Ngoài "Phía trước là bầu trời", còn những phim Việt nào từng hot một thời?


Thứ 6, 04/05/2018 | 09:25


Không chỉ "Phía trước là bầu trời", người hâm mộ cũng một thời "điên đảo" vì những bộ phim truyền hình siêu hot dưới đây.

Không chỉ "Phía trước là bầu trời", người hâm mộ cũng một thời "điên đảo" vì những bộ phim truyền hình siêu hot dưới đây.

Hoa cỏ may

"Hoa cỏ may" là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được ra mắt công chúng vào năm 2001. Đây cũng là lần đầu chạm ngõ điện ảnh của Hồ Ngọc Hà, Hải Anh, Quyết Thắng và Vi Cầm.

Ra mắt đình đám vào năm 2001, bộ phim trở thành hiện tượng trên màn ảnh Việt, “Hoa cỏ may” gồm 2 phần: “Thời niên thiếu” gồm 4 tập và “Những ngày bình yên” gồm 8 tập. Phim kể lại câu chuyện của một nhóm bạn trẻ lớn lên trong thời bao cấp, 7 người bạn thân lập nhóm là Hà Nội Tụ Nghĩa.

Phim không chỉ để lại cho người xem ấn tượng về nội dung đậm tính nhân văn mà còn đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Bộ phim cũng là một bước đệm lớn cho dàn diễn viên tham gia trong con đường nghệ thuật của mỗi người.

Hơn 10 năm sau thành công vang dội của Hoa quả may, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã quyết định bắt tay sản xuất phần 3 của bộ phim đình đám này. Bởi phần 2 (khép lại từ năm 2001) Hoa cỏ may đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả truyền hình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ 8X nên phần 3 của bộ phim càng được nhiều người mong đợi.

Dù vẫn có sự tiếp nối với hai phần trước nhưng nội dung của Hoa cỏ may phần 3 đã có ít nhiều thay đổi. Theo đó, toàn bộ tuyến nhân vật nữ của bộ phim được làm mới, chỉ giữ nguyên tuyến nhân vật nam. Bên cạnh sự xuất hiện của những tên tuổi đã gắn liền với khán giả như nghệ sĩ Trung Anh, Hải Anh… phim còn có sự góp mặt của những tên tuổi mới, trẻ trung và rất năng động như Lương Giang, Hạnh Sino…

Đáng tiếc bộ phim không có được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả như kỳ vọng. Hầu hết đều cho rằng nội dung phần 3 của "Hoa cỏ may" rời rạc, lan man, câu chuyện phim rất phức tạp và khó hiểu. Đó là chưa kể, các nhiều tình tiết phim thiếu logic, khá phi lý, không ăn nhập với nội dung hai phần trước.

Những ngọn nến trong đêm

Năm 2002, bộ phim “Những ngọn nến trong đêm” thu hút rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ với nội dung hay, sâu sắc về thế giới của những người mẫu cùng dàn viên được đánh giá cao.

Đây là bộ phim được thực hiện bởi ba đạo diễn Đỗ Đức Thành, Vũ Hồng Sơn và Mai Hồng Phong.

Bộ phim xoay quanh cuộc sống của Trúc - cô gái hiền lành có niềm đam mê thiết kế thời trang nhưng trượt đại học. Sau khi được nhận vào một đoàn nghệ thuật, Trúc trở thành người mẫu và có nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới thời trang. Xinh đẹp, tài năng và chịu khó, Trúc bị nhiều người ghen ghét.

Chuyện tình cảm của cô cũng gặp nhiều trắc trở khi cuộc hôn nhân đầu với Văn (Bá Anh đóng) bị gia đình chồng cấm cản và tình yêu sau này với Quốc (Quyết Thắng đóng) cũng bị nhiều người rắp tâm phá hoại. Thủ vai nữ chính, Mai Thu Huyền nhanh chóng vụt sáng trở thành một trong những diễn viên truyền hình được chú ý nhất sau khi phim lên sóng.

Thành công ngoài mong đợi của bộ phim “Những ngọn nến trong đêm” đã khiến diễn viên Mai Thu Huyền lên ý tưởng khởi động tiếp phần 2 vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, cũng như "Hoa cỏ may 3", "Những ngọn nến trong đêm" phần 2 không nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.

Gió qua miền tối sáng

“Gió qua miền tối sáng” là bộ phim do đạo diễn Phạm Thanh Phong thực hiện năm 1998 nhằm mục đích tuyên truyền về cách phòng chống HIV/AIDS. Tuy thể loại phim tuyên truyền khá khô khan nhưng các tác giả đã đan cài vào đó nhiều câu chuyện, nhiều số phận rất chân thực, cảm động. Vì thế, thông điệp của phim đi vào lòng người nhẹ nhàng, dễ chịu và có sức thuyết phục.

Thành công của bộ phim đến từ dàn diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ, nội dung phim mới mẻ và lấy trực tiếp giọng thoại của diễn viên. Có thể kể đến những ngôi sao góp mặt trong phim như Lê Tuấn Anh, Minh Hòa, Trọng Trinh, Phương Thanh...

Sau 19 năm, dàn diễn viên mỗi người một nơi, có người đã rút lui vào hậu trường, người đã thành danh trong sự nghiệp và cũng có người gặp scandal đầy sóng gió. Mỗi người hiện nay đều có ngã rẽ cho riêng mình.

Sóng ở đáy sông

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu, phim truyền hình "Sóng ở đáy sông" thu hút sự quan tâm của khán giả. Bộ phim được sản xuất năm 1998 - 1999 và ra mắt năm 2000, kể về cuộc đời chàng trai tên Phạm Quang Núi.

Núi vốn là con của một người vợ lẽ và bản thân mẹ cậu nguyên là một người ở trong một gia đình tư sản thời cũ. Từ nhỏ Núi và hai em (Sông và Biển) không được bố cậu chấp nhận là con, bốn mẹ con chỉ được ăn cơm thừa canh cặn, bố Núi luôn tìm cách để tống khứ bốn người ra khỏi nhà, khi chiến tranh nổ ra, lợi dụng việc di tản của thành phố, ông ta đã gửi ba anh em về bên ngoại. Cậu học ở quê ngoại và được đi thi học sinh giỏi.

Ở quê ngoại, cậu có một mối tình đầu với một cô gái có họ rất xa tên Hiền và cô ấy có thai, sau khi gia đình phát hiện sự việc, người yêu Núi đã bỏ đi nơi khác. Sau khi mẹ mất, bố bỏ rơi, mấy anh em hết kế sinh nhai, Núi trở thành kẻ cắp và phải đi tù nhiều lần, phải sống trong kiếp giang hồ. Sau cùng, khi gặp lại mối tình thời xưa thì Núi đã được cảm hóa và trở lại chính mình.

Quả thật không ngoa khi đánh giá Sóng ở đáy sông là “bom tấn” của năm 2000. Đến tận bây giờ, sau 14 năm, khi được upload lại trên YouTube, Sóng ở đáy sông vẫn thu hút hàng ngàn lượt xem và được các bạn trẻ đánh giá là một bộ phim Việt hay và "thật" hiếm có.

Vai Núi do NSƯT Xuân Bắc hóa thân. Khi ấy anh mới tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trong Sóng ở đáy sông, diễn xuất của Xuân Bắc rất linh hoạt, thể hiện trọn vẹn một Núi với tâm lý phức tạp, thay đổi theo thời gian. Dù là một Núi 17 tuổi ngây ngô, khờ dại; Núi thời thanh niên giang hồ, “hổ báo”; Núi tuổi trung niên trải đời, đằm tính, Xuân Bắc đều diễn tả rất đạt.

Đất phương Nam

"Đất phương Nam" chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất năm 1997 trên chất liệu băng từ VHS, nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc là giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật.

Bộ phim do nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và viết kịch bản nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bộ phim dài tập thứ hai do TFS sản xuất, sau phim Người đẹp Tây Đô, và được xem là thử nghiệm thành công nhất của hãng trong việc sản xuất phim truyền hình nhiều tập, là một trong những phim truyền hình chuyển thể thành công từ tác phẩm văn học. "Đất phương Nam" cũng là phim dài tập đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và được đón nhận đông đảo.

Phim lấy bối cảnh Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị. Bộ phim là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc. Mỗi số phận, mỗi cảnh đời trong từng trang tiểu thuyết đã bước ra bằng xương, bằng thịt trở thành những nhân vật trong phim.

Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Giữa đất trời mênh mông nhưng các người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai; được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.

Bộ phim khắc họa những chi tiết nhỏ và đặc sắc về từng mảnh đời và số phận người dân, bao gồm cảnh cô bé chờ mẹ vào từng đêm trăng rằm, cảnh cô đào hát vở Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà rồi tự tử, cảnh hạnh phúc ngắn ngủi của gia đình Mười Chức, cảnh một ngọn lửa đôi đèn tân hôn tắt báo hiệu điềm không lành cho sự hi sinh sắp tới của cô dâu Út Trọng,...

Điểm khác biệt so với truyện của Đoàn Giỏi là ở cuối phim, cả hai nhân vật An và người bạn đường Cò của cậu đều đi theo cách mạng (thay vì chỉ nhân vật An như trong truyện).

Đồng tiền xương máu

Bộ phim truyền hình kinh điển “Đồng tiền xương máu” khi được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đã tạo nên tiếng vang mà không phải bộ phim nào cũng có thể đạt được.

Diễn viên phim Đồng tiền xương máu như Quyền Linh, Trương Ngọc Ánh, Chi Bảo, và Cát Tường nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả bởi cách diễn chân thực và tự nhiên khi bộ phim lên sóng vào năm 1998.

"Đồng tiền xương máu" xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Khải với ba người con. Ông Khải (NSND Lâm Tới) vốn cổ hủ, hà khắc không tán thành những gì mới mà luôn theo nguyên tắc cũ. Còn Toàn (Chi Bảo) - con trai cả của ông Khải lại bỏ nhà máy của bố để thành lập công ty với mong muốn giàu có. Sau đó vì thất bại trong kinh doanh nên anh đã kết hôn với Yến, một người phụ nữ đầy âm mưu thủ đoạn (Cát Tường đóng). Cuối cùng, Toàn vào tù, hôn nhân không tình yêu đổ vỡ và mang trong lòng sự ân hận về cuộc tình cũ.

Em gái của Toàn, Lan Anh (Trương Ngọc Ánh) lại là một cô gái cá tính và bản lĩnh, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang để đi theo anh chàng kỹ sư Huy (Quyền Linh) nghèo khó.

Lan Anh và Huy còn tự tổ chức cưới và lập nghiệp ở Buôn Mê Thuột. Sau những năm tháng cố gắng, vợ chồng cô cũng có sự nghiệp riêng của mình. Tiếc là, chẳng bao lâu sau, gia đình lại gặp sóng gió, và hôn nhân suýt đổ vỡ.

Vi An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoai-phia-truoc-la-bau-troi-con-nhung-phim-viet-nao-tung-hot-mot-thoi-a228523.html