“Quàng” phạt nguội với đăng kiểm là sai luật?


Thứ 7, 21/10/2017 | 02:35


Cùng sự kiện

“Trong trường hợp này, việc từ chối đăng kiểm đã được sử dụng như một biện pháp đảm bảo để xử lý vi phạm hành chính..."

“Trong trường hợp này, việc từ chối đăng kiểm đã được sử dụng như một biện pháp đảm bảo để xử lý vi phạm hành chính tuy nhiên Luật lại không quy định về các biện pháp bảo đảm xử lý xe vi phạm hành chính thì sẽ không được đăng kiểm…”, Luật sư Phạm Quang Biên cho hay.

Luật sư Phạm Quang Biên

Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) từ chối đăng kiểm hàng ngàn ô tô chưa nộp phạt nguội theo danh sách của Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an gửi sang) sự kiện này khiến nhiều chủ xe hoang mang.

Nhiều luật sư cho rằng, việc tạm dừng đăng kiểm này là không đúng quy định pháp luật, sai phạm chồng lên sai phạm.

Trong khi đó Cục Cảnh sách giao thông đường bộ (Bộ Công an) và Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) lại cho rằng họ đúng luật. Họ viện dẫn quy định tại khoản 6, điều 4 thông tư số 70/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó quy định này nêu rõ cơ quan đăng kiểm thực hiện không kiểm định đối với xe “đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Phóng viên Đời sống và Pháp luật online đã có trao đổi với Luật sư Phạm Quang Biên - Hãng Luật IMC (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc trên.

Nhận định về vụ việc, Luật sư Biên cho rằng: Về nguyên tắc, phạt nguội và đăng kiểm là 2 vấn đề khác nhau. Phạt nguội là việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera giao thông. Còn đăng kiểm là kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp phép cho phương tiện được lưu hành.

Trong vụ việc nóng trên dư luận gần đây thì cơ quan đăng kiểm đang sử dụng việc “từ chối đăng kiểm” như một biện pháp đảm bảo để xử lý vi phạm hành chính.

Quy định tại Điều 119 về các biện pháp ngăn chặn và đảo đảm xử lý vi phạm hành chính của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không cho phép áp dụng biện pháp “từ chối đăng kiểm” để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì không có trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì lý do chưa nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ.

“Bởi vậy tôi cho rằng việc từ chối kiểm định phương tiện chậm nộp phạt nguội của Cục Đăng kiểm Việt Nam là chưa hợp lý”, luật sư Biên khẳng định.

Việc “quàng” xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và việc đăng kiểm với nhau sẽ dẫn đến không đảm bảo về mặt pháp chế. Ông Biên dẫn ví dụ: Trường hợp lái xe được chủ phương tiện thuê, cho mượn, khi lưu thông trên đường bị thiết bị camera ghi hình vi phạm chạy quá tốc độ quy định, sai làn đường… Sau này xảy ra tình trạng, chủ phương tiện dù không vi phạm nhưng do xe hết hạn đăng kiểm nên buộc phải nhận thay lái xe là người vi phạm và nộp phạt. Điều này là trái với nguyên tắc chung của Luật xử phạt vi phạm hành chính là“người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

Nói với phóng viên, luật sư Phạm Quang Biên bày tỏ băn khoăn với quy định phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát ở nước ta, bởi nếu áp dụng sẽ không đảm bảo nguyên tắc của xử phạt vi phạm hành chính như vi phạm phải được xử lý kịp thời, phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt với người vi phạm đó.

Cùng trong vụ việc này, không chỉ băn khoăn với quy định phạt nguội, Luật sư Phạm Quang Biên còn cho rằng quy phạm tại khoản 6, điều 4 thông tư số 70/2015 của Bộ giao thông vận tải chưa được chặt chẽ, rõ ràng về mặt pháp lý khi đối chiếu với các quy định về nội dung đăng kiểm cũng như quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

“Sự thiếu chặt chẽ và vênh nhau về mặt nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật tuy không phải là vấn đề mới ở nước ta hiện nay nhưng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân và gây khó cho chính các cơ quan nhà nước”, Luật sư Biên cho hay.

Từ đó Luật sư Phạm Quang Biên khuyến cáo: Thay vì tùy tiện áp dụng pháp luật, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các quy định để có quy trình, trình tự xử phạt hành chính thông qua hệ thống camera giao thông đường bộ thuyết phục hơn. Không nên sử dụng đăng kiểm như một biện pháp bảo đảm xử lý vi phạm hành chính gây bức xúc cho dư luận và người dân.

 Tâm Anh 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-phat-nguoi-voi-dang-kiem-la-sai-luat-a206077.html