Hà Nội: Gần 3.000 hộ dân vẫn phải sơ tán do lũ


Thứ 6, 27/07/2018 | 14:33


Ngày 27/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP Hà Nội đã ban hành lệnh rút báo động lũ trên sông Bùi và sông Tích.

Ngày 27/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP Hà Nội đã ban hành lệnh rút báo động lũ trên sông Bùi và sông Tích nhưng gần 3.000 hộ dân vẫn đang phải sơ tán.

Nhiều nơi ở ngoại thành Hà Nội vẫn chìm trong "biển" nước, ô nhiễm nặng. Ảnh: Xuân Đoàn.

Căn cứ mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt và mực nước sông Tích tại trạm thủy văn Vĩnh Phúc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN TP Hà Nội lệnh: Rút báo động III (lần 1) trên sông Bùi tại các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và rút báo động III (lần 1) trên sông Tích tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khả năng mưa còn tiếp diễn trong đêm nay (27/8). Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN TP Hà Nội đề nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ, sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, các đơn vị trên địa bàn hai huyện và cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động lũ. Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN TP Hà Nội, hiện mực nước của nhiều hồ chứa thủy lợi đang ở mức cao.

Nhiều hộ dân ở ngoại thành Hà Nội đang phải sơ tán vì nước ngập. Ảnh: Xuân Đoàn.

Ghi nhận của PV, trong ngày 27/7, tại các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, thị trấn Xuân Mai nước vẫn ngập trên diện rộng, nhiều gia đình vẫn phải sơ tán đi nơi khác. Đặc biệt, tại thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, đang xuất hiện tình trạng rác thải nổi lềnh bềnh, trôi dạt khắp các ngõ, tràn vào cả nhà người dân, bốc mùi xú uế, tanh tưởi nồng nặc.

Theo Bác sỹ Trần Văn Kỳ - Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, sau một tuần ngập lụt, đã có gần 200 lượt bệnh nhân đến khám và xin thuốc. Các bệnh phổ biến họ thường gặp là viêm da, đau mắt đỏ, tiêu chảy....

Ông Hoàng Minh Hiến - Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện địa phương đang thực hiện các công tác phòng chống dịch, bệnh cho người dân cũng như công tác khắc phục trong lũ.

Không chỉ đời sống người dân bị ảnh hưởng mà việc sản xuất nông nghiệp cũng thiệt hại hết sức nặng nề. Thống kê cho thấy vẫn còn 2.100ha cây trồng và nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, 830m đường giao thông bị sạt lở, 850m kênh mương bị hư hỏng, gần 10km đê, hồ đập bị sạt lở, 7 cầu cống, đập bị hư hỏng, khoảng 45.000 con gia cầm, gia súc bị chết, cuốn trôi.

UBND huyện Chương Mỹ đã trích ngân sách hỗ trợ các xã vùng lũ: 3.540 thùng mỳ tôm, 1.300 bình nước, 1.231 thùng nước, 370 thùng nước lọc, 2.550 đôi nến, 110 đèn pin, 2,9 tấn gạo, 1.850 gói lương khô, 100 thùng sữa tươi. Đồng thời, phối hợp tiếp nhận và trao 151 triệu đồng ủng hộ các xã vùng lũ khắc phục hậu quả.

Tính đến ngày 27/8, huyện Chương Mỹ vẫn còn hơn 2.349 hộ, huyện Quốc Oai còn 608 hộ bị ngập, tương đương với khoảng 7.000 người dân phải sơ tán.

Ông Nguyễn Văn Canh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai cho hay, trong 608 hộ bị ngập trên địa bàn huyện, có 266 hộ bị ngập sâu, chia cắt, cô lập. Đến nay, nước đã rút được khoảng 50mm.

Để đảm bảo sinh hoạt cho bà con, những ngày qua, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các ban, ngành đoàn thể tập trung tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống, thuốc trị bệnh ngoài da, tiêu chảy… Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai bố trí lực lượng ứng trực khám, phát thuốc miễn phí cho người dân.

Xuân Đoàn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-gan-3000-ho-dan-van-phai-so-tan-do-lu-a237990.html