Hàng loạt vụ ẩu đả giữa "xe ôm" truyền thống và tài xế GrabBike xôn xao dư luận


Thứ 7, 21/10/2017 | 03:04


Cùng sự kiện

Thời gian qua, xảy ra hàng loạt vụ xô xát giữa xe ôm truyền thống và tài xế GrabBike. Những vụ việc này hầu hết xuất phát từ việc đụng chạm tới “miếng cơm manh áo” của c

Thời gian qua, xảy ra hàng loạt vụ xô xát giữa xe ôm truyền thống và tài xế GrabBike gây xôn xao dư luận. Những vụ việc này hầu hết xuất phát từ việc đụng chạm tới “miếng cơm manh áo” của cả hai bên và khó có biện pháp giải quyết được.

Gần đây nhất, ngày 27/7, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh hỗn chiến giữa 2 người đàn ông được cho là xe ôm truyền thống và tài xế GrabBike. Sự việc xảy ra trên đường Nguyễn Hoàng, sát bến xe Mỹ Đình, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo nội dung clip, người đàn ông mặc áo trắng lao vào nắm chân người mặc đồng phục GrabBike, rồi đạp liên tiếp khiến người này nằm lăn xuống đường. Không dừng ở đó, hai bên vẫn tỏ thái độ hung hăng, đấm thẳng vào mặt nhau. Họ chỉ dừng lại khi được mọi người xung quanh can thiệp.

Một vụ khác, theo báo Thanh Niên, chiều 25/9, một tài xế GrabBike đến đón khách trước cổng Bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì bị một người đàn ông chạy xe ôm tại đây lớn tiếng nhắc nhở và đe dọa.

Hai người này cãi nhau, bất ngờ tài xế GrabBike lấy một cây ba trắc, dọa đánh người chạy xe ôm truyền thống.

Thấy vậy, nhiều xe ôm truyền thống tại đây bao vây và đánh tài xế chạy GrabBike. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân và CSGT đến can ngăn.

Trước đó, nhiều vụ xô xát giữa các tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống đã xảy ra tại các bến xe, bến tàu...

Thậm chí trong một vụ xô xát tại bến xe Miền Tây cách đây chưa lâu, cảnh sát đã phải nổ súng để ngăn chặn ẩu đả.

2 nhóm xe ôm đuổi đánh nhau làm náo loạn khu vực trước Bến xe miền Tây - Ảnh: Dân trí

Theo báo Vietnamnet, vụ việc xảy ra khoảng 22h45 phút đêm 15/6 tại bến xe Miền Tây, đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân. Hiện công an địa phương đang làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Một số người quanh hiện trường cho hay, thời điểm trên có 1 tài xế GrabBike cự cãi lớn tiếng với 1 số người chạy xe ôm trước cổng bến xe Miền Tây. Ngay sau đó có hơn chục tài xế GrabBike khác tụ tập sẵn bên kia đường tiến sang để gây áp lực với cánh xe ôm.

Tuy nhiên, nhiều lái xe ôm từ trong bến xe ập ra, cầm theo cây gậy tấn công vào nhóm GrabBike gây nên cảnh ẩu đả đông người. Có 1 số GrabBike cũng trang bị gậy gộc để tấn công trở lại.

Khi vụ hỗn chiến vừa diễn ra, lực lượng trinh sát hình sự trên đường đi tuần tra đã phát hiện, can thiệp. Trước thái độ quyết ăn thua của 2 bên, buộc lực lượng trinh sát buộc phải nổ súng trấn áp.

Trước đó, vụ xe ôm truyền thông dùng tuốc nơ vít đâm tài xế GrabBike khi đang dừng xe đón khách qua ứng dụng trước một quán nhậu trên đường Nguyễn Tri Phương (phường 5, quận 10) xảy ra ngày 11/3 vừa qua gây xôn xao dư luận.

Theo báo Lao động, nạn nhân là anh Lương Quốc Thiện (SN 1987, ngụ quận 10). Qua điều tra của cơ quan công an, 3 người tấn công anh Thiện là xe ôm truyền thống hoạt động tại khu vực này đã lâu. Khi thấy anh Thiện đến đón khách đã rủ nhau xông đến đánh, trong đó có một người dùng tuốc nơ vít đâm vào lưng anh Thiện.

Tại cơ quan công an, 3 người này cho rằng chính các tài xế xe ôm công nghệ đang "cướp đi nồi cơm của mình" nên mới ra tay.

Giải pháp nào dung hòa lợi ích?

Trao đổi trên báo Lao động, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Grab Việt Nam - cho rằng, cần có rất nhiều giải pháp để dung hòa lợi ích giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ. Về phía Grab, Cty sẽ làm hết trách nhiệm của mình. Khi GrabBike vào các bến bãi là để đón khách qua ứng dụng chứ không được đón khách ngoài, tuyệt đối không được tranh giành khách với các đồng nghiệp chạy xe ôm truyền thống. "Bất cứ khi nào nhân viên Grab bắt gặp một đối tác của Grab đón khách không thông qua ứng dụng thì đối tác đó sẽ bị khóa tài khoản ngay lập tức" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh. Nói về những người cố tình gây rối kích động bạo lực để giải quyết các xích mích, mâu thuẫn, ông Tuấn khẳng định sẽ không nương tay đối với những trường hợp này.

Bên cạnh những nỗ lực của phía Cty thì cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Như trước đây, tình trạng xô xát giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống ở sân bay Tân Sơn Nhất rất căng thẳng. Tuy nhiên, khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an thì tình hình ở đây dần đi vào ổn định và hầu như không có ẩu đả giữa hai bên tại đây nữa.

Liên quan đến việc làm thế nào để tránh xảy ra các vụ va chạm, hành hung của xe ôm truyền thống với các Grabbike, trao đổi trên báo Công an Nhân dân, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông của Grab Việt Nam cho biết: “Bắt đầu khi tài xế tham gia huấn luyện đầu vào chúng tôi đã trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó trong trường hợp bị hành hung, trộm cướp và các rủi ro khác.

Đồng thời luôn tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn và chủ động trang bị cho các tài xế kiến thức và kỹ năng phòng vệ cơ bản và thực hành ứng phó các tình huống nguy hiểm trong quá trình hoạt động với các võ sư. Trong các buổi họp mặt tài xế định kỳ hằng tháng, an toàn luôn là chủ đề được Grab lưu ý nhấn mạnh. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ ổn định tình hình trật tự tại các điểm nóng hay xảy ra tranh chấp giữa xe ôm truyền thống và Grabbike để tránh căng thẳng kéo dài”.

Có thể nói, vận tải hành khách áp dụng công nghệ thông tin ra đời đã dẫn tới cuộc cạnh tranh giữa loại hình truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự tiện lợi, văn minh mà loại hình ứng dụng quản lý xe bằng công nghệ thông tin điện tử qua điện thoại thông minh rất thuận lợi cho người tiêu dùng và được người dân hưởng ứng cao.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay chính là sự quản lý của các cơ quan chức năng để tạo ra một môi trường cạnh tranh an toàn, lành mạnh giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống. Để từ đó loại trừ nguy cơ mất an ninh trật tự.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, Trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP đã tuyên truyền mọi người dân phải chấp hành pháp luật về an ninh trật tự.

Luật pháp đã quy định không được đánh nhau, xâm phạm đến thân thể của người khác. Dù là tài xế GrabBike hay truyền thống, họ đánh nhau, gây mất an ninh trật tự tới đâu công an sẽ xử lý tới đó.

Theo ông Thắng, về mặt quản lý nhà nước, đơn vị cấp phép phải tuyên truyền, yêu cầu doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-vu-au-da-giua-xe-om-truyen-thong-va-tai-xe-grabbike-xon-xao-du-luan-a206085.html