Tâm lý đám đông có hại trong việc trưng cầu dân ý


Thứ 4, 10/06/2015 | 00:38


(ĐSPL) - Quốc hội đang bàn về việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Đây là điều hết sức cần thiết.

(ĐSPL) - Quốc hội đang bàn về việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Đây là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đã có những băn khoăn về việc tâm lý đám đông có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của luật này.

Tâm lý đám đông đã tồn tại từ xa xưa và còn duy trì đến nay, và nó lại nổi lên khi ông Hà Minh Huệ thẳng thắn nhìn nhận “trình độ dân trí của dân ta còn thấp” bị nhiều người "ném đá" không thương tiếc.

Báo sẽ khởi đăng loạt bài xung quanh câu chuyện: Những công trình đi vào lịch sử dù đã từng bị "ném đá", để phần nào thấy rằng, không phải lúc nào "tâm lý đám đông" cũng hoàn toàn đúng... Để một dự án, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thực tế, rất cần cái Tâm và cái Tầm của người lãnh đạo...

Trong khi bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân, có chuyên gia cũng đặt vấn đề, khi đưa thực tiễn vào luật, cần có quy định chặt chẽ, nếu không “sẽ tự đẩy vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta”...

Theo đánh giá chung, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân đã được soạn thảo kỹ lưỡng và khá đầy đủ, với những quy định chặt chẽ có thể loại trừ được những băn khoăn của các chuyên gia .

Trước đó, phát biểu tại Quốc hội về Luật Trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam - ông Hà Minh Huệ - đã đề cập về vấn đề dân trí thấp. Ý kiến này ngay sau đó đã vấp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận.

Ông Hà Minh Huệ: “Xin không bình luận thêm”

Chia sẻ với PV, ông Huệ cho biết, ông không muốn tranh luận thêm về vấn đề này. Ông chỉ muốn nói rõ rằng, dư luận đã hiểu sai ý của ông.

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

“Về phát biểu: “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”, do lúc ấy tôi đang cầm tờ báo có trích đăng ý kiến của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội) nêu những băn khoăn về hạn chế của trưng cầu dân ý. Tôi đọc nguyên văn đoạn này để các đại biểu cùng suy xét thêm”, ông Huệ nói.

Ông nói: “Do luật này còn mới và là vấn đề hệ trọng của đất nước nên đòi hỏi phải có những quy định cụ thể, chi tiết trong các điều luật”.

“Nước ta đang phát triển mọi mặt, trình độ dân trí tăng lên, nhưng trình độ thực hiện dân chủ chưa có đủ kinh nghiệm để làm, nên tôi đề nghị làm việc gì cũng hết sức thận trọng, đặc biệt là vấn đề trưng cầu dân ý. Các thế lực thù địch bên ngoài sẽ thúc đẩy trưng cầu dân ý, và khi có một vấn đề cần trưng cầu dân ý mà họ xúi giục người dân thì chúng ta phải làm như thế nào giải quyết những vấn đề đó? Đây là những vấn đề cần phải hết sức thận trọng khi xây dựng Luật này”, ông Huệ nói thêm.

Khẳng định ủng hộ sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu dân ý, ông Hà Minh Huệ cho hay, cũng như nhiều ĐBQH khác, ông đồng tình việc ban hành luật như dự thảo, tuy nhiên cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể từng lĩnh vực cần đưa ra xin ý kiến nhân dân. Không thể tuỳ tiện, bất kỳ việc gì cũng đưa ra trưng cầu. Những quy định này đã được thể hiện tương đối đầy đủ trong dự thảo Luật đang được đưa ra bàn tại diễn đàn Quốc hội.

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Đề phòng tâm lý đám đông

Để có thông tin khách quan, PV đã liên hệ với Giáo sư Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội) – người được cho là chủ nhân của phát ngôn gây sốc trên. Trái lại với suy đoán thực hư của dư luận, vị Giáo sư này đã thừa nhận câu nói đó của mình.

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

GS. Nguyễn Đăng Dung nói: “Tôi cũng mới nghe chuyện việc ông Hà Minh Huệ đã có phát biểu trên Quốc hội gây nhiều tranh cãi về câu nói “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp”. Sau đó, ông Huệ có giải thích rằng, ông trích lại câu nói của tôi trả lời phỏng vấn báo chí trước đó và chỉ đưa ra để mọi người tham khảo”.

“Tôi xác nhận trước đó có trả lời báo chí như vậy. Đó là quan điểm của tôi khi bày tỏ băn khoăn về Luật Trưng cầu ý dân. Tôi trả lời ý nói phương pháp chung, chứ không nói riêng một vụ việc cụ thể nào”, GS. Nguyễn Đăng Dung cho hay.

Trong khi khẳng định việc đưa trưng cầu dân ý vào luật là cần thiết, GS.Dung cũng băn khoăn về việc triển khai áp dụng Luật trong thực tiễn, “Việc bỏ phiếu nhiều khi phập phù, tâm lý đám đông là có. Và chắc chắn tâm lý đám đông sẽ có hại trong việc trưng cầu dân ý.

Cái gì cũng có hai mặt của vấn đề. Đây là con đường đi một chiều, nhiều khi đã đưa ra một vấn đề trưng cầu dân ý thì không thể không thông qua”- ông Dung nói.

CAO TUÂN 
(Còn tiếp)

Xem thêm video:

[mecloud]uMna4AxIML[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-ly-dam-dong-co-hai-trong-viec-trung-cau-dan-y-a97757.html