Những điều gì bị cấm được nêu rõ trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi?


Thứ 5, 14/12/2017 | 08:42


Cùng sự kiện

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, theo Bộ Y tế, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung đối với Luật khám bệnh, chữa bệnh

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, theo Bộ Y tế, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung đối với Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang được Bộ Y tế đề nghị xây dựng. Người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác.

Cũng liên quan đến nội dung này, dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi ghi rõ, người bệnh có nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời chấp hành và yêu cầu người nhà của mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng nêu rõ việc ưu tiên bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân. Quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng, trẻ em, người nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đây là một trong những chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Nhân viên y tế nhiều lần bị hành hung.

Đồng thời, Dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi nêu rõ các hành vi bị cấm như sau:

1. Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh.

2. Khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

3. Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.

4. Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.

5. Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền.

6. Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh.

7. Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh.

8. Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.

9. Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh.

10. Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh.

11. Gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề.

12. Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc.

13. Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

14. Đưa, nhận hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.

15. Người bệnh hoặc người nhà người bệnh đập phá tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức, thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí.

Bộ Y tế đề nghị xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với mục tiêu tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dieu-gi-bi-cam-duoc-neu-ro-trong-du-thao-luat-kham-chua-benh-sua-doi-a212928.html