Năm 2018, làn sóng thoái vốn Nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ


Thứ 2, 19/02/2018 | 12:09


Cùng sự kiện

Làn sóng thoái vốn Nhà nước trong năm 2018 sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhờ những chính sách kinh tế hỗ trợ và dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Làn sóng thoái vốn Nhà nước trong năm 2018 sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhờ những chính sách kinh tế hỗ trợ và dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Theo giới phân tích và lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ trong việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, đặc biệt dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán đang tăng lên nhanh chóng là những nhân tố thuận lợi để tiếp tục tạo nên những thương vụ thoái vốn thành công và thúc đẩy làn sóng IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong năm 2018.

Năm cao điểm cổ phần hóa và thoái vốn

Theo kế hoạch, năm 2018, sẽ có thêm 181 doanh nghiệp Nhà nước được tiến hành thoái vốn với số tiền dự kiến thu về rất lớn. Cụ thể, ngay trong quý I/2018, việc thoái vốn nhà nước được thực hiện tại 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil).

Tin tức - Năm 2018, làn sóng thoái vốn Nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ

Làn sóng thoái vốn nhà nước. Ảnh minh hoạ: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN.

 Trong danh sách 181 doanh nghiệp thoái vốn năm 2018 sẽ có một số doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Cao su Việt Nam vốn điều lệ khoảng 50.000 tỷ đồng, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước  (SCIC)…

Thực tế, đợt IPO được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất trong những ngày đầu năm 2018 là của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chính thức diễn ra tại Sở giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) vào ngày 17/1. 

Phiên đấu giá của BSR có 4.079 nhà đầu tư; trong đó có 48 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 67 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, 7 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, còn lại 3.957 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Đây cũng là phiên IPO ghi nhận về số lượng người đăng ký đấu giá cao kỷ lục với khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán, tương đương 651.789.522 cổ phần.

Kết thúc phiên đấu giá, mức giá trúng bình quân lên đến 23.043 tỷ đồng, cao hơn 57,8% giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phiếu Lọc dầu Dung Quất bán được 5.566 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi con số dự kiến.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cho biết, năm 2018, SCIC sẽ tiếp tục triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2020.

Một số trường hợp chưa kịp thoái vốn trong năm 2017, SCIC sẽ tiếp tục triển khai thoái vốn các doanh nghiệp này vào Quý I/ 2018.

Theo ông Chi, năm 2018 - 2019 là giai đoạn cao điểm trong việc cổ phần hóa và thoái vốn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là duy trì sự phát triển ổn định của thị trường để hỗ trợ cho việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có những quy định để có thể sử dụng một cách linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động thoái vốn nhà nước.

Thời điểm tốt nhất để cổ phần hóa và thoái vốn

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TS. Vũ Bằng cho rằng, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua dẫn tới tâm lý lạc quan, phấn khởi cho nhà đầu tư.

“Tôi nghĩ lúc này là thời điểm thuận lợi nhất để nhà nước thu được tiền và hút được dòng vốn nước ngoài từ thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước”, ông Bằng nói. 

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, vấn đề của thị trường là lòng tin dài hạn, có lòng tin thị trường mới có nhiều cơ hội phát triển. 

Thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ từ quyết tâm của Chính phủ trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng đến dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới đều rất khả quan. Đặc biệt dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán năm qua đã tăng lên rất nhiều, vì vậy sức cầu hiện nay trên thị trường chứng khoán là rất tốt. 

“Nếu chúng ta liên tưởng lại những đợt tăng của trước đây, như đợt tăng của thị trường chứng khoán những năm 2006- 2007 thì rõ ràng là đợt tăng này bền vững hơn rất nhiều, cả về phương diện dòng vốn và phương diện nền kinh tế vĩ mô”, ông Dũng cho biết. 

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là thời điểm tốt nhất để cổ phần hoá, thoái vốn và cần tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước bởi hiện nay dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán còn rất nhiều tiềm năng.

Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chưa bao giờ hết quan tâm đến thị trường Việt Nam, vấn đề là họ chọn thời điểm để đầu tư.  

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam vẫn được diễn ra liên tục trong giai đoạn 2013 đến 2017, nhưng có thời điểm sôi động, có thời điểm lắng xuống. Sự sôi động này phụ thuộc rất lớn vào các chính sách điều hành của Chính phủ cũng như các chính sách đi kèm đối với quá trình cổ phần hóa. 

Đến thời điểm này, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, quy mô của các tập đoàn vốn đã đủ lớn để tạo nên sự hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một yếu tố khác là tài sản được đem ra bán cụ thể, cổ phần của các doanh nghiệp thoái vốn từ năm 2017 đến năm 2020 phần lớn là của những doanh nghiệp rất tốt. 

Ông Trần Lê Minh cho biết: "Trước đây việc bán vốn của Vinamilk chỉ thực hiện phần nhỏ bởi chúng ta rất quan tâm đến việc giữ thương hiệu cho quốc gia, hay giữ nền tảng tốt cho quốc gia. Nhưng đến thời điểm này có những định hướng rõ ràng hơn rất nhiều. Ví dụ Chính phủ sẽ không giữ công ty sản xuất sữa hay công ty sản xuất bia, dẫn đến việc là phương án bán và quy mô của đợt bán có những thay đổi tích cực".

Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt Nhữ Đình Hòa cho rằng, năm 2017, câu chuyện thoái vốn và huy động vốn cho các công ty niêm yết ghi dấu thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều văn bản pháp lý quy định phương thức thoái vốn nhà nước chưa thống nhất. Ông Hòa đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có nghiên cứu thống nhất để cùng quy về một khuôn khổ, phương pháp thoái vốn, để các vụ bán vốn năm 2018 được thông suốt hơn, chuẩn mực hơn, giảm áp lực cho đơn vị tư vấn và đơn vị sở hữu vốn.

Theo BNEWS/TTXVN

 

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-2018-lan-song-thoai-von-nha-nuoc-se-dien-ra-manh-me-a220048.html