Giai thoại tình yêu trái ngang trong khu rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên


Thứ 4, 12/06/2019 | 09:09


Một trong những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại ở Đắk Lắk vẫn lưu truyền một truyền thuyết mang đậm nét tâm linh về chuyện tình của đôi trai gái người Ê Đê.

Một trong những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk nằm trên ngọn đồi Cư H’Lăm. Nơi đây vẫn lưu truyền một truyền thuyết mang đậm nét tâm linh về chuyện tình của đôi trai gái người Ê Đê.

Ngọn đồi huyền thoại

Ngọn đồi nổi tiếng này nằm trên Tỉnh lộ 8, cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khoảng 10km về hướng bắc. Điều lạ nhất của đồi Cư H’Lăm là khu rừng già nguyên sinh gần 20 ha vẫn tồn tại giữa vùng dân cư đông đúc, với nhiều loại gỗ quý như sao đỏ, cà te, hương, gõ..., nhiều cây gốc to cỡ 3-4 người ôm. Người dân trong vùng gọi Cư H’Lăm là đồi cây thiêng, gắn liền với truyền thuyết mà họ xem đó là bài học cuộc sống cho người ngày nay.

Những thân cây khổng lồ trong rừng nguyên sinh Cư H’Lăm

Một buổi sáng của những ngày đầu năm 2019, PV báo ĐS&PL tìm về buôn Măp, gặp già làng Y Ruê MLô (SN 1949, ngụ thị trấn Ea Pốk) để tìm hiểu thêm về ngọn đồi thiêng Cư H’Lăm. Già làng Y Ruê M’Lô cho biết, đồi này gắn liền với câu chuyện huyền thoại tình yêu của 2 anh em cùng họ Niê. “H’Lăm” theo tiếng Ê-đê có nghĩa là “loạn luân”. Còn “Cư” được dịch ra là “đồi núi”. “Cư H’Lăm” có nghĩa là “đồi loạn luân” hay “rừng loạn luân”. Hồ Sình Đỉa, trước đây có rất nhiều đỉa, có con to đến 2 - 3 lóng tay người. Chỉ cần tay chạm nhẹ vào mặt hồ y như rằng có hàng trăm con đỉa lao tới.

Đưa ánh mắt nhìn về cánh rừng già, già làng Y Ruê kể, ngày xưa, buôn Măp vốn là một địa bàn bằng phẳng, có mạch nước ngọt lịm chảy qua, cây cối xanh tốt nên một bộ lạc người Ê Đê quy tụ về đây, dựng nhà, lập bản. Theo tập tục của người Ê Đê, những người có cùng dòng máu, huyết thống không được phép yêu thương nhau. Chẳng may ai đó phạm luật tục thì chịu sự trừng phạt hà khắc của làng.

Cuộc sống của người dân nơi đây không có gì xáo trộn, cho đến khi xảy ra chuyện tình yêu oan trái của anh em dòng họ Niê. Tương truyền từ xa xưa, Y Đhin là một chàng trai nổi tiếng hiền lành với tài săn bắt giỏi và sức khỏe phi thường khiến cho biết bao cô gái thầm thương, trộm nhớ. Còn người em họ của Y Đhin là H’Hoan cũng được không ít chàng trai theo đuổi, bởi cô sơn nữ này không chỉ trắng trẻo, mái tóc đen mượt mà còn có vẻ đẹp hình thể đến mê hồn. Không chỉ vậy, H’Hoan còn có giọng hát líu lo, ngọt ngào và tài năng dệt áo hơn người khiến không ít chàng trai say đắm. Những tưởng anh em Niê sẽ tìm được cho mình một bến đỗ ưng ý trước rất nhiều lựa chọn. Cho đến một ngày, người dân trong buôn phát hiện Y Đhin và H’Hoan đã đem lòng yêu thương nhau. Mối tình oan nghiệt ấy đã kết thúc cuộc sống vốn rất bình yên của đôi trẻ và người dân trong buôn làng.

Vì vi phạm luật tục nên 2 anh em phải hứng chịu những hình phạt vô cùng hà khắc mà người dân trong buôn làng đặt ra. Theo đó, Y Đhin và H’Hoan bị buộc phải ăn uống trong máng heo. Đồng thời, cả hai phải dâng lên một con trâu trắng, rượu cần nhằm chuẩn bị cho lễ cúng xin Giàng (trời) tha thứ tội lỗi. Theo truyền thuyết, không tìm được trâu trắng, anh em nhà Niê buộc phải dùng một con lợn trắng để thay thế. Tuy nhiên, trong lúc hành lễ cúng, giông tố nổi lên, con heo đã được làm thịt trước đó bỗng vùng dậy, vừa bỏ chạy, vừa cất tiếng kêu inh ỏi. Con heo trắng chạy tới đâu thì đất, đá dưới chân heo nứt ra đến đó nhấn chìm cả buôn làng xuống hố đen sâu thăm thẳm. Sau này, người dân nơi đây đặt tên cho hố đen này là hồ Sình Đỉa. Nơi 2 anh em nhà họ Niê bị trói để hành lễ, đất đột nhiên cao dần lên thành một ngọn đồi. Kể từ đó, dân trong làng gọi là đồi Cư H’Lăm.

Từ đó, người dân trong buôn Măp rỉ tai nhau rằng, nếu như ai đó lên núi Cư HLăm mà nhắc tới anh em nhà họ Niê, thì đầu óc sẽ bị mê muội, không nhớ được đường về. Mọi thứ chỉ chấm dứt khi người nhà mời thầy về làm lễ cúng để được tha tội. Do đó, không một người dân nào dám lên ngọn đồi Cư H’Lăm chặt cây về làm nhà, dù cho cây rừng ở đây bạt ngàn, xanh tốt.

Một người dân ở buôn Măp cho hay: “Người xưa kể rằng đã có không ít người ngang nhiên lên ngọn đồi nói trên chặt cây về làm lán trại thì bỗng dưng bị voi rừng tìm về phá nát. Thậm chí, vừa mới cất nhà xong thì lửa bùng cháy, thiêu rụi hoàn toàn”.

Già làng Y Ruê M’Lô chia sẻ: “Cho đến bây giờ, không một ai biết được, chứng minh được câu chuyện giai thoại về mối tình oan trái của anh em họ Niê có đúng sự thật hay không. Tôi cho rằng, xuất phát từ những câu chuyện huyền thoại ly kỳ, mang nhiều yếu tố tâm linh nói trên, mà hàng trăm năm nay không một ai dám lên rừng để đốn hạ cây cối, săn bắt thú rừng. Có thể, người xưa đã dùng những câu chuyện này nhằm bảo vệ khu rừng nguyên sinh, rộng gần 20ha giữa nơi dân cư sinh sống đông đúc”.

Luật tục bảo vệ rừng

Để bảo vệ rừng Cư H’Lăm, các đời già làng buôn Mắp đều lưu truyền một luật tục giữ rừng. Nếu người nào trong buôn dám mạo phạm tới rừng thiêng sẽ bị loan báo cả làng biết, cho xấu hổ lần sau không dám nữa. Còn nếu chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, vài vò rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ. Chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con, nếu tái phạm lần thứ hai, thứ ba mức phạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Kẻ nào chai lì, vi phạm liên tiếp sẽ bị trai làng áp giải giao nộp cho chính quyền xử lý theo pháp luật.

Đồi Cư H'Lăm là một trong những cánh rừng nguyên sinh còn lại ở huyện Cư M'gar. 

Truyền thuyết về rừng Cư H’Lăm thực ra là một câu chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh, môi trường sống. Hàng chục năm qua nhờ truyền thuyết này mà rừng Cư H’Lăm xanh tươi, mát dịu. Cánh rừng tạo nên một bầu không khí trong lành không chỉ cho buôn Mâp mà còn cả thị trấn Ea Pốk. Sự tích núi và hồ Hlăm có thể đã truyền thuyết hóa về những biến động địa chất trong vùng. Trên đỉnh Cư H’Lăm, người ta bắt gặp một hố sâu cây cối phủ um tùm, dấu tích của miệng núi lửa đã tắt từ lâu. Hồ H’Lăm được cho là hình thành do lòng đất dưới chân núi sụt xuống sau khi núi lửa phun trào. Thiên nhiên đã ban tặng tuyệt tác núi và hồ Hlăm hài hòa cạnh nhau, tạo nên khung cảnh thơ mộng, không khí mát mẻ, trong lành quanh năm. Khu rừng nguyên sinh Cư H’Lăm có giá trị lớn về tài nguyên động - thực vật, cảnh quan môi trường - sinh thái.

Ông Bùi Thanh Thịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk cho hay: “Đồi Cư H’Lăm là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở huyện Cư Mgar. Nơi đây còn lưu truyền nhiều dấu ấn tâm linh mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê. Hiện, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, cùng người dân chung tay bảo vệ khu rừng nguyên sinh này”.

Trong khi nhiều cánh rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn đang bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ vô tội vạ thì tại thị trấn Ea Pốk đang lưu truyền một truyền thuyết, dù có phần thần bí, nhưng có giá trị lớn lao trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh, môi trường sống. Được biết, cánh rừng này hiện đang được nghiên cứu, quy hoạch để xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa trong tương lai gần.

M.C
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-thoai-tinh-yeu-trai-ngang-trong-khu-rung-nguyen-sinh-o-tay-nguyen-a259331.html