+Aa-
    Zalo

    Tôi đã sập bẫy lừa đảo việc làm như thế nào?

    ĐS&PL (ĐSPL) - Lời hứa chờ đợi thông báo nhận việc sau khi đã nộp tiền bảo lãnh trách nhiệm sẽ chỉ là “lời nói gió bay”...

    (ĐSPL) - Từ những quảng cáo có cánh với mức lương mơ ước, nhiều người lao động đã phút chốc “trắng tay” bởi đặt nhầm niềm tin vào kẻ vô luân và chiếc bẫy mang tên “lừa đảo việc làm”. Lời hứa chờ đợi thông báo nhận việc sau khi đã nộp tiền bảo lãnh trách nhiệm sẽ chỉ là “lời nói gió bay”...

    Xuất phát từ những dòng tin nhắn kêu cứu của một người lao động nghèo ở tỉnh Nghệ An, nói về việc anh đã mất sạch tiền thế nào khi đến xin việc tại công ty Hoà Phát ở phố Trần Cung (Hà Nội), PV báo Đời sống và Pháp luật đã nhập cuộc tìm hiểu và những sự thật nghiệt ngã từ thủ đoạn gian dối được phơi bày.

    100\% ứng viên xin việc trúng tuyển

    Đầu tháng 4/2015, anh Đậu Hải H. kêu cứu đến PV báo Đời sống và Pháp luật về việc anh bị lừa mất 3,5 triệu đồng khi xin việc vào công ty cổ phần vận tải Hòa Phát có địa chỉ tại số 207 phố Trần Cung (Bắc Từ Liêm – Hà Nội). Khi gặp chúng tôi, anh H. đã hết sạch tiền để về quê sau những ngày “ăn chực nằm chờ” để được nhận vào công ty làm việc như đã hứa.

    Anh H. bức xúc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật.

    Giọng buồn rầu, anh H. kể, sau khi học xong bằng lái xe ô tô, anh lên mạng tìm việc làm thì thấy công ty cổ phần vận tải Hòa Phát thông báo tuyển dụng rất nhiều lái xe với mức lương hấp dẫn. Đang có nhu cầu tìm việc, người thanh niên này vay mượn được vài triệu đồng lận lưng đi từ quê ra Hà Nội để nộp hồ sơ.

    “Khi thuê xe ôm đến địa chỉ công ty, thấy treo biển rất to nên em cũng có phần yên tâm. Ngoài em ra còn có khá nhiều thanh niên cũng đến đây xin việc làm. Đón tiếp bọn em là hai người tự xưng là nhân viên tuyển dụng của công ty. Họ nhận hồ sơ và thu mỗi người 350.000 đồng gọi là phí xét tuyển. Sau đó, họ bảo bọn em ra ngoài chờ để hội đồng xét tuyển làm việc và quay lại nhận kết quả sau 30 phút. Khi bọn em quay lại, tất cả đều trúng tuyển”, anh H. nhớ lại.

    Cũng theo anh H., sau khi thông báo trúng tuyển, nhân viên của công ty này bắt mỗi người phải đóng 3,5 triệu đồng gọi là tiền bảo lãnh trách nhiệm vì “xe là tài sản lớn của công ty”. Thế nhưng, khi nộp tiền thì không có một hóa đơn hay biên lai thu tiền.

    “Sao không có hóa đơn mà anh vẫn nộp tiền?”- chúng tôi hỏi anh H..  H. nói: “Vì cần tìm việc làm và tin tưởng vào công ty nên không ai hỏi lại mà đồng ý nộp tiền. Sau đó, người của công ty này “tiễn khách” và không quên lời dặn “các anh về nhà nghỉ ngơi, trong vòng một tuần nữa, chúng tôi sẽ liên hệ với các anh để lên nhận xe, đi làm””.

    Anh H. móc gần hết số tiền trong người để nộp cho công ty này và hy vọng sẽ có việc làm trong nay mai. Thế nhưng, niềm hy vọng tắt dần khi đến 10 ngày sau vẫn không ai gọi điện để đi nhận xe. Lo lắng khi tiền đã cạn, anh H. đánh liều lên công ty để hỏi thì nhân viên ở đây bảo tiếp tục chờ và không đưa ra lịch hẹn cụ thể. Nhiều người cũng lâm vào tình cảnh giống anh H., khi họ đi đòi tiền, người của công ty nhất định không trả lại tiền và bảo muốn giải quyết gì thì 45 ngày sau quay lại. Nhờ bạn giúp đỡ, anh H. mới có tiền mua vé tàu về quê.

    Thâm nhập vào công ty “ma”

    Biết chúng tôi muốn làm rõ thông tin về công ty lừa đảo này, anh H. đã cung cấp thêm số điện thoại của anh Nguyễn Sỹ Q. (Hoài Đức – Hà Nội) – một nạn nhân giống anh.

    Khi biết mục đích của chúng tôi, anh Q. vui vẻ nhận lời giúp đỡ để vạch trần thủ đoạn lừa đảo của công ty vận tải Hòa Phát. Trong vai người tìm việc làm, PV báo Đời sống và Pháp luật cùng với anh Q. đến công ty cổ phần vận tải Hòa Phát để xin việc. Nói là công ty nhưng thực chất chỉ thuê tầng 1 của căn nhà số 207 Trần Cung để làm nơi đón tiếp người xin việc. Hai nhân viên một nam một nữ của công ty tự xưng là cán bộ tuyển dụng để nhận hồ sơ của chúng tôi.

    Cận cảnh “bãi xe” mà nhân viên dẫn ứng viên đến để tạo lòng tin.

    Cũng giống như những trường hợp khác, khi chúng tôi đến nơi, nhân viên ở đây đón tiếp rất niềm nở nhưng không quên nhắc: “Em đóng cho chị 350.000 đồng tiền phí xét tuyển hồ sơ nhé”, khi cầm trên tay hồ sơ của chúng tôi. Sau khi xem qua hồ sơ của chúng tôi, người này bảo chờ xét tuyển và hẹn lát sau chúng tôi quay lại để nhận kết quả. Sau đó, người của công ty thông báo tôi đã trúng tuyển và chuẩn bị nhận xe để làm việc.

    Để tạo lòng tin tuyệt đối ở “con mồi”, nhân viên công ty này còn dẫn chúng tôi xuống bãi xe của công ty ở số 766 đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm – Hà Nội, gần trại Tạm giam số 1 – Công an Hà Nội). Tại đây, có một người phụ nữ đang ngồi chờ sẵn trước cổng gara, bên trong có năm chiếc xe tải loại 1,25 tấn. Nhân viên của công ty xuống xe nói chuyện với người phụ nữ kia vài phút trước khi giới thiệu với chúng tôi, đây là bãi đậu xe của công ty, nếu vào làm chúng tôi sẽ được lái những chiếc xe này.

    Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc xe ở đây còn tương đối mới, bên ngoài gara không hề có biển hiệu gì. Quan sát những dòng chữ ghi trên cánh cửa xe tải, chúng tôi đọc được: “Công ty cổ phần vận tải Trường Mai” chứ không phải của công ty Hòa Phát.

    Sau khi tạo lòng tin cho “con mồi”, nhân viên công ty này dẫn chúng tôi trở về văn phòng ở 207 phố Trần Cung để chuẩn bị ký hợp đồng lao động và làm các thủ tục để vào làm việc ở công ty.

    Tại đây, nhân viên lại đưa ra bài cũ “nộp tiền bảo lãnh trách nhiệm” trước khi ký hợp đồng và đi làm. Số tiền lần này chúng tôi phải nộp là 2,5 triệu đồng. Tất nhiên, số tiền này không có hóa đơn, biên nhận giống như đã thu của những người khác.

    Nhận tiền xong, nhân viên này đưa ra một tờ giấy gọi là “Hợp đồng lao động” cho chúng tôi ký. Nói là “Hợp đồng lao động” nhưng thực chất chỉ là một mảnh giấy bằng 1/2 tờ giấy A4 với các nội dung rất sơ sài, trong đó đáng chú ý nhất là việc nếu muốn hủy hợp đồng hay khiếu nại thì sẽ giải quyết sau 45 ngày. Hợp đồng này chỉ lập một bản và nhân viên của công ty này giữ luôn bản đó. Sau đó, người của công ty đưa lại hồ sơ cho chúng tôi và dặn, về nhà hoàn thiện một số giấy tờ trước khi quay lại.

    Trong số những giấy tờ cần phải hoàn thiện, đáng chú ý nhất là việc nhân viên công ty này bắt chúng tôi mang cái đơn xin việc (theo mẫu chung có sẵn trong hồ sơ xin việc) đi... công chứng.

    Ngày hôm sau, Q. chờ tôi ở quán nước cạnh công ty Hòa Phát để tôi mang hồ sơ đã hoàn thiện vào nộp. Khi kiểm tra hồ sơ của tôi, thấy đơn xin việc chưa được công chứng, nhân viên này thẳng thừng tuyên bố: “Hồ sơ anh có vấn đề nên địa phương không công chứng đơn xin việc cho anh, anh đã bị trượt”.

    Thấy tôi đi từ công ty ra với hồ sơ trên tay, Q. cười bảo: “Anh thấy chưa, kiểu gì họ cũng đánh trượt mình mà. Ngoài cách đánh trượt anh, bọn lừa đảo này còn có rất nhiều “trò ma chước quỷ” để đánh trượt người xin việc sau khi đã thu tiền của họ”.

    Lừa nhiều người, thu tiền tỉ

    H. cho biết, ngoài công ty cổ phần vận tải Hòa Phát, ở khu vực Hà Nội còn có nhiều công ty, trung tâm giới thiệu việc làm cũng giăng bẫy lừa đảo người lao động và thu về số tiền khủng từ mánh khóe này. “Thời điểm em đến đăng ký nộp hồ sơ, có rất đông người lao động cũng đến đây nộp. Họ thu mỗi người vài triệu đồng. Chỉ trong chớp mắt cô nhân viên đã thu về vài trăm triệu đồng. Anh tính, mỗi tháng những công ty lừa đảo này thu về cả tiền tỉ”, H. nói.

    (Còn nữa)

    HÀ KHÊ

     Xem thêm clip: Nhận làm hồ sơ nhà đất, xin việc để chiếm đoạt 13 tỷ đồng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toi-da-sap-bay-lua-dao-viec-lam-nhu-the-nao-a91828.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan