Bộ trưởng Tài chính: "Dân đã quen với giá xăng thay đổi liên tục"


Thứ 3, 10/06/2014 | 13:58


Cùng sự kiện

(ĐSPL)- "Đến thời điểm hiện nay các cơ quan nhà nước, người dân đã quen với việc giá xăng dầu thay đổi liên tục", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước QH chiều 10/6.

(ĐSPL) - "Trong 1 năm gần đây, việc điều hành giá xăng dầu cơ bản theo thị trường và thay đổi thường xuyên. Đến thời điểm hiện nay các cơ quan nhà nước, người dân đã quen với việc giá xăng dầu thay đổi liên tục", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội, khi nhận được câu hỏi liên quan về điều hành giá xăng dầu.
Chiều 10/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Người đăng đàn đầu tiên là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. 
Trước khi trả lời các câu hỏi, báo cáo trước Quốc hội về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7\% (2010); 50,1\% (2011); 50,8\% (2012) và 54,1\% (ước tính 2013). Như vậy, nợ công hiện vẫn ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65\%.
Bộ trưởng Tài chính:
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến thời điểm hiện nay các cơ quan nhà nước, người dân đã quen với việc giá xăng dầu thay đổi liên tục
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đặt câu hỏi: "Vừa qua trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người dân cả nước và công nhân một số tỉnh thành đã tuần hành, phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Tuy nhiên có những đối tượng quá khích đã đập phá tài sản của các doanh nghiệp này, Bộ Tài chính có giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp khôi phục tình trạng này?"
Về vấn đề này, Bộ trưởng Dũng cho biết ông sẽ trả lời đại biểu quốc hội bằng văn bản.
Ngoài ra, ông Sơn cũng quan tâm tới việc xử lý gian lận thương mại và các giải pháp chống gian lận thương mại trong thời gian tới cũng như tình hình chi ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thời gian qua.
Trả lời đại biểu về việc này, Bộ trưởng Dũng nói: “Năm 2014, ngân sách nhà nước bố trí cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân chiếm 41,7\% tổng chi ngân sách nhà nước. Như vậy đến 2014, tổng chi cho Nông nghiệp, nông thôn đã gấp 3,2 lần so với 2008 và riêng chi đầu tư phát triển từ 2009 – 2013 tăng 2,62 lần so với 5 năm trước.
Tuy nhu cầu còn lớn so với khả năng đáp ứng, nhưng việc bố trí ngân sách cho NN, NT đã đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết 26 từ trung ương. Bên cạnh đó, để khuyến khích thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, phát triển đào tạo, hỗ trợ khoa học kỹ thuật…
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp quy mới, điều chỉnh quy chế đầu tư, cơ chế thực hiện phân cấp, lồng ghép các dự án trên địa bàn”.
“Giá xăng nhập nhằng”
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, vấn đề quản lý giá xăng nhập nhằng, thiếu minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm trong thời gian qua.
Bà Nga cho biết đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này nhưng các Bộ đều đổ cho nghị định 84. Theo bà Nga, cách sửa nghị định này cũng khó hiểu, nhập nhằng, gậy nên tình trạng Bộ công thương vừa đá bóng vừa thổi còi.
 - Bộ trưởng Tài chính: 'Dân đã quen với giá xăng thay đổi liên tục' (Hình 2).
Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng vấn đề quản lý giá xăng nhập nhằng, thiếu minh bạch.
“Trách nhiệm của Bộ công thương và Bộ tài chính về vấn đề này như thế nào? Rồi vệc EVN đưa chi phí quản lý, vận hành, nhà ở vào giá điện, điều này rất thiếu minh bạch, Bộ trưởng đánh giá như và có hướng xử lý vấn đề này ra sao? Có phát hiện thấy khoản chi bất hợp lý của EVN khi đưa vào giá điện?”, bà Nga thẳng thắn đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Dũng trả lời: “Nghị định 84 trong điều hành chúng tôi thấy cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Trong 1 năm gần đây việc điều hành giá xăng dầu cơ bản theo thị trường và thay đổi thường xuyên. Đến thời điểm hiện nay các cơ quan nhà nước, người dân đã quen với việc giá xăng dầu thay đổi liên tục.
"Nhiều lúc thay đổi giật cục là để kiềm chế lạm phát. Năm 2013 có hơn 10 lần tăng giá, năm nay hơn 11 lần. Từ quý 3 năm ngoái, chúng tôi đã công khai thường xuyên hàng quý tình hình quản lý, giá cơ sở, cách tính giá cơ sở của xăng dầu.
Việc sửa nghị định 84 là cần thiết. Chúng tôi sẽ cùng với Bộ Công thương tiến hành sửa đổi nghị định này. Không lâu nữa nghị định 84 sửa đổi sẽ được ban hành. Dự kiến trong tháng sau, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng để sửa đổi nghị định này.
Chúng tôi đề xuất thời gian tăng giá là 10 ngày bởi thời gian tăng giá càng ngắn càng sát với thị trường. Chúng tôi cho rằng giá điều chỉnh hàng ngày còn tốt hơn là sau 10 – 15 ngày. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Thủ tướng cần mạnh dạn hơn trong việc điều hành giá thường xuyên", ông Dũng cho biết
Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho rằng, mặc dù giá xăng dầu có sự thay đổi thường xuyên, nhưng trong thời gian qua đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. Nếu càng cạnh tranh, người tiêu dùng càng được hưởng lợi.
"Tuy vậy, có thể nói mặt trận xăng dầu là mặt trận rất nóng bỏng”, ông Dũng nói thêm.
Nợ công an toàn?
Đại biểu Lê Thị Công (đoàn ĐBQH Bà Rịa Vũng Tàu) tỏ qua quan ngại khi đặt vấn đề: "Hiện nay nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao nhưng Bộ Tài chính vẫn báo cáo là nợ công an toàn - đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? Làm sao chúng ta có đủ khả năng trả nợ, giải pháp nào?"
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Dũng cho hay, về cơ cấu nợ công, khoảng 50\% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50\% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2- 5 năm.
Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Bộ Tài chính cũng lý giải nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Hiện nay phạm vi nợ công của phần lớn các nước bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Về khả năng cân đối nguồn trả nợ, Bộ Tài chính cho rằng, nhiệm vụ thu Ngân sách phải đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển ngành tài chính đến 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong đó phải đạt tăng thu 12\%-14\%/ năm; cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20\% tổng thu NSNN để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quá, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại. Nâng cao hiệu quả Quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại; định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời và cơ cấu lại nợ một cách hiệu quả.
Bộ Tài chính khẳng định, nỗ lực thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi NSNN so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết. Trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ. Có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm), lãi suất phù hợp với chỉ số lạm phát hiện nay.
Đề nghị công khai, minh bạch cách tính giá điện
Dẫn thực tế nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế với số lượng lớn gây thất thoát ngân sách nhà nước, nhiều cử tri đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt câu hỏi: “Có hay không sự bao che từ các cán bộ nhà nước đặc biệt là cán bộ thuế? Cần giải pháp gì trong thời gian tới?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Năm 2013 chúng tôi tập trung xử lý chống thất thu, thất thoát. Chúng tôi đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra trên 50 trường hợp vi phạm và cơ quan này đã khởi tố 17 vụ, bắt 20 đối tượng liên quan tới hoàn thuế. Chúng tôi cũng đã xử lý một số cán bộ có liên quan tới việc lỏng lẻo trong quản lý thuế. Bộ cũng chỉ đạo rất sâu sát, kiểm điểm, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm như khiển trách, cảnh cáo… Về giải pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ và có sự điều chuyển cán bộ để tránh tiêu cực”.
Đề cập tới việc quản lý giá thuốc chữa bệnh bị buông lỏng, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi: “Xin Bộ trưởng cho biết Bộ tài chính sẽ làm gì để quản lý giá thuốc trong thời gian tới?
Cho rằng đây là vấn đề rất lớn, nhạy cảm, ông Dũng cho biết theo luật hiện hành, Bộ Y tế chủ trì việc này, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính. “Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế về cơ chế đấu thầu giá thuốc. Chỉ có ngành Y tế mới biết được thành phần, nguồn gốc thuốc. Giờ ra hiệu thuốc họ bảo bao nhiêu, chúng ta biết vậy”.
Về việc chuyển điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương, Bộ trưởng Dũng đánh giá đây là việc bình thường, đồng thời khẳng định Bộ Tài chính vẫn thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn. Vì vậy, việc điều hành giá xăng dầu vẫn minh bạch.
Không thỏa mãn với phần trả lời này, đại biểu Lê Thị Nga nêu quan điểm: “Có một điều tôi muốn trao đổi thêm là việc chuyển chuyện điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về cho Bộ Công thương là không khách quan do đó là cơ quan chủ quản của Petrolimex và chủ quản về quản lý cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xăng dầu, nay lại toàn quyền về điều hành giá tức là có sự xung đột về trách nhiệm, quyền, khó đảm bảo khách quan nên phải xem lại vấn đề này. Về việc sửa đổi nghị định 84, ba năm qua chưa xong là không được. Ngoài ra, cử tri đề nghị EVN nên công khai minh bạch trong cách tính giá điện để làm gương cho các đơn vị khác”.
Đáng chú ý, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi:“Qua 1 năm làm Bộ trưởng, Bộ trưởng đã rút ra được bài học quý giá nào từ Bộ trưởng tiền nhiệm để đề ra giải pháp mạnh khắc phục căn bệnh tam nợ cố hữu: nợ công, nợ đọng thuế, nợ bình ổn giá trong thời kỳ mới?”. Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) quan tâm tới các giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Đến 17h, phiên chất vấn tạm dừng. Theo kế hoạch, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ tiếp tục từ 8h - 9h30 sáng mai (11/6).
Đời sống pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật.
Theo kế hoạch, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ chiều 10/6 đến hết ngày 12/6.

Tập trung vào 4 "món nợ"

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên chất vấn sẽ tập trung vào 4 vấn đề nóng, cũng chính là 4 "món nợ" của Nhà nước, bao gồm: vấn đề tài chính (nợ công, nợ xấu, nợ thu ngân sách, nợ thuế, nợ chi, tình hình tài chính vĩ mô); vấn đề quốc sách hàng đầu - giáo dục, đào tạo; vấn đề đổi mới, cải cách thể chế; vấn đề khiếu nại, khiếu kiện tồn đọng, những giải pháp cần thiết để phòng tránh thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Cần phải tập trung giải quyết món nợ về chất lượng giáo dục, về việc làm cho người lao động. Cùng với đó là món nợ về văn bản, tính thống nhất giữa các thông tư, nghị định…”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, theo thống kê có khoảng 194 câu hỏi từ 60 vị đại biểu quốc hội ở 37 đoàn gửi tới Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Chính phủ và các vị trưởng ngành. Hầu hết các chất vấn đều đã có câu trả lời.

“Tuy nhiên còn nhiều kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đến nơi đến chốn hay đã có giải pháp, nhưng chưa thực sự đưa vào cuộc sống”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-tai-chinh-dan-da-quen-voi-gia-xang-thay-doi-lien-tuc-a36361.html