Cán bộ "bắt tay" xã hội đen: Dân còn biết tin vào đâu?


Thứ 6, 22/08/2014 | 08:31


(ĐSPL) – Là người đại diện cho nhà nước thực thi pháp luật mà lại "bắt tay" với xã hội đen làm việc xấu thì còn đâu niềm tin của nhân dân đối với các cán bộ công quyền?

(ĐSPL) – "Là người đại diện cho nhà nước thực thi pháp luật mà lại bắt tay với xã hội đen làm việc xấu thì còn đâu niềm tin của nhân dân đối với các cán bộ công quyền?".

Đó là câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ đã đặt ra trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về thực trạng hiện nay đã không còn hiếm hoi những trường hợp cán bộ nhà nước “bắt tay” với xã hội đen để thực hiện các mục đích xấu, gây nguy hại lớn đến xã hội.

 - Cán bộ 'bắt tay' xã hội đen: Dân còn biết tin vào đâu?

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội.

Thời gian qua, dư luận xôn xao về trường hợp của ông Lê Trung Kiên - Phó trưởng ban Tổ chức Quận uỷ Cầu Giấy, Hà Nội bị Công an bắt giữ do có liên quan đến việc môi giới thuê “xã hội đen” giết người trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội.

Qua quá trình điều tra bước đầu, cơ quan công an đã kết luận chính thức về việc chính ông Kiên đứng ra môi giới và thuê xã hội đen giết người. Vụ việc này gây xôn xao dư luận không chỉ bởi tính chất nghiêm trong của những tên xã hội đen ngang nhiên ra tay giết người trên phố giữa ban ngày, mà còn bởi trong sự việc này lại có sự tiếp tay của một cán bộ có chức sắc trong cơ quan nhà nước.

Nhận định trước sự việc trên, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, tuy đó chỉ là những cá biệt trong xã hội, xong nó cũng gióng lên một hồi chuông đáng báo động.

“Là những người đại diện cho nhà nước thực thi pháp luật, là những người trực tiếp cầm cân nảy mực để giữ kỷ cương phép nước mà lại đi cấu kết, bắt tay với xã hội đen, thì làm sao giữ được niềm của của nhân dân? Bởi thực tế rằng, những cán bộ công quyền của nhà nước vốn luôn được nhân dân đặt niềm tin, thế nhưng khi để những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, thì đồng nghĩa với việc người dân cũng không còn tin vào những cán bộ nhà nước, những người hàng ngày đang làm việc và hưởng lương từ ngân sách do chính nhân dân đóng góp và xây dựng” – ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.

Trước sự việc Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy bị bắt vì môi giới xã hội đen giết người, thì vào đầu tháng 6/2014 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM cũng đã khởi tố, bắt giữ 2 cán bộ hải quan TP HCM vì có hành vi cấu kết với một nhóm buôn lậu, nhập lậu 10 lô hàng lớn… Điều này cho thấy, việc các cán bộ, nhân viên nhà nước bắt tay với giới tội phạm để làm việc xấu nhằm hưởng lợi đã không còn là những câu chuyện hiếm hoi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng nhận định rằng: “Việc những cán bộ nhà nước tiếp tay với xã hội đen không còn mới mẻ trong xã hội, mà nguy cơ bùng phát tình trạng này cũng đang rất lớn, rất nguy hại đối với xã hội”.

 - Cán bộ 'bắt tay' xã hội đen: Dân còn biết tin vào đâu? (Hình 2).

Mới đây, Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy đã bị bắt giữ vì môi giới xã hội đen trong vụ giết người trên phố Phạm Văn Đồng.

Thế những, theo ông Cương, để đánh giá một cách chính xác về thực trạng này lại không phải là điều dễ dàng.

“Mỗi cán bộ làm việc trong bộ máy của nhà nước đều có rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Có khi họ quan hệ với những người xấu nhưng chưa chắc đã vì một mục đích xấu, và cũng có khi, 2 cán bộ nhà nước bắt tay với nhau chưa chắc đã vì mục đích tốt đẹp, bởi vậy mà rất khó có thể đánh giá” – ông Cương cho biết.

Ví như trường hợp mới đây nhất gây xôn xao dư luận, đó là việc đại gia Minh “sâm” – trùm xã hội đen vừa bị bắt. Trước khi bị bắt, dù tiền án tiền sự đầy mình, nhưng Minh “sâm” đã tẩy rửa sạch sẽ quá khứ của mình và đàng hoàng đội lốt một doanh nhân thành đạt để có thể dễ dàng tung hoành trên thương trường dưới vỏ bọc của một người tử tế. Nhiều người đặt ra nghi vấn liệu để thành công trong việc này, liệu có thế lực nào đứng sau hậu thuẫn, "chống lưng" cho đại gia Minh “sâm” hay không?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, rất khó để đánh giá về bản chất của sự việc này. Bởi trên thực tế có nhiều người lầm đường lạc lối nhưng vẫn mong muốn hoàn lương để trở thành người tốt, còn một số kẻ lại luôn đội lốt người tốt để làm những việc sai trái, mờ ám.

“Đối với những con người như thế, thì hãy để cho cơ quan điều tra xử lý. Tôi tin cơ quan điều tra sẽ không nương tay với những người luôn đội lốt người tốt để phạm tội” – ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ.

Cũng theo ông Cương, để xảy ra những sự việc trên thì nguyên nhân chính được đặt ra vẫn là vì lợi ích. Nó có thể xuất phát từ lợi ích vật chất hay lợi ích nào đó, mà khiến nhiều cán bộ trở nên vụ lợi, tiếp tay, bao che cho những kẻ xấu làm bậy.

Để không còn những tình trạng đáng tiếc xảy ra khi các cán bộ công quyền tiếp tay cho xã hội đen làm việc xấu, thì theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, trước hết các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải có biện pháp quản lý cán bộ thật tốt và chặt chẽ.

Ngay khi nhận được tin phát giác, tố cáo từ quần chúng nhân dân hay phát hiện có bất cứ dấu hiệu gì bất thường đối với cán bộ của mình thì phải theo dõi sát sao, nếu cần thiết phải cử cơ quan trinh sát theo dõi.

“Khi đã xác định các cán bộ nhà nước có hành vi bảo kê cho những hành vi bất hợp pháp thì cần phải xử lý một cách rất nghiêm khắc, với hình thức cao nhất là phải loại những đối tượng đó ra khỏi bộ máy nhà nước. Có như vậy mới có thể giữ được bộ máy nhà nước thực sự trong sạch” – ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bo-bat-tay-xa-hoi-den-dan-con-biet-tin-vao-dau-a47533.html