Gặp mặt người giữ kỷ lục cho những mẻ “vàng đen”


Thứ 2, 28/05/2018 | 08:51


Cùng sự kiện

Tuy vất vả nhưng vì lòng yêu nghề, anh Nguyễn Trọng Thái không những gắn bó với nghề hơn 20 năm nay mà anh còn cống hiến nhiều sáng tạo trong nghề.

Nghề thợ mỏ được coi là một nghề “nguy hiểm” trong các nghề mưu sinh. Để có được những mẻ “vàng đen” ra lò, những người thợ lò đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí là cả “máu”. Vất vả là vậy nhưng đối với anh Nguyễn Trọng Thái – Tổ trưởng tổ sản xuất công trường kiến thiết cơ bản của công ty Cổ phần than Hà Lầm không những có lòng yêu nghề gắn bó với nghề hơn 20 năm nay mà anh còn cống hiến nhiều sáng tạo đạt hiệu quả cao trong quá trình lao động.

“Ăn dương gian, làm âm phủ”

Mỗi nghề mưu sinh đều có những gian nan, thử thách khắc nghiệt khác nhau nhưng đối với nghề thợ lò thì sự nguy hiểm còn đe dọa đến cả sinh mạng của người thợ chứ không đơn giản là cuộc sống “cơm áo gạo tiền”, có làm thì có ăn như các nghề khác. Để theo được nghề mỏ không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ không những yêu nghề mà còn phải có tinh thần dũng cảm, phải “kỷ luật và đồng tâm”, luôn đặt sự an toàn của mình và của đồng nghiệp lên trên.

Vào nghề từ năm 1994 cho đến nay anh đã gắn bó hơn 20 năm trong nghề. Đó là một chặng đường dài không phải ai cũng có thể trụ được với cái nghề này. Thời gian gắn bó với công ty Cổ phần than Hà Lầm, anh đã chứng kiến không ít đồng nghiệp lần lượt từ bỏ nghề, nhưng anh không hề nao núng, kiên định bước tiếp con đường mình lựa chọn. Không những thế, trong quá trình lao động anh luôn đưa ra những sáng kiến tiết kiệm được thời gian và chi phí cho công ty. Điều đáng khâm phục hơn nữa ở con người anh đó là hơn 20 năm làm việc thì  anh có tới 19 năm được giữ trọng trách làm tổ trưởng với hơn 30 thành viên mang chính tên anh (tổ Nguyễn Trọng Thái).       

Làm việc ở một môi trường sâu dưới lòng đất, điều kiện khó khăn, diện sản xuất rộng đi sâu xuống xa, điều kiện địa chất phức tạp, vỉa vách phay phá, áp lực lớn, môi trường làm việc cuối nguồn gió thải của công ty, việc đi lại di chuyển vào xa nhưng với sự dẫn dắt của anh Thái các thành viên trong tổ luôn đồng tâm, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết để triển khai và hoàn thành xuất sắc công việc. Không thể kể hết nỗi vất vả, cực nhọc của người thợ mỏ, nhưng ở họ vẫn toát lên tinh thần vui vẻ, yêu nghề và gắn bó với cái nghề “ăn dương gian làm âm phủ” này.

Xứng danh “thủ lĩnh đào lò”

Bao nhiêu năm làm tổ trưởng thì bấy nhiêu năm anh lãnh đạo tổ của mình luôn đạt được vị trí đứng đầu không chỉ ở công ty than Hà Lầm mà còn đứng đầu trong ngành than Việt Nam. Tổ do anh phụ trách được giao nhiệm vụ đào lò xây dựng cơ bản, lò xén, đổ bê tông và nhiều công trình trọng điểm khác. Mặc dù điều kiện sản xuất khó khăn, công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị chuẩn bị sản xuất có lúc không thuận lợi. Song với sự quan tâm và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo công ty cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể công nhân trong tổ đã giữ được nhịp độ sản xuất. Thành tích tiêu biểu mà tổ lao động của anh đạt được là tổ đạt kỷ lục dẫn đầu về sản lượng đào lò với mức bình quân từ 2,1 đến 2,4m/ca, và thành tích này tổ anh duy trì liên tiếp trong bảy năm liên tục từ 2001 đến 2007.

Anh còn tự hào hơn nữa khi được chọn là người thợ lò đầu tiên đặt chân xuống độ sâu kỷ lục của ngành than vào thời điểm năm 2011 đó là -300m. Với kỷ lục này không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp lao động của cá nhân anh Thái mà nó còn tạo dấu ấn mới cho toàn ngành than khoáng sản Việt Nam.

Anh Thái trong lễ vinh danh vinh quang Việt Nam - 30 năm đổi mới.

Tuy sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hải Dương, nhưng anh Thái lại bén duyên và cống hiến sức trẻ của mình cho nghề mỏ ở mảnh đất Quảng Ninh. Hiện nay anh vẫn đang tiếp tục cùng với đồng nghiệp của mình khai thác những tiềm năng “vàng đen” của Tổ quốc. Trong quá trình công tác, tổ của anh luôn được lãnh đạo tin tưởng giao đảm nhận nhiều công trình trọng điểm như: Công trình nối thông lò từ Giếng gió sang Giếng phụ mức -300; công trình khoanh vùng lò chợ cơ giới hóa dọc vỉa 7,3 mức -300; công trình đổ bê tông ngã ba  số  16...

“Nhưng sự kiện đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thợ lò của tôi là nhiệm vụ đào lò mức -300, tổ sản xuất của tôi được chọn là tổ tiên phong xuống đào lò ở độ sâu này (mức sâu nhất ở các mỏ than ở thời điểm hiện tại của tập đoàn). Đó là một vinh dự, song cũng là một áp lực rất lớn đối với anh em trong tổ, bởi tiến độ của các đường lò này sẽ quyết định tiến độ các hạng mục tiếp theo của dự án. Đây là một công việc hết sức khó khăn, chỉ có nhiệt tình thôi không đủ, tôi đã cùng anh em trong tổ nghiên cứa, trao đổi và tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi các chuyên gia các kỹ thuật viên để nhanh chóng làm chủ các thiết bị. Vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, kết quả chúng tôi đạt được vượt trên cả mức mong đợi, anh em trong tổ rất phấn khởi, đưa thu nhập của anh em lên cao và ổn định đạt mức 18 đến 25 triệu đồng/người/tháng”.

Không chỉ thực hiện thành công những công trình trọng điểm, anh Thái còn luôn tìm tòi học hỏi những kinh nghiệm từ những người đàn anh đi trước vận động bản thân có nhiều sáng kiến tiêu biểu hợp lí hóa sản xuất được đơn vị áp dụng rộng rãi cụ thể như: Giải pháp đề xuất thay đổi chu kỳ đào lò hai lớp khi thi công đào lò tiết diện lớn (44,1m2) tại gương lò xuyên vỉa mức -290 khu vực khám  đầu băng tải, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, giá trị lợi nhuận đem về từ giải pháp này lên tới 220 triệu đồng; Giải pháp sáng kiến số, nghiên cứu đề tài công nghệ thi công các đường lò có độ dốc lớn bằng công nghệ khoan dẫn sử dụng máy khoan ROBBINS (đường kính D = 1,4M), đem lại lợi nhuận 270 triệu đồng...

Với sự cống hiến không nhỏ của mình cho công ty cũng như cho ngành than khoáng sản Việt Nam anh đã vinh dự được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2007, Huân chương lao động hạng Ba năm 2013, Chiến sĩ thi đua bộ Công Thương năm 2012, giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013. Năm 2014 anh vinh dự là 1 trong 19 cá nhân được vinh danh bởi những sáng kiến mà anh đóng góp cho ngành than tại chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ XI tại Hà Nội ngày 23/5.

Không dừng lại ở đó năm 2017 anh tự hào được tiếp tục xướng tên tại chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Những bằng khen, giải thưởng anh đạt được hoàn toàn xứng đáng với những gì anh đã cống hiến và đó cũng là niềm tự hào không chỉ riêng đối với cá nhân, gia đình anh mà đó còn là niềm tự hào của công ty than Hà Lầm và cả ngành than – khoáng sản Việt Nam.

Sáng kiến đem lại hiệu quả và đảm bảo an toàn nhất mà anh Thái tâm đắc đó là dập bụi trong khi thi công bằng cách dùng bơm áp lực, bơm nước. Phải ở trong nghề mới hiểu rõ được tầm quan trọng của sáng kiến mà anh mang lại. Anh cũng vinh dự được lãnh đạo công ty chọn mẫu chân để đúc bước chân người thợ mỏ ở độ sâu – 300m và được trưng bày tại công ty. Cái tên Nguyễn Trọng Thái đã là niềm tự hào của công ty Hà Lầm nói riêng và ngành than – khoáng sản Việt Nam nói chung. Đó cũng là những phần thưởng tinh thần mà anh xứng đáng được nhận và vinh danh.

Phạm Liệu

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-mat-nguoi-giu-ky-luc-cho-nhung-me-vang-den-a231028.html