Phát hiện lỗ hổng trên công cụ chống đánh cắp bản quyền của YouTube


Thứ 2, 16/07/2018 | 06:42


Cùng sự kiện

Vừa ra mắt công cụ mới chống lại nạn vi phạm bản quyền, song chính tính năng được YouTube kỳ vọng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng "khó đỡ".

Vừa ra mắt công cụ mới chống lại nạn vi phạm bản quyền, song chính tính năng được YouTube kỳ vọng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng "khó đỡ".

Theo ICTnews, công cụ được YouTube gọi là Copyright Match, dành cho những kênh có hơn 100.000 người theo dõi.

Với Copyright Match, mỗi lần một video được tải lên YouTube, dịch vụ sẽ quét và kiểm tra xem nó có tồn tại hay giống với video khác trên nền tảng hay không.

Các tác giả sử dụng công cụ được thông báo khi bản sao chép video của họ xuất hiện trên YouTube. Nếu công cụ phát hiện trùng hợp, tác giả có quyền quyết định làm gì tiếp theo. Họ có thể không làm gì hoặc liên hệ với người đăng phi pháp hay đề nghị YouTube gỡ bỏ nội dung.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, công cụ này được đánh giá là vẫn còn lỗ hổng bởi vì nó chỉ áp dụng với các video hoàn chỉnh, không phải clip.

Ngoài ra, bạn phải là người đầu tiên tải lên video thì mới được công nhận là tác giả, vì vậy có khả năng ai đó sao chép video của bạn trên Vimeo hoặc Facebook rồi tải lên YouTube trước bạn.

Tờ Hoa Học Trò thông tin thêm, công cụ được YouTube gọi bằng cái tên Copyright Match này sẽ được cập nhật tới tất cả những người dùng có trên 100.000 người theo dõi bắt đầu từ tuần tới. Trong vài tháng tiếp theo, nhiều người dùng hơn cũng sẽ được tiếp cận với công cụ này.

Trước khi có công cụ Copyright Match, theo báo Tuổi Trẻ, vấn đề bảo vệ bản quyền trên YouTube được thực hiện theo hai cách.

Cách thứ nhất là thông báo trực tiếp. Theo hướng dẫn của YouTube, cách nhanh nhất và đơn giản nhất để thông báo cho YouTube về cáo buộc vi phạm bản quyền là thông qua biểu mẫu web được cấp sẵn. Trong bản biểu mẫu này, người dùng sẽ thông báo với YouTube các thông tin tố cáo video vi phạm bản quyền (loại hình vi phạm, đối tượng bị thiệt hại, đường dẫn video, thông tin chủ sở hữu...).

Hoặc người dùng cũng có thể liên hệ với YouTube qua email (copyright@youtube.com), thư bưu điện (gửi về địa chỉ: Khiếu nại DMCA, YouTube (Google, Inc.), 901 Cherry Ave, San Bruno, CA 94066, Hoa Kỳ) hoặc fax theo số: +1 650 872 8513.

Cách thứ hai là sử dụng Content ID, là hệ thống nhận dạng nội dung do YouTube cung cấp. Cụ thể, khi người dùng cho rằng nội dung video của mình đáp ứng được các tiêu chí về bản quyền, họ có thể đăng ký Content ID để được “bảo hộ”. Điều kiện cấp Content ID của YouTube là “người dùng đó phải có độc quyền đối với nội dung thực của tài liệu gốc được tải lên YouTube”.

Khi đã có Content ID, người chủ sở hữu bản quyền nội dung có thể dùng ứng dụng này để phát hiện các nội dung khác đang sử dụng trái phép một phần hoặc hoàn toàn video của mình.

Khi phát hiện, chủ sở hữu bản quyền có thể quyết định điều gì sẽ xảy ra khi nội dung trong một video trên YouTube khớp với tác phẩm mà họ sở hữu. Chẳng hạn, họ có thể lựa chọn hoặc cho tắt âm thanh đoạn video vi phạm; hoặc chặn không cho video vi phạm xem được trên YouTube nữa… Đặc biệt, người nắm giữ bản quyền có thể chọn đưa quảng cáo vào video vi phạm và họ sẽ nhận được tiền từ những quảng cáo đó.

H.Y (tổng hợp)
Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-lo-hong-tren-cong-cu-chong-danh-cap-ban-quyen-cua-youtube-a236547.html