Những nhân vật phản diện "khét tiếng" trong phim kiếm hiệp Kim Dung


Thứ 2, 16/07/2018 | 13:04


Cùng sự kiện

Sự độc ác và cá tính khác biệt của những nhân vật phản diện này khiến người xem khó lòng quên nổi họ mỗi khi nhắc tới phim kiếm hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.

Sự độc ác và cá tính khác biệt của những nhân vật phản diện này khiến người xem khó lòng quên nổi họ mỗi khi nhắc tới phim kiếm hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.

"Xích Luyện Tiên Tử" Lý Mạc Sầu

Lý Mạc Sầu thực sự là một trong những nhân vật phản diện ấn tượng nhất của Kim Dung với câu nói nổi tiếng: "Hỏi thế gian tình là chi?".

Lý Mạc Sầu là đệ tử đời thứ ba của phái Cổ Mộ, là sư tỷ của Tiểu Long Nữ, là một con người rất xinh đẹp nhưng tàn độc với công phu Ngũ độc thần chưởng (còn gọi là Xích luyện thần chưởng) và Băng phách ngân châm. Lý Mạc Sầu hay cưỡi một con lừa hoa mà trên cổ có đeo một chiếc chuông có thể phát ra tiếng nhạc.

Thời trẻ, Lý Mạc Sầu xinh đẹp, tính khí lạnh lùng, đã từng yêu say đắm Lục Triển Nguyên, vứt bỏ cả trinh bạch, lễ giáo, chấp nhận mang tiếng phản đồ nhưng sau đó Lục Triển Nguyên bội ước, lấy Hà Nguyên Quân làm vợ. Cuộc tình tan vỡ trong quá khứ đã khiến Lý Mạc Sầu trở thành một con người tàn nhẫn và độc ác.

Vì yêu sinh hận, Lý Mạc Sầu khiến vợ chồng Lục Triển Nguyên tự sát, tìm đến giết cả nhà Lục Lập Đỉnh (em trai của Lục Triển Nguyên) và tìm hai đứa bé là Lục Vô Song (con Lục Lập Đỉnh) và Trình Anh (chị họ của Lục Vô Song) để bắt, nhưng bị vợ chồng Võ Tam Thông cùng Hoàng Dược Sư ra tay ngăn cản. Lý Mạc Sầu đành để lại Trình Anh (sau này được Hoàng Dược Sư nhận làm đệ tử) và chỉ mang Lục Vô Song đi.

Tuy tên là Mạc Sầu (hết đau buồn) nhưng cuộc đời của nữ ma đầu xinh đẹp này chịu đau khổ vì vừa thèm khát vừa căm hận tình yêu. Qua các phiên bản Thần điêu đại hiệp, nhân vật Lý Mạc Sầu đã được nhiều diễn viên thể hiện nhưng hai cái tên để lại ấn tượng nhất là Tuyết Lê và Trương Hinh Dư.

"Ngụy quân tử" Nhạc Bất Quần

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Nhạc Bất Quần là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, sư phụ của nhân vật chính Lệnh Hồ Xung. Nhạc Bất Quần có ngoại hiệu là "Quân Tử Kiếm" nhưng kỳ thực lại là một kẻ ngụy quân tử. Trước mặt nhân sĩ võ lâm, hắn luôn miệng nói về nhân nghĩa lễ trí tín nhưng sau lưng lại ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn hòng chiếm đoạt Tịch Tà Kiếm Phổ của Lâm gia.

Về ngoại hình, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần là một "thư sinh có năm chòm râu dài, mặt đẹp như mặt ngọc, chính khí hiên ngang khiến người phải đem lòng ngưỡng mộ". Con người ấy đã trên sáu mươi tuổi nhưng nhờ tu luyện nội công nên nhìn qua, chỉ mới như cỡ bốn mươi. Cũng bởi ngoại hiệu của y là Quân tử kiếm cho nên không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai. Ngược với cái tên Nhạc Bất Quần (không chơi với ai), y kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái.

Về tài năng, con người ấy là sư tôn một danh môn, sở hữu bí kíp Tử Hà Thần Công thâm hậu, sáng lập ra một Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, học và thấm nhuần những tư tưởng của người quân tử trong triết học đạo Nho, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của chính phái, ghét tà phái và bọn tàn ác như kẻ cừu thù. Mỗi khi Nhạc Bất Quần xuất hiện trong phần đầu truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhà văn Kim Dung thường dùng hai chữ "tiên sinh" để ca ngợi Nhạc Bất Quần.

Thế nhưng, toàn bộ những hào quang trên đây chỉ là những điều trá nguỵ, giả tạo. Nhạc Bất Quần lợi dụng con gái mình là Nhạc Linh San làm con cờ để lấy lòng Lâm Bình Chi nhằm từng bước chiếm bộ Tịch Tà kiếm phổ. Nhạc Bất Quần luôn ẩn nhẫn tìm cách che dấu việc luyện tập Tịch Tà Kiếm Phổ, thậm chí ra tay giết chết Định Dật sư thái của phái Hằng Sơn khi bị bà bắt gặp đang luyện công. Bộ mặt thật của lão chỉ lộ ra khi sử ra môn võ Tịch Tà Kiếm Phổ âm hiểm đánh bại Tả Lãnh Thiền đoạt ngôi Chưởng môn Ngũ Nhạc phái.

Khi đạt được mục đích của mình, Nhạc Bất Quần trở mặt với vợ và con gái, khiến cả hai người phụ nữ trung thành và thương yêu lão nhất phải bỏ mạng. Nhạc Bất Quần quả xứng với danh hiệu "ngụy quân tử".

"Tây Độc" Âu Dương Phong

Xuất hiện trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp, Tây Độc Âu Dương Phong là chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, võ công rất cao, độc ác, nhiều mưu mô thủ đoạn. Với khả năng chế ra các loại thuốc độc không ai giải được, y bị người trong giang hồ gọi là Lão Độc Vật.

Tuyệt kỹ của y là Cáp Mô Công (một số tác giả dịch là Hà mô công và Lục chỉ cầm ma, Cáp mô hay Hà mô đều có nghĩa là con cóc, công phu này mô tả dáng vẻ của một con cóc nên được gọi là Cáp mô công). Âu Dương Phong thường dùng một cây gậy có thả hai con rắn độc ở đầu làm vũ khí, được gọi là xà trượng.

Âu Dương Phong được miêu tả là một người thô kệch, đầu đội khăn xanh như người Hồi, râu quai nón, da đen bóng, mắt to tròn. Sau lần Hoa Sơn luận kiếm thứ nhất, Âu Dương Phong được bầu vào Thiên hạ ngũ tuyệt, danh xưng là Tây Độc.

Mặc dù nổi tiếng độc ác, Âu Dương Phong lại là ông bố hết mực thương con trai Âu Dương Khắc (dù ngoài miệng gọi Âu Dương Khắc là cháu nhưng thực chất đó là con ruột của y sau khi tư thông với chị dâu) và con nuôi Dương Quá.

"Ác tăng" Thành Côn

Thành Côn là nhân vật đại diện cho tà ác, là con người mưu mô xảo quyệt, đê tiện và độc ác. Thành Côn có tâm nguyện muốn trở thành Võ Lâm Chí Tôn và làm vua.

Thời niên thiếu, Thành Côn có một mối tình thanh mai trúc mã với một sư muội nhưng cuối cùng lại bị giáo chú Minh Giáo đời thứ 33 là Dương Đỉnh Thiên cướp đoạt mất.

Tuy nhiên, sau khi thành hôn, Dương Đỉnh Thiên lại mải mê luyện Càn Khôn Đại Nã Di, không ngó ngàng đến vợ. Vì lẽ đó nên Dương phu nhân bí mật hẹn hò với Thành Côn sau lưng chồng. Cuối cùng Dương phu nhân lại có thai với Thành Côn.

Một lần Dương Đỉnh Thiên tình cờ phát hiện ra sự thật này, ông ta tức giận đến tẩu hỏa nhập ma rồi chết ngay tại chỗ. Dương Phu Nhân nhận ra mình có lỗi với chồng nên cũng tự vẫn theo mà chết. Chính từ đó, Thành Côn hận Minh Giáo đến tận xương tủy, thề nhất quyết phải tiêu diệt môn phái này.

Để gây tiếng xấu cho Minh Giáo, Thành Côn giết hại người nhà của đệ tử Tạ Tốn, vốn là Hộ Pháp của Minh Giáo. Tạ Tốn vì uất hận mà ra tay giết người bừa bãi trở thành kẻ thủ của giang hồ, còn bản thân trốn vào đầu quân phái Thiếu Lâm, pháp hiệu Viên Chân.

Sau này, Thành Côn xúi giục Lục phái vây đánh Quang Minh đỉnh và ngầm làm gián điệp cho triều đình Mông Cổ để bắt cóc hết các chưởng môn lục đại phái của võ lâm để hòng chiếm ngôi Minh Chủ. Tuy cuối cùng gian kế của hắn bị vạch trần, nhưng có thể nói trong suốt 30 năm, một tay Thành Côn đã gây ra thảm cảnh máu chảy đầu rơi khắp nơi, xứng đáng được xem là nhân vật gây nhiều tội ác nhất trong giới phản diện của Kim Dung.

"Ác Quán Mãn Doanh" (Kẻ ác nhất thiên hạ) Đoàn Diên Khánh

Đoàn Diên Khánh là nhân vật trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của Kim Dung. Nguyên là thái tử nước Đại Lý. Là con của Thượng Đức Hoàng đế Đoàn Liêm Nghĩa và là anh họ của Đoàn Thọ Huy (Thượng Minh Đế) Đoàn Chính Minh (Bảo Định Đế) và Đoàn Chính Thuần (Trấn Nam Vương), đồng thời là cha đẻ của Đoàn Dự.

Bị kẻ phản loạn Dương Nghĩa Trinh lật đổ nhưng may mắn trốn được, về sau luyện thành võ công, giết hết kẻ thù, trở thành Ác Quán Mãn Doanh (kẻ ác nhất thiên hạ), thu nạp thêm Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần, Vân Trung Hạc làm vây cánh, lập ra Tứ Đại Ác Nhân.

Là nhân vật đứng đầu Tứ Đại Ác Nhân trong Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Diên Khánh gây ấn tượng từ vẻ bề ngoài tàn tật dị hợm, người không ra người cũng không ra ma của mình. Diên Khánh vốn là Thái Tử của nước Đại Lý, nhưng vì gặp biến cố mà lưu lạc giang hồ. Sự tàn tật khiếm khuyết về ngoại hình đã biến hắn thành một kẻ thâm trầm âm hiểm.

Đoàn Diên Khánh (2003) do Kế Xuân Hoa đóng được coi là phiên bản thành công nhất về mặt ngoại hình lẫn diễn xuất. Bằng vẻ mặt trơ trơ nham hiểm, Kế Xuân Hoa gây khiếp sợ bởi ánh mắt hằn học và tiếng cười ghê rợn của mình mỗi khi xuất hiện.

Vi An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nhan-vat-phan-dien-khet-tieng-trong-phim-kiem-hiep-kim-dung-a236597.html