Hồ sơ vụ án: Bi kịch của bà mẹ trẻ đi bán dâm mua sữa cho con


Chủ nhật, 24/09/2017 | 06:44


Cùng sự kiện

Câu chuyện cô gái mại dâm tên Thanh phải gửi đứa con 2 tháng tuổi cho hàng xóm để đi bán thân kiếm tiền mua sữa, khiến nhiều người vẫn xót xa mỗi khi nhớ lại.

Câu chuyện cô gái mại dâm tên Thanh phải gửi đứa con 2 tháng tuổi cho hàng xóm để đi bán thân lấy tiền mua sữa, khiến nhiều người biết chuyện vẫn không thôi xót xa mỗi khi nhớ lại. 

Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/7/2013, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đột kích nhà nghỉ Hương Tuyết (Xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn). Tại đây, các trinh sát đã bắt quả tang 3 cặp nam nữ đang mua bán dâm. 

Gái mại dâm bị bắt quả tang bị bắt quả tang tại nhà nghỉ Hương Tuyết

Dẫu biết mỗi cô gái bị đẩy đến con đường tệ nạn này đều có một số phận, nhưng câu chuyện của cô gái mại dâm tên Thanh (1 trong 3 cô gái bán dâm bị bắt) phải gửi con 2 tháng tuổi cho hàng xóm để đi bán thân kiếm tiền mua sữa khiến nhiều người xót xa.

Dòng đời nghiệt ngã

Thời điểm đó, Thanh chia sẻ, cô sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em ở một miền quê xứ Nghệ. Từ những ngày thơ ấu, cuộc đời cô đã vương lại ký ức buồn khi cha bỏ mẹ con cô đi theo người đàn bà khác. Mẹ một mình phải gồng lên lo cho 5 đứa con nhỏ sống lay lắt qua ngày. Lớn lên và chứng kiến hoàn cảnh gia đình như vậy, học chưa hết cấp 2 thì Thanh cũng chán nản bỏ ngang, đi làm giúp việc để có tiền phụ giúp gia đình. Nhưng đến năm 17 tuổi, cô thôn nữ nghèo bắt đầu chán công việc ôsin mà cô tự thấy thấp hèn.

Sau một lần bị nhà chủ tại TP Vinh đánh đập, Thanh ấm ức bỏ về quê (Thanh Chương, Nghệ An) rồi xin mẹ nghỉ việc đi học nghề uốn tóc. Nhưng muốn học thì phải mất tiền học phí, sau bao lần vay mượn các anh đều bị từ chối, Thanh đành xin làm vào quán cắt tóc gội đầu nam của người quen để phụ các việc lặt vặt. Tuy lương chỉ được 600-700 nghìn đồng mỗi tháng nhưng cô cũng hài lòng, bởi được ở gần nhà và công việc nhẹ nhàng hơn đi làm giúp việc rất nhiều, lại không bị ai mắng chửi nữa.

Thanh thời điểm bị bắt giữ.

Giá như cuộc đời cô cứ thế êm đềm trôi qua thì đã chẳng có cái giây phút ê chề trong “ổ nhện” nơi đất khách quê người. Thanh tâm sự: “Mọi chuyện cũng bắt đầu từ sự cả tin đến vụng dại của em về tình yêu trong sáng đầu đời. Thời gian làm cắt tóc gội đầu, em đã yêu một chàng trai ở quê. Sau những lời tán tỉnh ngọt ngào, sau những lần nghe anh ta thề non hẹn biển, em đã dại dột hiến dâng cả đời con gái”.

Nhưng khi cái bụng của Thanh lùm lùm to lên thì người tình tráo trở đã chối bỏ trách nhiệm với cái thai. Đau đớn, bế tắc, Thanh lủi thủi về quê mong sự che chở của gia đình. “Những ngày trở về đó, em chỉ biết khóc khi bị chính những người thân miệt thị là đứa chửa hoang và dứt khoát đòi đuổi em ra khỏi nhà”, Thanh nghẹn ngào nhớ lại. 

Nhục nhã vì bị xua đuổi, cô thiếu nữ dại dột lại phải gạt nước mắt, khăn gói đi tìm gã người yêu để hi vọng được giúp đỡ. Nhưng một lần nữa, anh ta tàn nhẫn hắt hủi chính đứa con của mình. Trong lần cuối cùng đầy phũ phàng ấy, gã cầm mấy trăm ngàn ném cho Thanh, bảo cô tự lo “giải quyết hậu quả”. Cúi mặt nhặt từng tờ tiền trong tủi nhục, thiếu nữ tội nghiệp hiểu rằng nơi này (và cả quê nhà) không còn chỗ cho cô dung thân nữa. Vậy là với vài trăm ngàn đồng trong túi làm lộ phí, Thanh vượt mấy trăm cây số vào Quảng Ngãi lang bạt kiếm sống rồi một mình chờ sinh con. 

Tủi nhục bán thân vì con

Những ngày đầu, Thanh xin đi phục vụ cà phê ở một số quán cà phê tại thị trấn ngã ba Dốc Sỏi (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Nhưng thu nhập ít ỏi từ công việc này cũng chẳng thấm tháp gì, so với nhu cầu tối thiểu cuộc sống. Thanh khóc nức nở khi kể lại giây phút đứa con chào đời, người y tá hỏi ai là người nhà ra xem mặt cháu nhưng đáp lại là một sự im lặng tái tê.

Lúc sinh con xong, Thanh như hóa điên vì không ăn uống kham khổ lúc mang thai nên bị mất sữa. Trong khi đó cô cũng không có tiền mua sữa ngoài con, dù chỉ là một lon sữa đặc rẻ tiền. Hàng xóm thương cảm cũng mang sang cho cô chút ít đồ đạc và thức ăn nhưng họ không giúp được mãi.

Chủ chứa mại dâm Lưu Thị Quảng.

Trong một lần đi bộ lang thang trên đường sau ca làm buổi tối, cuộc đời Thanh thay đổi mãi mãi khi một người đàn ông lầm tưởng cô là gái bán hoa nên dừng xe ngã giá. Ban đầu, Thanh giận dữ và định lên tiếng mắng mỏ người đàn ông trơ trẽn ấy nhưng chợt nghĩ đến đứa con đang khóc oặt ẹo ở nhà vì đói sữa, Thanh liều mình đi theo ông ta vào một nhà nghỉ rẻ tiền gần đấy.

Bước vào phòng chỉ có manh chiếu trải dưới nền nhà, cô đã rớt nước mắt và cầu mong giây phút tủi nhục trôi qua thật nhanh để mang tiền về mua sữa cho con. Nhưng do mới sinh xong, người yếu ớt,  xồ xề, Thanh không "phục vụ" được, khiến gã đàn ông nổi điên. Trước lúc bỏ đi, hắn để lại 50.000 đồng và một cái bạt tai vì cho rằng Thanh lừa đảo. Rũ rượi, đau đớn, nhưng cô phải gượng dậy, vừa khóc vừa nhặt tiền rồi đi về nhà. Dù lần đầu tiên "đi khách" không trôi chảy nhưng Thanh vẫn cho rằng đó là lối thoát của hai mẹ con trong lúc khốn cùng này. Nhưng để không bị khách đánh đạp thì phải tìm một nơi được bảo vệ. 

Những ngày sau đó, Thanh lần hồi xin việc tại một quán cà phê rồi được giới thiệu vào làm tại nhà nghỉ Hương Tuyết, nơi tú bà Lưu Thị Quảng tổ chức hoạt động mại dâm từ 3-4 năm qua. Biết đi bán dâm cho khách là tội lỗi, nhưng cô đành nhắm mắt làm liều để có tiền nhanh. “Em bị mất sữa vì không được ăn uống đầy đủ. Chút tiền lương từ việc bán cà phê, em phải dành để cho con. Quá tiết kiệm nên nhiều khi em lả đi vì đói. Lẽ thường, một người phụ nữ mới sinh phải ăn rất nhiều và bồi bổ mọi loại chất dinh dưỡng để mong có sữa cho con bú và gìn giữ sức khỏe. Bản thân em thì ăn còn chưa dám ăn no, nói gì đến bồi dưỡng cho đứa con mình”, Thanh chua chát phân trần.

Mấy ngày được về nhà chăm con, Thanh đóng cửa không tiếp xúc với bất kỳ ai vì tủi hổ.

Thanh mắt đỏ hoe nhớ lại: “Tối ấy, khi nghe bà Quảng gọi điện, không có ai giữ con, em đành ôm nó qua gửi cho bà cô hàng xóm, nói là đi công việc chút. Tưởng “đi làm” chút rồi về ai ngờ bị bắt như thế. Lúc đó nghĩ đến con ở nhà không khát sữa, thiếu hơi mẹ không ngủ được nên em hoảng quá mới khóc với mấy chú công an”. Thanh tâm sự, nhiều lúc cô chỉ muốn bỏ quách cái nghề nhơ nhớp ấy để trở về quê, được sống thanh thản cùng đứa con, được làm người lương thiện. Nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình, nghĩ đến đứa con mà cô yêu quý hơn mạng sống phải đói rách, khát sữa, rồi không được học hành như mẹ nó thì cô lại không đành. Cô cứ cắn răng ở lại, lay lắt qua ngày cho đến khi bị bắt.

Khi hỏi Thanh đã được học nghề hớt tóc, sao không xin vào một tiệm nào đó mà làm lại đi làm cái nghề nhơ nhớp thì Thanh thổn thức nói không do tay nghề chưa cao nên khó tìm được việc và cũng không kiếm được nhiều tiền. Trước lúc chia tay, cô chỉ lặp lại được tâm sự chưa bao giờ muốn làm gái mua vui, chỉ vì cuộc sống quẫn bách nên mới làm liều. Thanh bảo cô chỉ hy vọng đến một ngày nào đó, khi con cô khôn lớn nó sẽ hiểu và cảm thông cho những sai lầm của mẹ. Ngày xưa, Thanh đã từng quỳ xin sự tha thứ của mẹ. Giờ đây, cô sẽ tiếp tục sám hối như một cách quỳ xin sự tha thứ của số phận đừng bám víu vào mình những nghiệt ngã như thế nữa.

Thương nhiều hơn giận

Bà Huỳnh Thị Hảo (47 tuổi), người hàng xóm mà Thanh đã gửi con nhờ trông giúp-nhớ lại: “Mấy ngày cái Thanh bị tạm giữ để điều tra, con bé con đói sữa và thiếu hơi mẹ cứ khóc ngằn ngặt khiến ai cũng xót lòng. Tôi phải bế nó đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm, rồi dỗ cho nó nín. Lúc hai mẹ con nó gặp nhau, con khóc mẹ cũng khóc thấy mà thương quá!”.

Bà Huỳnh Thị Hảo buồn rầu kể chuyện người mẹ trẻ bên nhà mình

Bà Hảo cũng cho biết, Thanh thuê căn phòng nhỏ của một người dân bên cạnh nhà bà. Với kinh nghiệm của một người phụ nữ đã có tuổi, nhiều đêm nghe tiếng đứa trẻ khóc, biết khóc do đói nên bà thương lắm. Biết Thanh đơn thân nuôi con sẽ gặp nhiều khó khăn nên thingr thoảng có cái gì bà lại mang sang cho. Bà Hảo kể, có bữa thấy Thanh bế con ngồi ăn cơm với chút nước mắm pha loang, bà thương cảm sai đứa con về múc thức ăn mang sang. Thanh cảm động quá ngồi khóc không ăn nổi miếng cơm nào nữa.

Bà Hảo cũng xác nhận Thanh một thân một mình lặn lội từ ngoài kia vào đây không người thân thích, không có việc làm ổn định. Bà cũng chỉ nghe Thanh nói chưa có công việc gì ổn định nên đi phụ bán cà phê cho người ta ở gần nhà máy lọc dầu Dung quất. Chỉ đến khi nghe mọi người kháo nhau chuyện Thanh bị bắt lúc đi khách bà mới hiểu ra mọi chuyện. Tuy vậy bà Hảo thấy thương hơn là trách móc người mẹ trẻ tội nghiệp, cũng chỉ vì hoàn cảnh đẩy đưa nên mới bước vào con đường nhục nhã như thế.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Gia Ly – Thúy Nga

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-so-vu-an-bi-kich-cua-ba-me-tre-di-ban-dam-mua-sua-cho-con-a202931.html