Mùa đông cứ sưởi ấm theo cách này, mà không lưu ý có ngày mất mạng


Thứ 4, 13/12/2017 | 07:07


Cùng sự kiện

Vào đông, nhiều người lại lo chuẩn bị lò sưởi, quạt sưởi, hay chăn điện, túi sưởi… để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, các cách sưởi ấm này luôn tiềm tàng những nguy hiểm.

Vào đông, trời trở lạnh, nhiều người lại lo chuẩn bị lò sưởi, quạt sưởi, hay chăn điện, túi sưởi… để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên,  các cách sưởi ấm này luôn tiềm tàng những nguy cơ gây cháy nổ, rất nguy hiểm.

Sưởi ấm bằng than cẩn thận ngộ độc khí

Theo PGS. TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh là xuất hiện những ca ngộ độc do sử dụng than làm lò sưởi ấm. Không chỉ ở các vùng nông thôn, mà ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng sử dụng than hoa sưởi ấm trong phòng ngủ, nhà tắm nhưng lại đóng kín cửa phòng, gây ngộ độc khí than.

Khi đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Trong khi đó, khí CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.

Vì thế, nếu sử dụng than củi để sưởi ấm, cần chú ý để tránh bỏng, nhất là với trẻ em hiếu động chạy nhảy chơi đùa rất dễ ngã vào chậu than. Không để than dưới gầm giường, gần những nơi dễ bắt lửa như gỗ, quần áo. Đốt than tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng mà phải hé một chút cửa để có sự lưu thông không khí.

Quạt sưởi, đèn sưởi

Trời chuyển mùa, thời tiết trở lạnh người dân đua nhau sử dụng quạt sưởi, đèn sửa, phần vì tiện lợi phần vì giá cả trên thị trường ngày càng rẻ.

Thế nhưng, mặc dù các thiết bị này giúp phòng ốc luôn ấm áp, nhưng trái lại nó luôn tiềm tàng nguy cơ gây cháy cao. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng.

Chăn điện và túi sưởi ấm

Với thời tiết bắt đầu trở lạnh như hiện tại, nhiều người đã tìm đến các loại túi giữ nhiệt cho người già và trẻ em như một biện pháp hữu hiệu. Cấu tạo của các loại túi sưởi bao gồm cực điện làm nóng, rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60 - 70 độ...

Kỹ sư điện Lê Thế Cường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, giống như nhiều đồ điện khác, túi sưởi hay chăn điện đều có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đặc biệt là những người thiếu hiểu biết về các đồ dùng điện. Nguy hại lớn nhất khi dùng túi sưởi ấm đó là túi có thể phát nổ, gây bỏng cho người dùng.

Ngoài ra, nói về mối hiểm họa của túi sưởi, KS Nguyễn Huy Bạo - Nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự - cũng cho biết thêm, túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết của người sử dụng về nó… Trong quá trình sử dụng, không ít người vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập. Có người vì lạnh vùng lưng liền đặt túi sưởi xuống giường, nằm đè cả người nên rất dễ bục, vỡ túi sưởi gây bỏng.

Do vậy, để đảm bảo an toàn khi nạp điện, người sử dụng cần để túi sưởi ở xa trẻ nhỏ, và cần thường xuyên kiểm tra rơle. Trước khi cắm điện hay sạc pin cho túi sưởi, bạn cũng cần kiểm tra xem túi có bị rách mép, rò rỉ nước hay không. Các chuyên gia lưu ý bạn là tuyệt đối không được sử dụng túi sưởi khi đang sạc pin. Đồng thời không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không ngồi hay dùng vật nặng đè lên túi. Trong trường hợp túi bị rò rỉ thì tuyệt đối không được sử dụng để tránh gây nguy hiểm tính mạng.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-dong-cu-suoi-am-theo-cach-nay-ma-khong-luu-y-co-ngay-mat-mang-a212771.html