Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Các môn tổ hợp sẽ “làm khó” học sinh


Thứ 3, 30/01/2018 | 08:39


Cùng sự kiện

Theo nhận định của nhiều giáo viên THPT, đề thi minh họa các môn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 so với đề thi chính thức năm 2017 đã có sự “chênh lệch” rõ nét.

Theo nhận định của nhiều giáo viên THPT, đề thi minh họa các môn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 so với đề thi chính thức năm 2017 đã có sự “chênh lệch” rõ nét. Đặc biệt, ở tổ hợp môn thi Tự nhiên hay Xã hội, các môn thành phần cũng luôn bố trí nhiều câu hỏi khó để phân loại thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay.

Tổ hợp môn Xã hội: Khó đạt điểm cao

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 (tổng cộng 14 đề thi), nhiều nhà trường, giáo viên và cả học sinh, thí sinh bắt tay vào “nghiên cứu” để đề ra hướng học, ôn tập hiệu quả. Không riêng gì các môn thi bắt buộc như Ngữ văn, Toán hay Ngoại ngữ, các môn thành phần của tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội cũng đã tăng dần độ khó so với các năm trước. Nhiều giáo viên nhận định, căn cứ vào đề thi tham khảo có thể thấy đề thi chính thức năm nay khối lượng lớn hơn (chương trình lớp 12 và lớp 11), câu hỏi khó cũng chiếm đến từ 20-27% trong đề thi cũng là thử thách cho các thí sinh.

Thầy Trần Văn Năng, Giáo viên môn Giáo dục công dân (THPT) ở Hà Nội nhận xét, trọng tâm của đề thi vẫn là kiến thức lớp 12, các câu hỏi kiến thức lớp 11 dù ít nhưng trải đều ở tất cả các chuyên đề. “So với đề thi chính thức của năm 2017, đề tham khảo 2018 có độ khó hơn hẳn. Các câu hỏi khó tăng, chiếm khoảng 30%. Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao thuộc các chuyên đề: Công dân với các quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ, Pháp luật với sự phát triển của công dân… Như vậy, các thí sinh sẽ phải ôn tập nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, luyện tập vất vả hơn để có thể đạt kết quả cao”, thầy Năng nhận định.

Tương tự, ở môn Lịch sử dù đã trở thành môn thi thành phần, đề thi theo hình thức trắc nghiệm, nhưng nhiều giáo viên nhận định, nếu đề ra như đề tham khảo, thí sinh sẽ khó đạt điểm 8. Theo đánh giá của Tổ Lịch sử (Hệ thống giáo dục Học Mãi), nội dung kiến thức trong đề thi minh họa năm 2018 bao gồm chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó nội dung lớp 11 chiếm khoảng 25%. Đáng chú ý, trong đề thi các câu hỏi khó tăng, chiếm tới 30%, đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của các câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh.

Trong đề thi tham khảo môn Lịch sử, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao là 37, 39, 40… các câu hỏi này rơi vào các chuyên đề: Việt Nam 1945 - 1954; Việt Nam 1954 - 1975; Á - Phi - Mĩ Latinh 1945 - 2000; Quan hệ quốc tế 1945 - 2000.., đặc biệt không có câu hỏi khó rơi vào kiến thức lớp 11. Do đó, các thí sinh cần phải ôn luyện đầy đủ các chuyên đề, luyện tất cả các dạng bài liên quan, bởi đề thi tham khảo nên không thể bao phủ toàn bộ kiến thức học sinh cần nắm được.

Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được dự báo đạt điểm cao sẽ rất khó. Ảnh minh họa: Q.Anh

Tổ hợp môn Tự nhiên: Khó đạt điểm 8

Không riêng các môn tổ hợp Xã hội, ở các môn trong tổ hợp môn Tự nhiên, độ khó của đề thi tham khảo cũng đã được nâng lên, điều này đúng như chủ trương của Bộ GD&ĐT nhằm phân loại thí sinh và hạn chế “mưa điểm” 10 như đã xảy ra ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo thầy Nguyễn Thành Công, Giáo viên môn Sinh học (Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm) nội dung kiến thức trong đề thi tham khảo kì thi THPT Quốc gia năm 2018 bao gồm chương trình lớp 11 và lớp 12, trong đó phần kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 20% tổng số câu hỏi của đề.

Về độ khó của đề Sinh học, theo đánh giá của thầy Nguyễn Thành Công: “So với đề thi THPT Quốc gia năm 2017, đề thi tham khảo có độ khó hơn hẳn. Điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng, chiếm khoảng 25% nhưng đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của các câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh. Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao là câu 114 đến câu 120, các câu hỏi này thường rơi vào các chuyên đề các quy luật di truyền, cơ chế di tryền và biến dị, di truyền người và di truyền quần thể, các câu thuộc kiến thức lớp 11 thuộc mức độ dễ và trung bình”.

Cho rằng cấu trúc đề thi đã được thay đổi ở môn Vật lý, thầy Nguyễn Ngọc Hải, Giáo viên THPT môn Vật Lí (Hệ thống giáo dục Học mãi): “Cấu trúc của đề thi tham khảo lại không hoàn toàn giống như trước, tỉ lệ phân bố nội dung câu hỏi giữa kiến thức lớp 12 và lớp 11 vào khoảng 5:1. So với đề thi năm 2017, đề thi tham khảo 2018 có độ khó tương đương. Các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao chủ yếu vẫn tập trung ở các chuyên đề lớp 12 như: Dòng điện xoay chiều (câu 37). Không có sự sắp xếp rõ ràng trong việc tăng dần mức độ khó của các câu, 3 câu cuối không phải những câu khó nhất”.

Đối với môn Hóa học, một số giáo viên dạy môn Hóa học bậc THPT cho biết, các câu hỏi xuất hiện trong đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12 nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12. Độ khó của đề thi cũng cao hơn hẳn so với năm trước, điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng (có 5 - 6 câu khó so với 4 câu của năm 2017). Với dạng đề thi này, các thí sinh tham dự kì thi THPT Quốc gia 2018 phải ôn tập nhiều hơn, đặc biệt là nếu muốn có thêm cơ hội để đứng chân ở các trường đại học “top trên”.

Liên quan tới kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 về cơ bản vẫn giữ ổn định về phương thức như năm 2017. Điểm mới của kỳ thi năm nay là không chỉ có nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 như năm trước, mà có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11. Đề thi cũng có các câu hỏi từ kiểm tra kiến thức tới nâng cao nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Theo Gia đình & xã hội

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-cac-mon-to-hop-se-lam-kho-hoc-sinh-a218195.html