Nâng điểm để “đánh trượt” thí sinh: Đã trúng tuyển nguyện vọng khác


Thứ 7, 11/08/2018 | 07:00


Cùng sự kiện

Sau khi bị “đánh trượt” NV1, các nguyện vọng tiếp theo của em Linh đã tiếp tục được xét và điều vui mừng là em đã trúng tuyển nguyện vọng 3 trường CĐSP Gia Lai.

Theo thông tin báo Người Đưa Tin nắm được, sau khi bị “đánh trượt” NV1 em đã đỗ NV3 vào Giáo dục Tiểu học của chính trường CĐSP Gia Lai.

Sáng 11/8, thông tin tới báo Người Đưa Tin, TS. Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cho biết: “Khi bị trượt ở nguyện vọng 1 (ngành Sư phạm Ngữ văn), các nguyện vọng tiếp theo của em Linh đã tiếp tục được xét trên hệ thống và điều vui mừng là em đã trúng tuyển nguyện vọng 3 vào ngành Giáo dục Tiểu học của trường CĐSP Gia Lai”.

“Nhà trường chưa biết em có nhập học theo nguyện vọng 3 hay không nhưng em đã trúng tuyển. Nhà trường cũng mong mọi người nhìn đủ các góc độ để hiểu giúp quyết định tình thế này”, ông Chiến nói.

Cũng theo ông Chiến, thông tin trên hệ thống tuyển sinh chưa đủ để liên lạc với thí sinh, nhà trường chỉ biết em đó tên là Linh, dân tộc Bana, điểm thi là 19,75 cộng với 2,75 điểm ưu tiên người đồng bào dân tộc thiểu số nên điểm xét tuyển là 22,5 điểm.

Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

“Quy định của bộ GD&ĐT về sĩ số tối thiểu cho một lớp của trường là 20 em. Như vậy nếu tuyển 1 em thì sẽ không thể tổ chức lớp đào tạo. Một số ý kiến cho rằng có thể gửi sang trường khác, thuộc tỉnh khác nhưng các trường tương tự cũng chỉ tuyển học sinh thuộc địa phương, mặt khác do không liên lạc được với học sinh, cũng không biết em có chấp nhận hay không.

Nếu để trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ văn của trường thì theo quy định của bộ GD&ĐT, tất cả các nguyện vọng còn lại của em Linh sẽ "bị khoá" và em sẽ vào trường mà không có lớp để học”, ông Chiến bộc bạch.

“Bởi vậy, trường đã buộc phải nâng điểm chuẩn tuyển ngành Ngữ văn để em còn có hy vọng trúng tuyển các nguyện vọng còn lại. Quyền lợi quan trọng nhất của em Linh là được học theo nguyện vọng đã chọn của mình, chứ không phải trúng tuyển một cách hình thức. Mặc dù quyết định làm em trượt nguyện vọng 1 cũng tạo nên tâm lý không tốt cho em. Nhưng sau này em sẽ hiểu thêm về quyết định của trường”, vị Hiệu trưởng giải thích.

Cuối cùng, ông Chiến nói: “Tất nhiên cách giải thích của trường dễ tạo ra cảm giác sự thiếu nhân văn khi quyết định. Đây chỉ là giải pháp tình thế của trường tối ưu nhất trong thời điểm đó cho cả trường và em Linh”.

Liên quan đến việc này, đại diện Vụ giáo dục Đại học, bộ GD&ĐT cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được báo cáo từ nhà trường, tuy nhiên qua báo chí tôi hiểu rằng khi có 1 người đỗ không thể tổ chức lớp được để dạy trong suốt 4 năm được”.

Câu chuyện các trường cao đẳng Sư phạm tại các địa phương vài năm trở lại đây không thể tuyển sinh hoặc số lượng thấp cũng là một bài toán với các địa phương. Về vấn đề này, vị này cho hay: “Các địa phương chủ quản của các trường phải có đường lối cho các trường để thay đổi theo chủ trương sắp tới quy hoạch mạng lưới, nâng chuẩn giáo viên. Vài năm gần đây hệ thống cao đẳng nhiều trường cũng đã phải chuyển đổi đa ngành không chỉ riêng sư phạm nữa, hoặc là hợp nhất, sáp nhập”.

Lê Thống Nhất - Công Luân

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nang-diem-de-danh-truot-thi-sinh-da-trung-tuyen-nguyen-vong-khac-a239827.html