Người Việt sính ô tô ngoại đang bị “móc túi” công khai


Chủ nhật, 10/09/2017 | 07:06


Cùng sự kiện

Là người Việt đầu tiên ôm mộng sản xuất ô tô nội địa nhưng thất bại cách đây 5 năm, ông chủ Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên tin tưởng rằng lần này tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tị

Là người Việt đầu tiên ôm mộng sản xuất ô tô nội địa nhưng thất bại cách đây 5 năm, ông chủ Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên tin tưởng rằng lần này tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup sẽ thành công với thương hiệu ô tô Việt mang tên Vinfast.

Ngày 2/9/2017, tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast. Nếu thành công thì đây sẽ là thương hiệu ô tô đầu tiên do người Việt Nam sản xuất. Chứng kiến sự kiện nói trên, sau những ồn ào của truyền thông vừa thán phục lẫn nghi ngại, người ta lại nhớ về ông già đam mê ô tô và giấc mộng ô tô Việt mang tên VG 5 năm về trước – ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki).

Ông Bùi Ngọc Huyên đã dành cho PV báo Người Đưa Tin cuộc trao đổi khá thú vị về giấc mơ ô tô Việt dang dở của mình cùng với những nhận định lạc quan về thương hiệu ô tô Vinfast.

Tin tức - Người Việt sính ô tô ngoại đang bị “móc túi” công khai

Ông Bùi Ngọc Huyên.

Thưa ông, là người đam mê ô tô, từng phá sản vì ôm mộng sản xuất ô tô Việt, ông nhận định thế nào về triển vọng của thương hiệu ô tô Việt Nam mang tên Vinfast mà tập đoàn Vingroup vừa khởi động sản xuất?

Tôi tin họ sẽ thành công. Bây giờ làm công nghiệp ô tô  thế hệ thứ ba, thứ tư không có gì khó cả, trừ xe cao cấp còn các xe đời một chấm, hai chấm người Việt Nam thừa sức làm. Cứ mua công nghệ cao là làm được. Theo tôi, Vinfast có mấy cái thuận lợi sau đây:

Thứ nhất là họ vay được ngân hàng Thụy Sỹ 800 triệu USD trong thời gian 20 năm. Số tiền lớn trong thời gian dài như vậy trước hết cho họ sự ổn định, chủ động về nguồn vốn. Với số tiền đó họ có thể mua được công nghệ, thuê được nhân công nước ngoài để làm.

Thứ hai là thời điểm này, chính sách kinh tế của Việt Nam sau khủng hoảng đã khác trước. Thời kỳ tôi làm năm 2008, 2009 khủng hoảng kinh tế, ngân hàng hỗn loạn, như bây giờ chúng ta thấy nhiều vụ án ngân hàng đang xử đều thuộc giai đoạn khủng hoảng đó. Hiện nay, chúng ta đang chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng rất mạnh mẽ, do đó các chính sách kinh tế tài chính cũng ưu việt hơn trước nhiều.

Thuận lợi thứ ba là Vingroup  được Hải Phòng ưu đãi cho đất dự án, địa điểm nhà máy ở Đình Vũ - Cát Hải theo tôi rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông đánh giá như thế nào về phân khúc thị trường ô tô Việt Nam hiện nay?

Ở các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và ASEAN là các nước gần gũi với chúng ta, thị trường ô tô chia làm các phân khúc: Loại xe đặc biệt sang cho người siêu giàu, xe sang, xe bình thường và xe giá rẻ.

Tại nhiều nước, đặc biệt như Ấn Độ, Thái Lan, thậm chí nước giàu như Nhật Bản, người ta vẫn đi xe giá rẻ là chủ yếu. Trong khi đó tại Việt Nam, phân khúc thị trường xe giá rẻ gần như chưa có. Một chiếc KIA Morning hay Hyundai I10 trước bán đến 420 triệu đồng và bây giờ sau nhiều lần giảm giá còn 350 triệu đồng thì đâu phải giá rẻ. Tôi là kỹ sư, chuyên viên cao cấp chuyên ngành ô tô của bộ Giao thông Vận tải, rồi 50 tuổi tôi mới ra làm doanh nghiệp. Tôi biết xe động cơ 1 chấm; 1,1 chấm như hai chiếc kia thì phải dưới 200 triệu đồng cả thuế đầy đủ.

Ở các nước, người nghèo cũng mua được ô tô còn ở ta nghèo có khi còn chưa đủ ăn chứ nói gì đến mua ô tô. Bây giờ khi thời điểm ngày 1/1/2018 đã cận kề, thuế suất nhập khẩu xe từ ASEAN chuẩn bị bằng 0, xe của các nước ASEAN chuẩn bị vào thì các vị mới hạ giá, tuy nhiên giá này vẫn còn cao. Theo tôi Việt Nam chưa có ô tô giá rẻ vì nhiều năm qua chúng ta buông lỏng về giá, ở các địa phương bán càng cao càng thu được nhiều thuế, do đó người tiêu dùng chưa được sử dụng xe giá rẻ. Người tiêu dùng xe hơi ở Việt Nam vẫn đang bị “móc túi” vì thuế cao và phải trả khoảng 20% tiền cho thương hiệu.

Ông có nghĩ Vingroup bắt tay vào sản xuất ô tô nội thời điểm này, khi mà xe nhập khẩu từ ASEAN sắp được miễn thuế sẽ là một áp lực đối với họ không?

Nhiều người tiêu dùng ô tô Việt Nam hiện nay không đánh giá được đúng giá trị của nó. Họ vẫn bị tâm lý đám đông, sính ngoại chi phối, do đó có một thực tế là xe nào càng quảng cáo nhiều thì càng bán chạy. Từ 1/1/2018 xe vào đây thuế suất bằng 0. Ví dụ, hai dòng xe tôi vừa kể, nếu bán hơn 300 triệu đồng thì không ai mua vì Toyota cũng sắp đưa xe động cơ 1 chấm, 1,1 chấm giá rẻ vào. Theo dự báo của tôi đến thời điểm này, ô tô sẽ còn hạ giá ít nhất 20% nữa.

Tôi nghĩ dần dần Việt Nam ngày càng nhiều người không có tiền để mua xe sang và cũng không quan trọng thương hiệu nổi tiếng, họ sẽ đón nhận xe nội địa để phục vụ các nhu cầu đi lại thiết yếu hàng ngày.

Ông có thể chia sẻ về lý do sản phẩm xe VG của Vinaxuki thất bại 5 năm trước không?

Tôi đam mê ô tô và mong muốn tự mình sản xuất được xe giá rẻ cho người Việt. Tôi làm 2 đề tài quốc gia được các nhà khoa học đánh giá là giỏi với kết quả 9 điểm và 8,74 điểm. Tôi đầu tư toàn thiết bị hiện đại đời 3, đời 4, máy móc tự động. Ba chiếc xe con đầu tiên tôi thiết kế đã nội địa hóa được 50%, động cơ vẫn lắp của Nhật nên rất ổn định, chắc chắn.

Thế nhưng khi mang cho ngân hàng thẩm định họ lại đi hỏi mấy công ty đang nhập khẩu và lắp ráp. Mấy công ty này tham mưu cho ngân hàng rằng Vinaxuki nội địa ô tô là không hiệu quả, chỉ nên lắp ráp thôi, đợi 2018 thuế nhập khẩu ô tô về 0% thì nhập về bán (nhưng đến bây giờ họ lại bắt đầu làm theo tôi cách đây 5-7 năm: Nội địa hóa thân vỏ xe).

Sau đó tôi không may mắn do gặp phải khủng hoảng kinh tế. Tôi vay có mấy chục triệu đô nhưng ngân hàng cầm vượt quy định về tài sản thế chấp rồi cắt vốn lưu động. Tôi mang hồ sơ tài sản thế chấp hết rồi họ mang bán nợ xấu và không cho vay nữa. Thời điểm đó thị trường ô tô ngừng trệ, lãi suất ngân hàng quá cao và năm 2011, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ. Chính tâm lý chuộng hàng ngoại và thói quen bài xích cái mới của người Việt đã ngăn cản tôi thành công.

Ông có ý định quay lại thực hiện ước mơ đó trong tương lai hay không?

Năm vừa rồi Chính phủ phân công bộ Kế hoạch & Đầu tư xuống chỗ tôi khảo sát. Cuối tháng Tư vừa rồi Thứ trưởng bộ KH&ĐT dẫn một đoàn cán bộ cấp vụ xuống, họ cũng ủng hộ tôi và đề nghị Chính phủ  tái cơ cấu: Khoanh nợ lại và cho vay vốn lưu động để phục hồi nhà máy nhưng đến bây giờ chưa thấy có câu trả lời.

Xin cảm ơn ông!

Bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 107

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-viet-sinh-o-to-ngoai-dang-bi-moc-tui-cong-khai-a201177.html