PGS. Bùi Hiền lần cuối sửa đổi cải cách chữ tiếng Việt


Thứ 4, 14/02/2018 | 08:23


Cùng sự kiện

Sáng 14/2 (29 Tết), PGS. TS Bùi Hiền cho biết ông vừa hoàn chỉnh bảng chữ tiếng Việt cải cách của mình với một chút thay đổi so với bản sửa cách đây hơn một tháng.

Sáng 14/2 (29 Tết), PGS. TS Bùi Hiền cho biết ông vừa hoàn chỉnh bảng chữ tiếng Việt cải cách của mình với một chút thay đổi so với bản sửa cách đây hơn một tháng.

Cụ thể, ông Hiền cho biết Công trình nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm tiếng Thủ đô Hà Nội, chứ không hề tác động vào hệ thống âm vị làm cho tiếng nói khác đi dẫn tới ý nghĩa lời nói cũng khác đi.

“Về chữ viết chúng tôi cũng giữ nguyên dạng hệ thống chữ cái La tinh, và chỉ tạo thêm 1 chữ cái mới để chỉ âm vị phụ âm “nhờ” mà trong bảng chữ La tinh không có. Đây chỉ thuần tuý cải tiến cách quy định cho những ước lệ mới giữa các chữ cái (kí tự) với các âm vị tương ứng để đảm bảo theo đúng nguyên tắc “ 1 âm – 1 chữ, 1 chữ - 1 âm” nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị, vốn là nguồn gốc của các lỗi chính tả như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph”, ông nói.

Tin tức - PGS. Bùi Hiền lần cuối sửa đổi cải cách chữ tiếng Việt

Âm "nhờ"  đã được thay đổi từ NH sang nn 

Theo ông Hiền, đây sẽ là bản sửa đổi cuối cùng của ông trước khi ông trình giới khoa học vào tháng 3 tới. Ông cho biết, có 2 nguyên tắc chung trong bảng chữ cái mới của ông. Thứ nhất, ông tạm thống nhất lấy tiếng thủ đô Hà Nội làm cơ sở ngữ âm cho việc xác định danh mục bảng chữ cái tiếng Việt (tiếng Kinh) vì tiếng Hà Nội là tiếng nói văn hoá thủ đô Hà Nội có hầu hết các âm vị cơ bản cùng với 6 thanh điệu chuẩn của tiếng Việt, nên mọi người Việt Nam đều nghe hiểu mà không gặp trở ngại gì lớn. Đây cũng là thông lệ của hầu hết các nước có nhiều phương ngữ lớn lựa chọn tiếng thủ đô làm tiếng chính thức cho cả nước.

Thứ 2, ông tuân thủ nguyên tắc của chữ viết biểu thị âm thanh (hay còn gọi chữ ghi âm), chứ không biểu đạt ý nghĩa (chữ ghi hình hoặc ghi ý), nên cần đảm bảo mỗi âm chỉ được biểu đạt bằng một chữ cái (kí tự), và ngược lại mỗi chữ cải chỉ được biểu đạt một âm tương ứng. Phương án tối ưu là loại bỏ hết các tập hợp 2-3 phụ âm cùng biểu thị một âm vị để tuân thủ triệt để nguyên tắc: 1 âm – 1 chữ.

Tin tức - PGS. Bùi Hiền lần cuối sửa đổi cải cách chữ tiếng Việt (Hình 2).

PGS. TS Bùi Hiền tiếp tục hoàn thiện cải cách gây bão của mình.

Khi được PV hỏi về lợi ích của kết quả nghiên cứu này có thể mang lại, PGS. TS Bùi Hiền nêu ra những hiệu quả sau:

1. Dễ học, dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết, dễ dùng lối viết và đọc chữ cải tiến. Giản hoá tới mức tối đa cách viết, loại bỏ hết phụ âm ghép 2-3 chữ cái (ch, tr, ng, ngh, gh, kh, nh, ph) và các lỗi chính tả (d –gi – r, s – x, ch – tr) hiện đang gặp phải ở mỗi người, nhất là trong công tác biên tập của các nhà xuất bản và báo chí.

2. “Nạn mù chữ” được giải quyết triệt để chỉ trong vòng 1-2 ngày đối với những người đã biết chữ quốc ngữ hiện hành. Với học sinh lớp 1 và người dân tộc sẽ rút ngắn được thời gian “vỡ lòng” (biết đọc, biết viết) xuống ít nhất một nửa so với học chữ cũ. Chắc chắn không cần phải phát động phong trào “diệt dốt” như xưa, mà chỉ cần hướng dẫn dần dần trên báo chí cách chuyển đổi cách đọc các chữ cái cũ sang kiểu mới, rồi tổ chức trò chơi, đố vui trong nhà trường, câu lạc bộ…cũng đủ để mọi người nhận biết và quen dần với cách đọc viết cải tiến một cách nhẹ nhàng, thoải mái.

3. Là công cụ sắc bén hơn, tiện lợi hơn cho công cuộc hộp nhập quốc tế hiện nay: người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn, dễ tiếp cận với nền kinh tế, văn hoá, khoa học Việt Nam hơn. Và ngược lai Việt Nam cũng dễ làm cho bạn bè mau hiểu Việt Nam, chóng có cảm tình với tiếng nói và chữ viết của người Việt hơn.

4. Tiết kiệm được khoảng 13% thời gian, công sức, tiền của, vật tư, tài nguyên số trong việc xây dựng tất cả các loại văn bản bằng viết tay hoặc gõ bàn phím. Điều này cũng có nghĩa là làm tăng năng suất lao động trong hoạt động ấn loát và văn phòng hàng năm tới 13%, làm lợi cho nền kinh tế của cả nước và của từng người.

Cuối cùng, ông Hiền khẳng định những lo ngại của dư luận là sự tưởng tượng quá mức, ông nói: "Vừa qua đã có nhiều người e ngại rằng lợi bất cập hại vì sẽ phải in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ tuỳ thân, vv… Thực tế xưa nay ở nước ta cũng như trên thế giới không ai làm như vậy cả, bởi vì những người biết chữ quốc ngữ vẫn hoàn toàn tự do, yên tâm sử dụng tất cả những thứ đó cho đến hết đời. Người ta chỉ in bằng chữ mới các tài liệu mới, báo chí, giấy tờ, công văn mới thôi. Khi Pháp quyết định dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nho của nhà Nguyễn, người ta có in lại cả đâu, mà chỉ in một số tác phẩm văn thơ cần thiết để phổ cập nhanh chóng hơn. Ngay cả giấy khai sinh cho đến năm 1945 vân in cả 3 thứ chữ: chữ Pháp, chữ nho rồi mới đến chữ quốc ngữ. Lại có ý kiến cho rằng nó sẽ phá hoại văn hoá dân tộc, động đế cả tâm linh và phạm vào cả quốc hồn quốc tuý Việt Nam. Đây quả là sự lo xa quá mức". 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pgs-bui-hien-lan-cuoi-sua-doi-cai-cach-chu-tieng-viet-a219832.html