Hàng nhập khẩu đội lốt Made in Vietnam để gian lận ưu đãi thuế


Thứ 6, 22/02/2019 | 12:30


Rất nhiều vụ kiện thương mại bán phá giá của hàng Việt Nam có liên quan đến tình trạng hàng giả đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thức 3.

Rất nhiều vụ kiện thương mại bán phá giá của hàng Việt Nam có liên quan đến tình trạng hàng giả đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thức 3.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xe đạp điện giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu nhằm hưởng lợi miễn phí về thuế từ Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Xe đạp điện giả xuất xứ Việt Nam - Ảnh: VTC.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, không chỉ xe đạp điện, trong năm 2018, đã có tới hàng chục loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như tấm năng lượng Mặt Trời, xe đạp điện, xe tay nâng, lốp xe tải, thép, tôn, gỗ ván ép, thậm chí cả mặt hàng thủy sản như nguyên liệu tôm… đều có sự gia tăng số lượng xuất khẩu một cách đột biến từ 20-47%. Đây là dấu hiệu cho thấy những hàng hóa này đang có nguy cơ gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, nhìn lại các vụ kiện Việt Nam bán phá giá, rõ ràng các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hiện không phải là thế mạnh vốn có của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Bà Phạm Hương Giang, Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trung bình mỗi tháng DN nước ta gặp 1 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) trên thị trường thế giới. Đáng chú ý, sản phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường nào đều có nguy cơ bị kiện ở nước đó.

Thép xuất từ Việt Nam từng bị kiện vì bán phá giá.

Hiện tượng các doanh FDI lợi dụng xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm mục đích tránh thuế chống bán phá giá tại một nước khác không phải là ít.

Có 3 dạng hành vi lẩn tránh thuế phổ biến của DN FDI tại Việt Nam, xếp theo mức độ nguy hiểm giảm dần như sau: Thứ nhất là làm giả giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá tại một nước thứ ba; thứ hai là nhập khẩu hàng hóa nguyên kiện vào Việt Nam, sau đó đóng gói “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để hưởng mức thuế thấp tại một nước thứ ba; thứ ba là đầu tư FDI với nhà máy đơn giản, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh phụ kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về giá trị gia tăng để xuất khẩu.

Nếu không được giải quyết sớm, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành sản xuất của DN Việt Nam, vì việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam sẽ khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến (trong khi hàng hóa có xuất xứ thật sự của Việt Nam không tăng nhiều). Điều này dễ dẫn tới khả năng hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, qua đó gây mất uy tín của hàng hóa của chúng ta trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-nhap-khau-doi-lot-made-in-vietnam-de-gian-lan-uu-dai-thue-a263819.html