIDV?

Phạm Công Danh cùng đồng phạm rút ra 18.000 tỷ đồng trong toàn bộ vụ án. Trong đó có hàng ngàn tỷ đồng dùng để mua cổ phần Ngân hàng Xây dựng, hàng ngàn tỷ đồng khác dùng để trả nợ, trong đó có những khoản nợ từ trước khi Phạm Công Danh mua ngân hàng, đặc biệt có đến hàng ngàn tỷ đồng Phạm Công Danh chi tiêu không rõ địa chỉ và không nhớ.

Theo một số luật sư tại tòa, nếu đã xác định các khoản tiền Phạm Công Danh chi trả trong vụ án là vật chứng thì không thể không thu hồi khoản tiền 2.600 tỷ đồng đã trả cho BIDV có nguồn gốc từ khoản vay 5.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng.

Theo một số luật sư tại tòa, nếu xác định các khoảntiền Phạm Công Danh chi trả trong vụ án là vật chứng thì không thể không thu hồi khoản tiền 2.600 tỷ đồng đã trả cho BIDV

Đồng thời, nếu thu hồi tiền từ người khác để khắc phục hậu quả cho Ngân hàng Xây dựng thì cần xem xét các tài sản của Phạm Công Danh đang bị kê biên sẽ được xử lý ra sao. Bởi theo luật sư, nếu không xử lý vấn đề tài sản này thì Phạm Công Danh có thể sẽ không chịu hậu quả về hành vi phạm tội của mình.

Trong khi có hàng nghìn tỷ Phạm Công Danh trả nợ cá nhân, chi tiêu không rõ địa chỉ không thể thu hồi như khoản tiền hơn 1.400 tỷ đồng nêu trên, trong khi phải thu hồi tiền của người khác để khắc phục hậu quả, thì trong năm 2017, bà Quách Kim Chi (vợ Phạm Công Danh) lại có đơn xin các cơ quan tố tụng trả lại 10 thửa đất tại Sân Vận động Chi Lăng vì cho rằng sau khi khắc phục hậu quả của toàn bộ vụ án thì Phạm Công Danh còn thừa hơn 2.200 tỷ đồng (?).

Hoàng Giang (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-pham-cong-danh-so-tien-2600-ty-bi-lang-quen-a216941.html