Khóc cười làng hoa kiểng, mai vàng mất đất, mất mùa


Chủ nhật, 20/01/2019 | 04:06


Cùng sự kiện

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần. Thời điểm này, các nhà vườn đang chăm chút tỉ mẩn từng chi tiết để chuẩn bị đưa cây kiểng xuống phố.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần. Thời điểm này, các nhà vườn đang chăm chút tỉ mẩn từng chi tiết để chuẩn bị đưa cây kiểng xuống phố. Tuy nhiên, nguồn cung năm nay dự báo có giảm sút khiến giá cả nhích lên, một phần do nhiều làng nghề trồng hoa kiểng đã bị xoá sổ.

Độc đáo kiểng hình con heo

“Vương quốc” hoa kiểng Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang tất bật chuẩn bị những khâu cuối cùng để xuất những cây hoa kiểng đẹp nhất phục vụ Tết. Đến các xã như... Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B, Long Thới... (huyện Chợ Lách), dễ dàng bắt gặp các nghệ nhân đang tỉ mẩn cắt tỉa những chi tiết cuối cùng cho sản phẩm của mình. Nổi bật trong đó là kiểng hình chú heo khá ngộ nghĩnh.

Ông Nguyễn Văn Sáu, xã Vĩnh Thành, cho biết: “Ngoài các linh vật khác, năm nay, cây kiểng hình con heo được chúng tôi chuẩn bị rất công phu. Heo được làm với nhiều kích cỡ, dáng thế khác nhau, giá bình quân từ vài ba triệu đồng/cặp. Tuy nhiên, đây là con vật khó tạo hình nên chúng tôi sử dụng cây tắc (quất), có trang trí thêm họa tiết”.

Cặp heo ngộ nghĩnh bằng bông trang vàng nhưng rất có hồn dưới bàn tay của các nghệ nhân.

Ông Nguyễn Văn Rớt (cùng ngụ xã Vĩnh Thành) hiện có 3 cặp heo kiểng độc đáo. Khác với nhiều hộ cùng địa phương, ông tạo hình heo bằng bông trang vàng. “Tôi đã ấp ủ ý tưởng này từ 2 năm trước, dự kiến, các “con heo” sẽ nở bông vào đúng dịp Tết”, ông Rớt chia sẻ. Được biết, giá mỗi cặp heo 20 - 30 triệu đồng, có chiều cao 1,6 - 2m. Đã có nhiều người “dạm hỏi” nhưng ông vẫn chưa “xuống tay”.
Cùng với heo tắc, bông trang vàng, các vườn cây còn có hình heo bằng chất liệu cây si. Đây là sản phẩm do nghệ nhân Năm Công có tiếng ở khu vực này tạo tác. Theo quan sát của PV, heo dùng 4 gốc si làm chân, các chi tiết phần trên được uốn nắn, cắt tỉa tạo ra những chú heo hết sức ngộ nghĩnh. Nghệ nhân Năm Công cho biết, một cặp heo như vậy giá lên đến vài triệu đồng.

Tại khu vực Chợ Lách, bên cạnh chú heo dễ thương là nhiều loại kiểng mang hình thù 11 con giáp còn lại. Chất liệu chủ yếu là tắc, trang bông vàng, cây si, cây trang cổ thụ... Dưới bàn tay khéo léo, cùng ý tưởng tuyệt vời của những nghệ nhân chân đất đã biến những cây kiểng trở nên có hồn, hấp dẫn, tạo sự thích thú cho người thưởng lãm.

Cùng với hình 12 con giáp, các loại hoa kiểng như Cúc, trạng nguyên, lan, bonsai... tại Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Lâm Đồng khá ổn định. Tuy nhiên, một số khu vực chịu ảnh hưởng thời tiết cũng có tác động nhất định tới giá cả. “Thời tiết thất thường, nhất là bị ảnh hưởng của bão, nên hoa kiểng bị ảnh hưởng, nhất là mai vàng đã nở trước thời điểm Tết Nguyên đán khoảng 10%. Do đó, giá sẽ nhích lên so với năm 2018 khoảng 10 – 15%”, ông Nguyễn Tám, một hộ trồng mai xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết. Tại thủ phủ hoa kiểng Phước Định, xã Bình Hoà Phước thời điểm hiện tại đang có khoảng gần 7.000 gốc mai của 250 hộ. Tuy nhiên, năm nay, chỉ có khoảng 1.500 gốc mai đủ tiêu chuẩn đưa ra phục vụ thị trường.

Sức nóng bất động sản, nguy cơ làng mai bị xóa sổ

Tại TP.HCM, nhiều nơi từng được mệnh danh là làng mai nay cũng đã bị xoá sổ... do bất động sản tăng giá. “Đất đai lên giá, người dân đã xoá sổ cây mai, san lấp mặt bằng để bán đất. Hơn nữa, trồng mai cũng bấp bênh, thu nhập không cao, đặc biệt là khu vực này thường bị ngập úng nên rất vất vả”, một cán bộ UBND phường An Phú Đông (quận 12) cho biết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hai, từng nằm trong “rốn” của làng mai, giờ trống trơn. Ông Hai cho biết: “Trồng mai chẳng ăn thua gì, ngập liên miên. Năm trước gia đình chúng tôi lỗ nặng do mai nở sớm nên đã bàn bạc bỏ mai và bán đất lấy tiền chuyển sang nghề khác sinh sống”.

Đất khu vực An Phú Đông cũng là tâm điểm của cơn sốt thời gian qua, hiện đang được chào bán với mức 30 – 40 triệu đồng/m2 , tuỳ theo vị trí. Dọc hai bên con đường Vườn Lài vốn là khu vực trước đây mai được trồng dày đặc nhưng hiện nay thay vào đó là những tấm bảng môi giới nhà đất mọc lên chi chít khiến người yêu sắc mai vàng chạnh lòng.

Tương tự, nhiều làng mai vốn nổi tiếng tại TP.HCM như Hiệp Bình Chánh, Tam Phú (quận Thủ Đức)... cũng đang bị thu hẹp. Bà Nguyễn Thị Hoài, Chủ tịch hội Nông dân quận Thủ Đức cho biết: “Trên địa bàn quận hiện chỉ còn khoảng 32ha trồng mai vàng và cứ đến gần Tết là người dân lại lo lắng tình trạng triều cường, ngập nước, mưa thất thường. Năm nay, bão số 9 có ảnh hưởng đến TP.HCM nên nhiều vườn mai đã không thể cứu vãn cho mùa Tết 2019”.

Nhận định về tình trạng này, TS.Nguyễn Văn Thắng (ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho rằng: “Nhiều làng nghề trồng hoa kiểng vẫn tồn tại và phát triển nhưng đã giảm nhiều so với trước. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như làm nông nghiệp không hiệu quả bằng các loại hình kinh tế, dịch vụ khác, đất đai tăng giá, thời tiết thất thường... cũng ảnh hưởng tới nguồn cung cây kiểng”.

Trông chờ khu vực miền Tây

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Năm nay, toàn huyện có khoảng 650ha của 6.000 hộ dân, dự kiến huyện sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, tăng hơn 15% so với năm trước”.

Thanh Tùng

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 9

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khoc-cuoi-lang-hoa-kieng-mai-vang-mat-dat-mat-mua-a260071.html