Điểm thi chưa chuẩn, nguy cơ các trường "hứng" thủ khoa rởm?


Thứ 7, 11/08/2018 | 02:35


Cùng sự kiện

Những sai phạm có phần tinh vi của hội đồng thi Lạng Sơn, Hòa Bình khiến bài thi gốc khó được trả về.

Những sai phạm có phần tinh vi của hội đồng thi Lạng Sơn, Hòa Bình khiến bài thi gốc khó được trả về. Đến thời điểm này, các trường vẫn phải công nhận điểm thi của tất các các thí sinh. Tuy nhiên, với việc đa số thủ khoa trường học viện An ninh Nhân dân, học viện Cảnh sát Nhân dân, học viện Hậu cần đều đến từ hai tỉnh có tiêu cực điểm thi khiến nảy sinh không ít tình huống trớ trêu. Những trường lấy điểm thi cao cũng đang đứng ngồi không yên, thậm chí lên phương án dự phòng nếu tìm ra bài thi gốc.

Học viện An ninh đề xuất rà soát lại bài thi gốc của thí sinh trúng tuyển

Theo đại diện học viện An ninh Nhân dân, năm nay trong danh sách trúng tuyển của trường, một số tỉnh như Hòa Bình, Lạng Sơn nổi lên là địa phương có thí sinh trúng tuyển với điểm số cao nhất. Đại diện của trường này cho hay: “Sau khi công bố điểm chuẩn, chúng tôi đã có những phân tích ban đầu. Khó để nói rằng những số liệu này bất thường nhưng chúng tôi đã báo cáo lên lãnh đạo cấp trên vì nó liên quan đến những điểm nóng (Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn – PV) mà dư luận đang nhắc tới gần đây”.

Danh sách tuyển sinh, số thí sinh trúng tuyển trải đều ở tất cả các tỉnh, tức tỉnh nào cũng có người đỗ, số lượng ít – nhiều phụ thuộc vào năng lực học sinh ở từng địa phương. Tuy nhiên, theo vị này, phía Học viện dành sự “quan tâm đặc biệt” đến những tỉnh “có vấn đề”, mặc dù trước mắt vẫn phải tạm công nhận kết quả này khi chưa có kết quả sau điều tra.

“Ngay từ khi bộ GD&ĐT tiến hành rà soát tại Sơn La và Hòa Bình, chúng tôi mong muốn sớm có kết quả và tìm ra được thí sinh vi phạm để thuận tiện hơn trong quá trình xét tuyển, còn hiện tại bộ GD&ĐT đang chấp nhận kết quả đã công bố ngày 11/7. Học viện mong muốn sớm có kết quả để đảm bảo chất lượng, vì tuyển vào ngành Công an phải là những người trong sạch và có năng lực”, đại diện nhà trường nói.

Ngoài ra, vị này cũng cho biết, hiện học viện An ninh Nhân dân đang làm đề xuất nếu được sẽ rà soát đối chiếu lại bài thi gốc của thí sinh. “Việc này bộ GD&ĐT đã cho chủ trương, bộ Công an cũng đã có sự chủ động, nhưng trước mắt vẫn công nhận kết quả như bình thường. Quan điểm của trường mong muốn sớm có kết quả điều tra, tìm ra những bài thi gốc của thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La”, đại diện nhà trường nói.

Cơ quan chức năng rà soát bài thi ở Sơn La

Được biết, ở học viện An ninh, thí sinh đạt điểm cao nhất ở khối xét tuyển thì Lạng Sơn và Hòa Bình đang dẫn đầu, cụ thể, 3 thí sinh ở Hòa Bình đạt điểm cao ở khối C03 (29,25 và 28,7), D01 (28,35). Hai thí sinh đến từ Lạng Sơn đạt điểm cao ở khối A01 (31,25) và D01 (30,05). Một thí sinh thủ khoa khối A01 thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Trong khi đó tại học viện Cảnh sát Nhân dân, thủ khoa xét theo tổ hợp C03 trường này có mức điểm 29,35 cũng tới từ Sơn La. Cụ thể, môn Ngữ văn thí sinh này được 9 điểm, Toán: 9,6 điểm và Lịch sử 10 điểm. Ngoài ra, thí sinh này còn được cộng điểm ưu tiên 0,75. Còn thủ khoa và á khoa học viện Hậu cần cũng là thí sinh đến từ Hòa Bình với tổng điểm là 28,7 và 28,25.

Trường đại học top đầu có phương án dự phòng

Sau khi các trường công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2018, nhiều trường đại học cho biết vẫn có “phương án B” nếu như cơ quan chức năng tìm được ra các bài thi gian lận ở Hòa Bình, Sơn La.

Phân tích về trường hợp hạ điểm chuẩn nếu như phát hiện thí sinh gian lận, GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó đại học Y Hà Nội cho hay: “Trong tuyển sinh việc hạ 0,25 điểm chuẩn sẽ có rất nhiều thí sinh nằm trong diện trúng tuyển. Nên nhà trường phải xem xét vào trường hợp thực tế, nếu số lượng nhiều hơn 3 thí sinh loại vì phát hiện sai phạm thì có khả năng sẽ xem xét tuyển bổ sung”. Ông Tú cũng khẳng định rằng, những thí sinh gian lận để đỗ vào trường đại học Y Hà Nội sẽ không có cơ hội học ra trường cho dù không bị phát hiện gian lận: “Học ở trường Y Hà Nội rất khó với những kỳ thi nghiêm túc. Chính vì thế, nếu không phải là người giỏi sẽ rất khó để trụ lại”.

Đồng quan điểm trên, đại diện trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sẽ có khả năng gọi bổ sung nếu như phát hiện nhiều thí sinh trúng tuyển là những thí sinh đã được sửa điểm. “Đây cũng là điều mà nhà trường lo lắng, đã có những phương án được đưa ra, tuy nhiên cũng phải chờ vào tình hình thực tế", vị đại diện này nêu quan điểm.

Về phía trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc gọi bổ sung là rất phức tạp, rất khó xảy ra điều đó: “Nhà trường sẽ chấp nhận thiếu thí sinh nếu như phát hiện ra người đã được sửa điểm. Bởi nếu gọi bổ sung thì tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới những trường khác nữa. Bởi lẽ, nếu em đó NV1 vào Bách khoa không đỗ và đã chuyển sang NV2 vào trường khác, trong trường hợp Bách khoa gọi em này thì trường kia có khả năng sẽ mất thí sinh, một hiệu ứng dây chuyền rất xấu”.

Vị này cũng lấy ví dụ để nói nên cái khó của việc gọi bổ sung: “Hôm nay chúng tôi đã phải xin ý kiến bộ GD&ĐT về một trường hợp đặc biệt, em thí sinh A đã đỗ NV1 vào học viện Hậu cần và NV2 ở đại học Bách khoa cũng đỗ. Em này đã tới trường để hỏi về việc nếu không vượt qua được khám sức khỏe ở trường Hậu cần thì có được nhập học Bách khoa hay không? Nhà trường sẽ phải xin ý kiến bộ GD&ĐT trường hợp này”.

Còn phía học viện An ninh, một trường có nhiều thí sinh đỗ đến từ “điểm nóng”, nhà trường cho biết, rất muốn cơ quan chức năng sớm có kết quả điều tra tại Sơn La và Hòa Bình, nếu có thí sinh gian lận chắc chắn sẽ xử lý theo quy chế của bộ GD&ĐT. Hiện tại, trường vẫn chấp nhận sử dụng kết quả này và chưa có chủ trương kiểm tra đầu vào của thí sinh vì không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Lùi thông qua luật Giáo dục để cân nhắc về kỳ thi THPT Quốc gia

Chiều 8/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý về kỳ thi THPT Quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với nhiều tiêu cực ở một số tỉnh, người dân rất quan tâm tới luật Giáo dục sửa đổi. "Cử tri cần một nền giáo dục có tính ổn định chứ năm nào cũng thay đổi tùm lum lo lắm. Sách giờ năm nào cũng đổi tốn tiền lắm. Nói chung luật Giáo dục phải cho qua sau ba kỳ họp cho chắc chắn”, bà nói.

Lắng nghe tất cả góp ý, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xin tiếp thu các ý kiến. Cho rằng cần lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, ông Nhạ xin lùi trình dự án luật sang kỳ họp thứ 7 để chuẩn bị. 

3 cán bộ, giáo viên ở Hòa Bình tiếp tục bị công an mời lên làm việc

Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, ngoài 2 người bị bắt thì còn 3 người nữa đã bị công an mời lên làm việc. Những người đó đều là thành viên của tổ Chấm thi trắc nghiệm, ngoài ra có một người được tăng cường. Đó là ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, sở GD&ĐT, Tổ trưởng tổ Chấm thi trắc nghiệm. Ông Đào Ngọc Thuật, giáo viên trường THPT Mường Bi, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm. Ông Nguyễn Tân Hưng, giáo viên THPT Đại Đồng, Lạc Sơn. Ông Nguyễn Tân Hưng được tăng cường biệt phái từ trường THPT Đại Đồng, huyện Lạc Sơn về phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình để làm việc. Ông Hưng không có tên trong danh sách những người chấm thi.

Trước đó, 2 người khác đã bị khởi tố bắt tạm giam là ông Nguyễn Khắc Tuấn - cán bộ sở GD&ĐT, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm và ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lạc Thủy, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.

Nhóm PV 

Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 96

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-thi-chua-chuan-nguy-co-cac-truong-hung-thu-khoa-rom-a239662.html