Thanh Hóa: "Tiện tay cầm nhầm" 279 m2 đất vàng (Kì 4): Hành trình hợp thức hóa cho những sai phạm tại TTTM Bờ Hồ?


Thứ 2, 24/09/2018 | 04:30


UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô dự án đầu tư xây dựng, hợp thức hóa cho những sai phạm đang diễn ra tại Trung tâm thương mại Bờ Hồ.

Với sự tham mưu “nỗ lực” của các sở, ngành có liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô dự án đầu tư xây dựng, hợp thức hóa cho những sai phạm đang diễn ra tại Trung tâm thương mại Bờ Hồ.

Vừa qua, Đời sống và Pháp luật online đã thực hiện và đăng tải 3 kỳ loạt bài viết “Thanh Hóa: "Tiện tay cầm nhầm" 279 m2 đất vàng”, qua các bài viết Đời sống và Pháp luật online đã chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng tại Dự án Trung tâm thương mại Bờ Hồ.

Cụ thể, Dự án Trung tâm thương mại Bờ Hồ đã dính các sai phạm như: lấn chiếm 279,7m2 đất “vàng”; xây dựng công trình vượt tầng, vượt chiều cao; xây vượt khối đế, sai vị trí tầng kỹ thuật; cho doanh nghiệp khác thuê địa điểm kinh doanh khi công trình chưa được nghiệm thu…

Sau khi đăng tải, Đời sống và Pháp luật online đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Đa số các ý kiến cho rằng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa nên có những động thái tích cực trong việc kiên quyết xử lý những sai phạm nghiêm trọng đang diễn ra tại dự án này.

Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình tác nghiệp, xác minh, phóng viên Đời sống và Pháp luật online gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ phía các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND TP Thanh Hóa). Phải chăng mục đích của việc này là “câu giờ” để UBND tỉnh Thanh Hóa hợp thức hóa cho sai phạm?

Tòa nhà TTTM Bờ Hồ nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố Thanh Hóa

Cùng với đó, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản 10782/UBND-THKH ngày 05/9/2018 đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Bờ Hồ.

Văn bản 10782/UBND-THKH ngày 05/9/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa được ban hành trên cơ sở tham mưu tích cực của các đơn vị có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; UBND TP Thanh Hóa). Cũng dễ hiểu sự “nhiệt tình” của các đơn vị có thể xuất phát từ việc hợp thức hóa cho những sai phạm, tắc trách của mình gây ra.

Trực tiếp tham mưu điều chỉnh dự án là Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, có thể nói Sở Xây dựng đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình bằng việc ra văn bản số 4775/SXD-HĐXD ngày 22/8/2018.

Tại văn bản này, Sở Xây dựng đã có những đánh giá tổng thể về công trình tòa nhà Trung tâm thương mại Bờ Hồ, đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại về hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Cụ thể những tồn tại đó là: thiếu hồ sơ về phòng cháy chữa cháy; thiếu nhật ký thi công giai đoạn thi công từ 30/12/2013 đến nay; thiếu hồ sơ nghiệm thu công tác hoàn thiện; thiếu bản vẽ hoàn công công trình từ tầng 3 đến tầng mái; không có chứng chỉ xuất xứ vật tư, vật liệu xây dựng khác; thiếu hồ sơ năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình…

Những nội dung trong văn bản số 4775/SXD-HĐXD của Sở Xây dựng Thanh Hóa

Mặc dù vậy, Sở Xây dựng cho rằng công trình vẫn đảm bảo khả năng chịu lực. Căn cứ để Sở Xây dựng đưa ra khẳng định trên là dựa vào báo cáo kết quả kiểm định số 226/TTKĐ-KĐXD ngày 25/6/2018 và báo cáo kết quả kiểm định bổ sung số 246/TTKĐ-KĐXD ngày 12/7/2018 của Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Thanh Hóa.

Đáng nói, cụm từ mà Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Thanh Hóa dùng để lượng hóa các chỉ số kiểm định là “cơ bản phù hợp”. Có thể nói, cụm từ này, không phải là một thuật ngữ trong ngành xây dựng, cũng không có trong các văn bản pháp quy, rất chung chung và có nhiều cách hiểu khác nhau. Câu hỏi đặt ra “cơ bản phù hợp” có an toàn tuyệt đối không? Những người dân sống trong các căn hộ và khu vực xung quanh công trình này có được an toàn không?

Nhận định về vấn đề này, một số chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực kiểm định chất lượng công trình xây dựng cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm định lại chất lượng công trình một cách nghiêm túc và thận trọng, bởi công trình này đã được xây dựng từ rất lâu (2006), thời kỳ đó công nghệ xây dựng không hiện đại như bây giờ. Có thể bây giờ công trình chưa xuất hiện sự cố, nhưng ai dám chắc 5 năm, 10 năm nữa không gặp sự cố? Khi đó, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân sống ở đây và khu vực xung quanh.

Như vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa có vội vàng chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Bờ Hồ?

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Hiện nay dự án Trung tâm thương mại Bờ Hồ, UBND tỉnh chưa có quyết định về điều chỉnh chủ trương đầu tư, đang yêu cầu Sở Xây dựng, Trung tâm thương mại Bờ Hồ phải kiểm định lại chất lượng công trình….Sau khi có ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp báo cáo chủ tịch UBND tỉnh cho phép điều chỉnh hoặc không điều chỉnh”.

Khi phóng viên cung cấp thông tin UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Bờ Hồ, ông Tuấn tỏ ra bất ngờ “Vừa rồi tôi đang đi học nên có thể không nắm được, thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép điều chỉnh thì điều chỉnh thôi”.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa

Mặc dù không nắm được, nhưng ông Tuấn có quan điểm rất thẳng thắn “nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng rồi mới xin điều chỉnh dự án thì phải xử lý ngay”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo “thép” trong xử lý các công trình vi phạm về lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng. Hiện thực hóa những chỉ đạo “thép” một số công trình “khủng” (tương tự công trình TTTM Bờ Hồ) của những tập đoàn, công ty lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh đã phải “cưa ngọn” làm gương.

Việc xử lý triệt để những sai phạm thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm. Vậy cớ sao chính quyền tỉnh Thanh Hóa còn chần chừ chưa xử lý, thậm chí còn có biểu hiện hợp thức hóa cho sai phạm?

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Trung tâm thương mại Bờ Hồ đang liên danh với một số công ty, nhà thầu thực hiện nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị Núi Long; Dự án Công viên nước Đông Hương…

Theo xác minh ban đầu của phóng viên Đời sống và Pháp luật online tại Dự án Công viên nước Đông Hương có nhiều điểm “mập mờ” như: san lấp mặt bằng từ khi chưa được giao đất, không có biện pháp xử lý việc thoát nước, dẫn đến ngập lụt ở đường Hàm Nghi và thôn Ba Tân, phường Đông Hương gây ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân xung quanh. Hơn nữa, năng lực của chủ đầu tư cũng là điều đáng lo ngại.

Cận cảnh sai phạm tại TTTM Bờ Hồ:

Đời sống và Pháp luật online tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nhóm phóng viên điều tra

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-tien-tay-cam-nham-279-m2-dat-vang-ki-4-hanh-trinh-hop-thuc-hoa-cho-nhung-sai-pham-tai-tttm-bo-ho-a244942.html