Những điểm mới đáng chú ý dự kiến áp dụng trong kỳ tuyển sinh đại học 2019


Thứ 4, 13/02/2019 | 02:33


Cùng sự kiện

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh Đại học hệ chính quy; tuyển sinh Cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy...

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh Đại học hệ chính quy; tuyển sinh Cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy... với nhiều điểm mới.

Trường thi riêng phải có đề minh họa

Theo Dự thảo, các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (gọi chung là các trường đặc thù) phải xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển.

Trường cũng phải công bố thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển. Với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt phải công bố phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học 2019 có nhiều điểm mới - Ảnh: Minh họa

Điều chỉnh chính sách ưu tiên với học sinh thuộc xã khó khăn

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về chính sách ưu tiên theo khu vực. Theo đó, học sinh thuộc các thôn, xã khó khăn sẽ không hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú như các năm trước đây. Việc xác định khu vực hưởng ưu tiên sẽ phụ thuộc vào địa điểm học của thí sinh.

Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc trong thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm tuyển sinh.
Quy định cụ thể hơn chính sách ưu tiên cho quân nhân

Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn chính sách ưu tiên với đối tượng quân nhân. Quy chế tuyển sinh đại học năm 2018 quy định "Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ”.

Dự thảo mới bổ sung thêm: "Nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn”.

Ngành y có điểm sàn riêng

Một điểm mới quan trọng khác trong Dự thảo là việc Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Trong năm 2018, việc đặt ngưỡng điểm đầu vào chỉ được áp dụng với khối ngành sư phạm. Như vậy, trong mùa tuyển sinh năm 2019, sẽ có 2 nhóm ngành được Bộ quy định ngưỡng điểm đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Tuyển sinh Đại học năm 2019 ngành sức khỏe dự kiến có điểm sàn riêng - Ảnh: Minh họa

Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Trình độ Cao đẳng, Trung cấp sư phạm, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ Đại học, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.

Thay đổi trong khâu coi và chấm thi

Một trong những điều chỉnh của Dự thảo quy chế thi là không bố trí thí sinh tự do ngồi riêng. Thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với thí sinh giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD&ĐT quyết định.

Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi (không phân biệt thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên…) được thực hiện theo quy định.

Về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, theo Dự thảo, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải bảo đảm chắc chắn, được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm là người của trường ĐH, CĐ phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.

Khi mở niêm phong, phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong, biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của trường điểm thi và những người chứng kiến.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này. Có ít nhất một công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.

Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH. Trưởng ban điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi.

Theo Dự thảo, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-diem-moi-dang-chu-y-du-kien-ap-dung-trong-ky-tuyen-sinh-dai-hoc-2019-a262714.html