ĐBQH chất vấn về trách nhiệm trong việc rút, xin lùi các dự án luật


Thứ 2, 19/03/2018 | 06:38


Lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành thí điểm chất vấn – trả lời ngay, các ĐBQH và Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long đã hỏi thẳng và trả lời trực tiếp vào vấ

Lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành thí điểm chất vấn – trả lời ngay, các ĐBQH và Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long đã hỏi thẳng và trả lời trực tiếp vào vấn đề. Tuy nhiên, đối với các câu hỏi mang tính chính sách, giải pháp mang tính lâu dài, cả ĐBQH và Bộ trưởng đều bị vượt quá thời gian hỏi 1 phút, trả lời 3 phút.

Tin tức - ĐBQH chất vấn về trách nhiệm trong việc rút, xin lùi các dự án luật

Bộ trưởng Tư pháp trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng nay (19/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề, các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Rút, dời dự án luật, nguyên nhân do đâu?

ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn ĐB tỉnh Cà Mau đặt câu hỏi, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, có nhiều dự án luật phải đưa ra khỏi chương trình làm việc của QH, xin dời các luật. Xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và khắc phục tình trạng này là gì? Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc lập và trình dự án đạt được bước tiến đáng kể. Chúng tôi thống nhất ý kiến với đánh giá của ĐBQH là thời gian vừa qua chưa khắc phục được tình trạng xin lùi, rút, điều chỉnh các dự án luật hàng năm.

Ví dụ năm 2016 dự án rút khỏi chương trình là 11, năm 2017 xuống còn 3 và năm 2018 còn 1. Số liệu ngày càng rút, mặc dù vẫn còn tình trạng xin rút nhưng năm 2018, Chính phủ đã trình bổ sung đột biến trên dưới 10 dự án.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, do khi lập dự án luật trình Quốc hội, các cơ quan chưa trù liệu hết. Ví dụ như luật Quy hoạch (kéo theo sửa đổi 25 luật khác), số lượng dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình trong thời gian qua khá nhiều…. Chủ quan là một số lãnh đạo cơ quan ban ngành chưa chú trọng đến công tác này.

Về giải pháp, bộ Tư pháp sẽ chủ động sớm rà soát các nguồn dự án luật đưa vào cố gắng đảm bảo đầy đủ; thứ hai nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, cố gắng ra những văn bản thẩm định có chất lượng, thể hiện rõ quan điểm của mình “đủ điều kiện trình, hay chưa đủ” trình UBTVQH.

Cuối cùng về kỷ luật, kỷ cương hành chính, bộ Tư pháp sẽ đốc thúc các bộ phận, phát hiện ra vấn đề thật sớm, bản thân cũng nhắc nhở các bộ ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét lại trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ…

ĐB Trương Minh Hoàng hỏi hết 37 giây, Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời hết 3 phút 59 giây.

Tin tức - ĐBQH chất vấn về trách nhiệm trong việc rút, xin lùi các dự án luật (Hình 2).

ĐBQH Lê Thị Nga chất vấn về chất lượng các dự án luật.

Nhiều dự án rất có vấn đề

ĐBQH Lê Thị Nga đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tiến độ trình văn bản quá chậm. Việc này đẩy cơ quan thẩm tra dự án luật vào tình trạng quá khó, có những luật từ khi trình đến phiên họp chỉ trước 2 ngày, 2 ngày đó là thứ Bảy, Chủ nhật.

Thứ hai về chất lượng, nhiều dự án luật có vấn đề rất lớn. Nhiều báo cáo tổng kết hình thức, đánh giá tác động chay, nửa trang không có số liệu kèm theo. Tiếp đó là thời gian tham gia của các bộ ngành chỉ hình thức, nhiều bộ thường xuyên ủy quyền cho Phó vụ trưởng vụ Pháp chế cho ý kiến hình thức, chỉ ghi 3 dòng đồng ý.

Có những vấn đề lớn xin ý kiến Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu, tổng số phiếu chúng tôi có được, có những luật rất quan trọng chỉ có 18/27, 9 thành viên Chính phủ chưa ý kiến, cá biệt có những luật bộ Tư pháp cũng chưa cho ý kiến, đề nghị hai Bộ trưởng giúp chúng tôi chấn chỉnh tình trạng này, nếu không sẽ đẩy các ủy ban rất khó trong việc thẩm tra, tiếp thu giải trình. Tình trạng như vậy, có xử lý kỷ luật lãnh đạo, chuyên viên, cá nhân nào không?

Điểm cuối cùng là quan điểm của bộ Tư pháp (có thể bằng văn bản) về việc xử lý phần tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thị Nga, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, ĐB đã có đánh giá đích đáng về tình trạng này.

Ở đây có trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc chậm xây dựng, trình văn bản quy phạm pháp luật. QH đã có nghị quyết, trong đó có một phần liên quan việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Xét về nhiệm vụ chính trị, các Bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách trong việc xây dựng, trình văn bản quy phạm pháp luật. Đó là yếu tố để ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ. Trong các phiên họp chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất rõ các trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo và phải chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, trình văn bản quy phạm pháp luật.

 Riêng Việt Nam, khó có thể tịch thu ngay tài sản bất minh

Về dự án luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, đây là dự án luật khó. Bây giờ đã xem xét để trình ra QH vào kỳ họp tới, nhưng còn có ý kiến khác. Bộ Tư pháp đã có ý kiến, thậm chí có những ý kiến riêng của chuyên gia để gửi cho ủy ban Tư pháp.

Về việc xử lý tài sản nguồn gốc bất minh, Chính phủ có đề xuất đánh thuế 45%. Tôi với tư cách là thành viên Chính phủ, tôi tuân thủ ý kiến của Chính phủ. Ngoài ra, tôi có ý kiến bổ sung, quan điểm của bộ Tư pháp, theo công ước của Liên Hợp Quốc, cách xử lý là những gì chứng minh được thì ổn, những gì không chứng minh được thì tịch thu, xử lý hình sự. Trung Quốc họ tịch thu ngay.

Riêng đối với Việt Nam thì khó làm ngay được, không khả thi. Quan điểm riêng của bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải thực hiện các quy trình tố tụng tư pháp, dân sự để đưa ra tòa xem xét.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-chat-van-ve-trach-nhiem-trong-viec-rut-xin-lui-cac-du-an-luat-a223019.html