Liệu có hiệu ứng domino sửa điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia?


Thứ 7, 28/07/2018 | 00:00


Cùng sự kiện

Tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Giang trở thành cú sốc đối với xã hội. Một kỳ thi mà trước đó được đánh giá an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Giang trở thành cú sốc đối với xã hội. Một kỳ thi mà trước đó được đánh giá an toàn, nghiêm túc, khách quan lại liên tiếp lộ ra những điểm đen. Dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương liên quan sai phạm.

Có tình trạng sửa bài, sửa điểm của thí sinh tại Sơn La

Trao đổi với PV vào thời điểm 23h ngày 21/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, bộ GD&ĐT đã có thông tin sơ bộ về cuộc rà soát điểm thi bất thường tại Sơn La. "Hiện nay các cơ quan của bộ Công an, Công an Sơn La phối hợp với tổ công tác của bộ GD&ĐT bước đầu đã phát hiện ra một số sai phạm, đặc biệt ở khâu chấm thi. Trong đó có dấu hiệu của sự can thiệp làm thay đổi kết quả thi của thí sinh. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tích cực xác minh làm rõ. Tại thời điểm này, bộ GD&ĐT đang chấm thẩm định một số bài thi Ngữ văn với tinh thần khách quan để sớm có kết quả trả lời nhân dân", ông Trinh cho biết. Trước đó, trả lời PV, một nguồn tin cho biết, sau 2 ngày làm việc, tổ công tác của bộ Công an và bộ GD&ĐT bước đầu phát hiện ra những sai phạm trong quy chế thi THPT Quốc gia 2018 ở Sơn La.

Toàn cảnh buổi công bố kết luận vụ điểm thi cao bất thường tại Hội đồng thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, Hội đồng thi sở GD&ĐT Sơn La chưa thực hiện nghiêm quy trình chấm thi, bảo quản, niêm phong bài thi. Các bước chuẩn bị cho công tác coi thi, chấm thi đều có vấn đề. Tại Lạng Sơn- một trong những điểm mà dư luận xã hội đặt nghi vấn tiêu cực trong chấm thi, sau hơn 2 ngày làm việc liên tục, đoàn công tác của bộ GD&ĐT đã có buổi công bố kết quả quá trình rà soát điểm thi cũng như các khâu tổ chức thi. TS. Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT) cho biết, chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm trong công tác tổ chức thi của Hội đồng thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Lạng Sơn. Đoàn công tác đã chấm thẩm định các bài thi trắc nghiệm của điểm thi số 1 và chọn các bài thi có điểm cao của các điểm thi khác.

Đối với bài thi tự luận là môn Ngữ văn, chấm thẩm định 51 bài, trong đó 16 bài của thí sinh THPT, còn lại của các thí sinh tự do được điểm cao. Với bài trắc nghiệm, 100% bài thi chấm thẩm định có điểm không thay đổi so với điểm thi đã công bố ngày 11/7/2018. Với các bài tự luận, so với kết quả đã công bố ngày 11/7 thì, trong 51 bài chấm thẩm định không có bài nào tăng điểm lên. Có 8 bài thi giảm điểm (chiếm 15,7%). Tuy nhiên, tại buổi công bố kết quả, ngay từ phút đầu tiên, ông Bế Đoàn Trọng, Chánh văn phòng sở GD&ĐT Lạng Sơn đã thông báo, tại buổi công bố này, ban Chỉ đạo thi không trả lời câu hỏi phỏng vấn nào. Nhiều câu hỏi mà PV cũng như dư luận thắc mắc vẫn bị bỏ ngỏ sau buổi công bố diễn ra chớp nhoáng này.

Người đứng đầu nên nhận trách nhiệm

Đánh giá về tiêu cực trong khâu chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018, chia sẻ với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận vụ việc trên có mức độ nghiêm trọng. Theo ông Nhưỡng, Thủ tướng giao bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm về điểm thi ở Hà Giang là rất đúng và kịp thời. Theo ông Nhưỡng: “Sau chấn động ở Hà Giang thì ngày 18/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký hai quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Lạng Sơn và Sơn La và kết quả thu về rất khách quan.

Như vậy có thể thấy rằng, Bộ đã hành động rất kịp thời và khẩn trương. Theo tôi nghĩ hành động có hiệu quả hơn là câu nệ về vấn đề nói có nhận trách nhiệm hay không mà anh không thực hiện được nó. Có thể nói ngành Giáo dục đã đang vào cuộc thực sự và rất quyết liệt trước sự việc nghiêm trọng này. Đó là một việc nên làm". "Còn vấn đề cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Giang, người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Theo hệ thống ngành dọc thì tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp, các cơ quan lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thì phải chịu trách nhiệm gián tiếp ở công tác lãnh đạo và công tác chỉ đạo về mặt chính quyền.

Theo tôi cần phải phân rõ ràng trách nhiệm của từng bộ phận ban ngành và cần điều tra thêm có hay không có những tiêu cực ở đây để xử lý xác đáng”, ông Nhưỡng cho hay. Cùng quan điểm trên, GS.Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Sai sót là có nhưng phải chờ kết quả điều tra, phân tích sai sót đó xem tính chất thế nào rồi mới quy cụ thể xem ai có trách nhiệm trực tiếp, ai gián tiếp hay trách nhiệm người đứng đầu.

Trong một ngành, một công việc có tầm quan trọng như vậy mà để xảy ra sai sót thì đương nhiên người đứng đầu phải có trách nhiệm. Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần sớm có một lời xin lỗi tới nhân dân khi để xảy ra sự việc tiêu cực nghiêm trọng”. Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng quan điểm: “Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm về quy trình tổ chức thi.

Nếu vẫn tiếp tục triển khai theo phương thức thi 2 trong 1 thì hướng dẫn của Bộ phải kỹ lưỡng hơn, quy trình phải chặt chẽ hơn. Làm sao mỗi khâu chỉ có 1 người hoặc 1 bộ phận có trách nhiệm làm việc đó thì sẽ giảm thiểu tác động về mặt chủ quan và khi xảy ra vấn đề gì thì có thể quy trách nhiệm ngay. Qua vụ Hà Giang mà tôi được biết thông qua báo chí thì có thể thấy quy trình chấm thi chưa chặt chẽ, cho nên 1 người có thể tác động vào rất nhiều khâu, từ quyét dữ liệu vào đĩa gốc, rồi đến sửa điểm, lưu lại dữ liệu và công bố điểm cũng chỉ có 1 người. Rõ ràng quy trình có “lỗ hổng”. Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

NHÓM PV GIÁO DỤC 
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 88 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lieu-co-hieu-ung-domino-sua-diem-thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia-a237619.html