Gặp "dị nhân" lưu giữ giá trị xưa cũ trong những trang sách quý


Thứ 7, 19/01/2019 | 00:46


Giữa Sài thành hoa lệ, chỉ còn sót lại một mình ông Võ Văn Rạng - Người lưu giữ những giá trị xưa cũ bằng nghề sửa chữa, tân trang, đóng sách cũ.

Một cách tỉ mẩn và kiên trì, ông sắp xếp, bôi keo, phết hồ thậm chí cắt, dán và khâu lại những trang sách cũ đã ố vàng, nát bươm. Giữa Sài thành hoa lệ, chỉ còn sót lại một mình ông - Người lưu giữ những giá trị xưa cũ bằng nghề sửa chữa, tân trang, đóng sách cũ.

"Của hiếm" giữa Sài thành

Bắt đầu vào 8h mỗi sáng, ông Võ Văn Rạng (ngụ quận 3, TP.HCM) tỉ mẫn bắt tay vào công việc của mình. Hôm tôi đến gặp, ông trầm tư bên chiếc bàn làm việc đã ngả màu, chăm chú nghiên cứu việc sửa chữa, tân trang lại bộ Binh thư yếu lược đã nhàu nát, rách lề, long bìa. Như một cách giới thiệu về công việc của mình, ông nói: "Tôi chuyên đóng, sửa, tân trang các loại sách cũ, cổ. Có lẽ vì thế mà người ta tự cho tôi là người lưu giữ những giá trị xưa cũ".

Ông Võ Văn Rạng say sưa sửa chữa lại những cuốn sách cũ

Nói xong, ông nhẹ nhàng trộn rồi phết keo lên mảnh bìa, chuẩn bị làm gáy cho một cuốn sách cũ khách đặt từ trước. Có lẽ, đây là một trong những thao tác đơn giản nhất của cái nghề dường như đã lạc hậu giữa TP.HCM hiện đại. Vì trước khi đến công đoạn này, ông đã phải kiên nhẫn, tỉ mẩn để dán lại từng mảnh giấy nát bươm...

Cuốn sách đã ngả màu, ố vàng, nhiều trang bị rách, nát, rời ra bởi sự tàn phá của thời gian. Để phục chế, đóng lại những cuốn sách như thế, ông phải dán lại từng mảnh, ghép lại từng câu chữ lên một trang giấy mới. Ông chia sẻ: "Những cuốn sách như vậy, có khi tôi phải làm cả tuần mới xong". Và lúc ấy, người ta lại thấy ông soi cặp kính lão qua cái kính lúp rồi tỉ mỉ một tay dùng nhíp nhặt giấy, một tay phết hồ dán đính lại với nhau. Ấy vậy mà ông bảo, công việc này đối với ông chẳng hề vất vả, ông đã gắn bó với những thao tác ấy hơn 40 năm nay. Điều khiến ông buồn nhưng cũng tự hào là bây giờ không còn ai hành nghề này nữa.

Ông nói, đã rất lâu rồi, kể từ thời hoàng kim của nghề đóng sách cũ những năm 70 - 80, những người làm nghề như ông rơi rụng dần. Bây giờ, ông bảo ông là "của hiếm" trong lĩnh vực đóng, tân trang sách cũ. "Những khách đến với tôi yêu sách cũ lắm. Mỗi cuốn sách họ đem đến nhờ tôi sửa là một kỷ niệm, kỷ vật, bảo vật của họ. Có lần, có ông khách đến nhờ tôi đóng lại cuốn từ điển tiếng Anh. Tôi bảo sách rách quá rồi, nhiều chỗ không rõ chữ, đọc không được, anh đi mua cuốn mới dùng cho chính xác, đóng chi cho phí tiền. Thế nhưng, người này cứ nằng nặc đòi tôi đóng lại gáy, bìa cho họ. Thế mới thấy, họ yêu sách và sách cũ quan trọng thế nào với họ", ông kể.

Lưu giữ giá trị xưa cũ

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông trăn trở, thời đại 4.0, nghề đóng sách của ông không cạnh tranh nổi với máy móc hiện đại. Hơn thế, việc làm này cũng không đem lại cho ông cuộc sống thoải mái về kinh tế. Thế nhưng ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ "cái nghề đã cũ này". Bởi, việc đóng, sửa chữa sách cũ giúp ông lưu lại những tháng ngày hoàng kim của nghề đóng sách thủ công. Khi ấy, nghề đóng sách rất thịnh, ông được thuê đóng nhiều cuốn sách từ phương Tây.

Nghề sửa sách cũ đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. 

Ông kể: "Sách của họ đẹp lắm. Mỗi cái bìa là một tác phẩm. Khi sách hỏng, họ phải tìm đến những người như tôi. Hồi ấy, khi sửa phải làm lại bìa y như bản cũ. Nghĩa là tôi phải khắc, chạm... tên sách, hoa văn, họa tiết trang trí trên bìa với chất liệu là giấy, da mạ vàng. Do đó, lúc ấy, người thợ đóng sách cũ cũng gần như là nhà hội họa, nhà điêu khắc".

Hiện nay, yêu cầu của việc tân trang sách cũ đơn giản hơn với máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, chưa một lần ông sử dụng sức mạnh công nghệ vào công việc của mình. Mọi công đoạn phục dựng sách cũ, ông đều làm thủ công. Trong căn phòng làm việc chật chội, chiếc máy cắt giấy chạy bằng sức người được coi là hiện đại nhất. Ngoài ra, hồ dán, keo dán,... đều được ông tự chế. Ông giải thích: “Công việc của tôi là cố gắng giữ nguyên giá trị của những cái đã cũ nên phải dùng những phương pháp "đã cũ" để làm”.

Bởi thế, những người tìm đến ông phần lớn là người yêu thích điều xưa cũ. Mỗi cuốn sách khách mang đến có ý nghĩa đặc biệt với họ và họ tin ông cũng yêu quý nó như mình. Biết lòng khách nhưng chưa bao giờ ông lấy tiền công cao. Bởi chính ông cũng đã dành cho những cuốn sách ấy niềm trân trọng và yêu quý hết mực. Và, niềm hạnh phúc lớn lao là mỗi khi rảnh rỗi, ông lại được xem, đọc những trang sách quý hiếm. Cũng qua công việc hàng ngày, ông có thể nói về các tác phẩm thuộc hàng hiếm của các tác giả Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Đào Duy Từ, Trần Hưng Đạo,... như một nhà nghiên cứu, phê bình đích thực. Ông nói, đa số những sách được khách gửi nhờ ông tân trang là các tác phẩm văn học, lịch sử, địa lý. "Tôi đọc được khá nhiều tư liệu lịch sử, văn học, triết học từ những nghiên cứu xa xưa. Có cuốn sách còn nguyên bút tích của tác giả. Quý giá lắm", ông tự hào nói.

N.L
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-di-nhan-luu-giu-gia-tri-xua-cu-trong-nhung-trang-sach-quy-a259276.html