Được giải oan giết vợ sau khi qua đời 5 năm: Viện kiểm sát chưa làm tròn vai?


Thứ 7, 10/02/2018 | 02:51


Cùng sự kiện

Trong vụ án oan của ông Mưu Quý Sường, trách nhiệm lớn thuộc về cơ quan điều tra.

Trong vụ án oan của ông Mưu Quý Sường, trách nhiệm lớn thuộc về cơ quan điều tra. Tuy nhiên, với chức năng kiểm sát việc điều tra, viện kiểm sát (VKS) đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi để thời gian tạm giam quá thời hạn cho phép.

Báo Người Đưa Tin đã có loạt bài phản ánh về vụ việc oan sai của ông Mưu Quý Sường (xã Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang) được các cơ quan chức năng xin lỗi công khai khi ông Sường đã mất được 5 năm.

Thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ nhưng nó không thể lấp liếm được những việc làm chưa đúng, nhất là khi nó liên quan đến số phận của một con người. Người có lỗi sẽ phải rút kinh nghiệm, nhưng mong rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đừng để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy…

Tin tức - Được giải oan giết vợ sau khi qua đời 5 năm: Viện kiểm sát chưa làm tròn vai?

Cơ quan chức năng tổ chức xin lỗi ông Sường.

Theo tài liệu điều tra, khi đang là Phó chủ nhiệm HTX Nội Thành, ông Mưu Quý Sường bị bắt giam. Lúc đó, ông Sường mới tròn 34 tuổi. Mang tiếng giết vợ dù không có án khiến ông và người thân trong gia đình cảm thấy hoang mang. Thế rồi, sau 11 năm ăn "cơm tù", ông trở về trong ánh mắt dị nghị, soi mói và xa lánh của dân làng. Nhiều lần tâm sự với vợ con, ông nói mình bị oan và mong có ngày nào đó nỗi oan của ông sẽ được gỡ bỏ.

Và cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực, vợ và các con ông đã minh oan cho chồng, cha của mình. Chỉ tiếc rằng ngày đó chỉ đến sau khi ông Sường khuất núi đã… 5 năm.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là trong vụ án oan sai của ông, nếu cơ quan điều tra làm sai nhưng VKS liệu đã làm tròn vai của mình là kiểm sát việc điều tra hay chưa? Vì sao bị can bị tạm giam từng ấy năm mà VKS không lên tiếng? Nếu cơ quan này làm đúng chức trách của mình thì rất có thể ông Sường đã không phải “bóc lịch” oan từng ấy năm.

Trở lại vụ án oan sai của ông Sường, một cán bộ điều tra Công an TP.Hà Nội phân tích, dưới góc độ pháp lý, với một vụ trọng án giết người, theo thủ tục chung, thời hạn điều tra là 4 tháng. Tuy nhiên, với những vụ án phức tạp, nhiều tình tiết chưa rõ, cần củng cố thêm chứng cứ thì có thể gia hạn điều tra. Thời hạn điều tra tối đa, kể cả là gia hạn đặc biệt thì cũng chỉ là hơn 1 năm. Khi hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra.

Cụ thể trong vụ án của ông Sường, nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không chứng mình được ông Sường có tội thì phải đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Năm 1977, ông Sường bị bắt tạm giam 7 năm 6 tháng vì tình nghi giết vợ (trong quá trình bị giam mới xảy ra vụ đánh nhau trong phòng giam và vì vụ này mà ông Sường nhận án tù 4 năm-PV) mà không có có kết luận điều tra, không có cáo trạng cũng như một phiên tòa nào xét xử là sai quy định.

Tin tức - Được giải oan giết vợ sau khi qua đời 5 năm: Viện kiểm sát chưa làm tròn vai? (Hình 2).

5 năm sau khi mất, ông Sường được minh oan.

“Hết thời hạn điều tra, một là cơ quan điều tra phải ra kết luận, đề nghị VKS cùng cấp truy tố bị can, hai là đình chỉ không truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, không thể có chuyện muốn kéo dài thời gian bao nhiêu thì kéo. Thế nhưng trong vụ án này, bị can bị khởi tố, bắt giam đến gần chục năm mà không hề có một kết luận chính thức. Điều xót xa hơn là bị can đã mất trước khi được minh oan… Một vụ án mà để quá thời hạn điều tra dài như thế là lỗi của các cơ quan tố tụng”, vị cán bộ điều tra trên đánh giá.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Lâm Văn Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ, theo quy định của pháp luật, VKS là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra. Trong vụ án này, lẽ ra phía VKS phải giám sát nghiêm túc, đôn đốc cơ quan điều tra tiến hành điều tra đảm bảo theo thời hạn tố tụng nhưng đằng này VKS lại để vụ án kéo dài mấy chục năm. Đáng ra, VKS phải có ý kiến đồng ý quan điểm hoặc bác quan điểm của cơ quan điều tra nếu thấy họ vi phạm về tố tụng. Như vậy, trách nhiệm của VKS trong vụ này cũng rất lớn.

“Mỗi một vụ án gây ra oan sai là một tình huống, một câu chuyện và một lỗi riêng. Tuy nhiên, tất cả đều do con người, do cán bộ thụ lý không thực hiện đúng các quy định pháp luật. Cơ quan điều tra sai, VKS cũng sai thì oan sai là điều khó tránh khỏi. Tôi mong rằng sau những vụ án oan sai này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải nghiêm khắc hơn trong hoạt động nghiệp vụ của mình”, luật sư Quang chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, trong quá trình bị tạm giam ở trại giam Kế, ông Sường được cán bộ trại giam phân công làm buồng trưởng buồng F3. Khi cán bộ trại giam cử ông Sường và một người nữa ra ngoài làm kinh tế thì ở buồng giam F3 xảy ra một vụ đánh nhau. Vì là buồng trưởng nên ông Sường bị quy trách nhiệm liên đới và bị TAND tỉnh Bắc Giang xử phạt 4 năm tù giam.

Nhìn nhận câu chuyện này dưới góc độ pháp lý, một vị luật sư (đề nghị được giấu danh tính) chia sẻ, nếu ông Sường là đồng phạm với 1 trong 2 người đánh nhau tại buồng F3 thì ông Sường bị phạt tù là đúng. Nhưng nếu chỉ vì ông Sường là trưởng buồng giam nơi 2 người kia đánh nhau mà bị tuyên 4 năm tù giam thì chưa thỏa đáng. Ở giai đoạn nào, pháp luật cũng đã quy định chặt chẽ, chi tiết, trong đó nêu cụ thể về đồng phạm. Điều 17, Bộ luật Hình sự năm 1985 về đồng phạm cũng chỉ rõ, nếu như ông Sường không có dấu hiệu của đồng phạm mà buộc ông này nhận bản án 4 năm tù thì quá oan uổng. 

Xuân Hòa

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duoc-giai-oan-giet-vo-sau-khi-qua-doi-5-nam-vien-kiem-sat-chua-lam-tron-vai-a219467.html