Được 'cởi trói', hạt gạo dự tính mang về cho Việt Nam hơn 3 tỷ USD


Thứ 2, 19/11/2018 | 12:39


Bộ Công Thương dự tính, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.

Bộ Công Thương dự tính, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.

Nghị định 107/2018/NĐ-CP ra đời đã "cởi trói" cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hoạt động thương mại gạo diễn biến theo xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi, thay vào đó là các hợp đồng thương mại. Xuất khẩu gạo chuyển từ khối lượng sang chất lượng. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định đầu ra cho nông dân, ổn định thị trường nội địa.

Xuất khẩu gạo khởi sắc cả về chất và lượng

Thời gian gần đây xuất khẩu gạo diễn ra khá ấn tượng, ngoài thắng thầu liên tiếp ở thị trường châu Á, thị trường Trung Quốc cũng được cơi nới. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16,1% (lượng tăng 3,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Malaysia. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, đang có tín hiệu nhập khẩu của Indonesia, Philippines. Trong đó, Philippines có khả năng nhập khẩu với lượng lớn thông qua cả đấu thầu mở quốc tế và hợp đồng Chính phủ.

Với các thị trường truyền thống, thì thị trường Cuba còn hợp đồng 200.000 tấn đã ký sẽ giao trong năm nay. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc có thể tiếp tục mở thầu.

Chính sách thúc đẩy xuất khẩu gạo của Chính phủ

Những khởi sắc của ngành xuất khẩu gạo có một sự đóng góp không nhỏ của những cải cách thể chế. Sau nhiều lần DN kiến nghị sửa đổi các quy định là "rào cản" về xuất khẩu gạo, Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 được coi là một bước đột phá trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, tháo gỡ những khó khăn và tạo môi trường thông thoáng cho DN phát triển.

Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được điều chỉnh theo hướng thông thoáng. Theo đó, không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc gạo, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo, mà có thể thuê để đáp ứng điều kiện kinh doanh; bãi bỏ quy định bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký...

Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, các DN rất phấn khởi với những điểm mới của Nghị định 107.

"Từ thực tế này, các DN sẽ chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến, tuân thủ văn hóa kinh doanh là không hạ giá thấp khi tham gia các phiên đấu thầu gạo ở nước ngoài...", ông Phạm Thái Bình cho hay.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Bộ Công Thương dự tính, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Thực tế, nhiều DN Việt Nam đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên có một khó khăn là về nguồn vốn. DN kiến nghị, nhà nước cần hỗ trợ DN xuất khẩu về vốn vay ưu đãi để đầu tư công nghệ, bảo vệ DN trước sự cạnh tranh không lành mạnh…

Thương lái thu mua lúa của nông dân ĐBSCL - Ảnh: SGGP.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, gần đây, xuất thô lợi nhuận thấp nên nhiều DN đã chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch theo yêu cầu khách hàng, phối hợp với nhà sản xuất nước ngoài. Từ đó, bắt đầu hình thành một số thương hiệu gạo Việt Nam, dù quy mô còn nhỏ nhưng chất lượng đang được khẳng định.

"Có hai xu hướng xây dựng thương hiệu. Thứ nhất là một số DN Việt Nam phối hợp với DN lớn trên thế giới để xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Hai là DN xây dựng thương hiệu trên thị trường nội địa. Theo tôi, đây là bước tiến trong tương lai vì chúng ta không thể duy trì mô hình như trước đây. Để định vị thương hiệu gạo Việt Nam, ta phải dựa vào chất lượng, sự ổn định từ sản xuất đến đóng gói xuất khẩu", ông Thành cho hay.

Do vậy, hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới là tập trung sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng; xây dựng uy tín, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duoc-coi-troi-hat-gao-du-tinh-mang-ve-cho-viet-nam-hon-3-ty-usd-a251786.html