Trẻ nhiễm HIV bị bạo hành: Bảo mẫu cũng từng là trẻ mồ côi


Thứ 7, 11/04/2015 | 00:06


(ĐSPL) - Thông tin các bảo mẫu của trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TP.HCM) hành hạ trẻ nhiễm HIV khiến dư luận bức xúc.

(ĐSPL) - Thông tin các bảo mẫu của trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TP.HCM) hành hạ trẻ nhiễm HIV, ở khoa Măng non, chậm phát triển về trí não, không thể giao tiếp như những đứa trẻ bình thường khác, khiến dư luận bức xúc.
PV báo ĐS&PL trực tiếp đến làm việc với ban Giám đốc trung tâm, tiếp xúc với các trẻ ở khoa Măng non và ghi nhận nhiều thông tin đa chiều về vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em.
Sửng sốt các bảo mẫu cũng từng là trẻ mồ côi!     
Trong đó, điều chúng tôi thấy đáng tiếc nhất là các bảo mẫu đã bạo hành trẻ HIV này, vốn là trẻ mồ côi, được lớn lên, được nuôi dưỡng và hiện tại ở trung tâm. Họ cũng được học qua sơ cấp mầm non. Tại sao, họ lại bạo hành những đứa trẻ mồ côi, đáng thương như vậy?

Video: Bảo mẫu hành hạ trẻ HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

Chiều 6/4, theo thông tin từ trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM), ba bảo mẫu liên quan đến việc đánh đập trẻ nhiễm HIV tại khoa Măng non đã bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc. Ba bảo mẫu bị đình chỉ công việc gồm: Vũ Thị Quý (52 tuổi), Trần Thị Thu Trinh (44 tuổi), Nguyễn Thị Lan (46 tuổi).
 - Trẻ nhiễm HIV bị bạo hành: Bảo mẫu cũng từng là trẻ mồ côi

Các bé tại khoa Măng non ở trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (ảnh Hà Nguyễn).

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sỹ Đào Thị Huê, Phó Giám đốc trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân cho biết: “Bước đầu, trung tâm đã yêu cầu các bảo mẫu làm tường trình về việc đánh đập trẻ nhiễm HIV. Thông qua tường trình sự việc, ba bảo mẫu có thừa nhận việc dùng tay, dép... đánh trẻ ngay trong bữa ăn”.
Theo tường trình của các bảo mẫu và nội dung của clip ghi nhận, sáng 23/1, bảo mẫu Lan đút cháo cho hai bé gái bị mù. Trong lúc đút cháo cho một trong hai bé này, bà Lan kêu một bé trai lại gần và nhéo tai khiến bé khóc thét lên. Bà Lan đút muỗng quá đầy, nên bé gái này nuốt không hết liền bị bà đánh vào trán. Cũng bằng cách này, bà Lan liên tục nhét cháo vào miệng bé gái còn lại. Sau khi cho ăn xong, bà Lan cho hai bé gái này uống nước, bằng cách dùng tay ấn đầu ngửa ra đằng sau rồi đổ nước vào miệng.
 Sáng 24/1, bảo mẫu tên Quý đang cho một bé gái ăn, bé T. bên cạnh làm đổ ghế nhựa. Bà Quý liền đứng dậy, đi tới đá hai cái vào người bé T.. Cuối bữa ăn sáng, bà Lan dùng chân đạp bé gái bị mù khi bé đi từ khu vực phòng ăn vào trong phòng.
Sáng 3/2, một bé trai đang ngồi ăn mếu máo đứng dậy, bị bảo mẫu khác tát vào mặt khiến bé khóc thét. Tiếp đến, bà B. (một bảo mẫu không có trong danh sách bị đình chỉ) lấy ghế cho bé T. đứng lên, rồi đánh vào mông. T. tụt xuống ghế, bà tiếp tục cho đứng lên ghế, lấy dép dưới chân lên dọa đánh. Sáng 25/2, một bảo mẫu khác một tay giữ đầu bé trai tên T., tay còn lại đút thức ăn. Do T. không chịu nuốt thức ăn, bà này tát vào mặt bé rồi giơ tay dọa đánh tiếp. T. khóc, liền bị bà tát thêm hai cái. T. khóc thét và la lên “không... không” với vẻ mặt sợ hãi.
Cùng thời điểm trên, bảo mẫu tên Quý cho bé gái tên T. (khoảng 3 tuổi) ăn, khi bé đang ngồi dưới đất. Bé T. khóc không chịu ăn, bà Quý quát lớn, dùng tay đánh vào đầu. Bé T. nằm lăn trên nền gạch tiếp tục khóc, bà Quý giơ tay dọa đánh. T. bỏ chạy, bà Quý túm áo giữ lại rồi dùng hai tay siết tay, hai chân kẹp T. rồi tát vào mặt bé. Bà nắm hai tay giật nhiều lần, sau đó buông tay ra khiến bé ngã lăn xuống nền gạch.
Tiếp đó, chiều 26/2, khi T. đang ngồi trên ghế thì bảo mẫu tên H. chạy tới lấy dép đánh liên tiếp vào chân rồi lắc chân ghế để dọa T.. Khoảng 10 phút sau, bà H. tiếp tục lắc ghế và lấy dép đánh T.. Sáng 5/3, một bảo mẫu tên T. giữ đầu cho bé T. ngẩng mặt lên, liên tục rót sữa vào miệng. Bà này chồm người, vả một cái vào mặt một bé trai khác, rồi tiếp tục vả ngược lại bằng mu bàn tay làm bé này khóc thét.
Khoảng 1 phút sau, khi đang đút sữa cho T., một bé trai khác không có biểu hiện gì phá phách, nhưng bà T. bước tới, nắm tay kéo đứng dậy, xoay cổ tay nhéo tai. Đứa trẻ nước mắt ròng ròng, liền bị bảo mẫu này xé miếng bánh bao nhét vào miệng, chỉ tay vào mặt, kéo đi.
Thường xuyên nhắc nhở, sao bảo mẫu vẫn hành hạ trẻ?
Bác sỹ Đào Thị Huê cho biết: “Theo hình ảnh trong clip đăng tải, có thể, việc bảo mẫu hành hạ các bé diễn ra vào buổi ăn sáng từ khoảng 5h30-6h, nên có bảo mẫu không mặc đồng phục của trung tâm. Mỗi lần họp, chúng tôi đều nhắc nhở các bảo mẫu, không được hành hạ trẻ và tuân theo quy trình chăm sóc của bộ Y tế đã đưa ra. Nhưng, tôi không hiểu sao, sự việc vẫn xảy ra. Một số bảo mẫu là trẻ mồ côi, lớn lên ở trung tâm.
Cần tăng nặng hình phạt khi có hành vi bạo hành trẻ mồ côi, nhiễm HIV
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Đặng Đình Dũng (trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: “Xét theo các bằng chứng đã thu thập được, nhiều khả năng, các bảo mẫu tham gia bạo hành trẻ em nhiễm HIV ở trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội Hành hạ người khác, các bảo mẫu này có khả năng nhận mức án cao nhất là ba năm tù giam. Trong đó, cần chú ý đến các tình tiết tăng nặng như nạn nhân bị bạo hành là trẻ em mồ côi, nhiễm HIV”.
Theo quan điểm cá nhân, luật sư Đặng Đình Dũng mạnh mẽ lên án các hành vi bạo hành, đặc biệt là đối với đối tượng trẻ em khuyết tật thuộc dạng đặc biệt. Đồng thời, luật sư cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với các đối tượng bạo hành để làm gương cho cộng đồng, xã hội.
Do họ không tìm được việc làm, nên trung tâm tạo điều kiện cho làm bảo mẫu. Có lẽ, họ chưa qua đào tạo nghiêm ngặt, khi gặp trẻ bệnh tật, ăn uống khó khăn, nên bực tức và đánh đập trẻ. Một số bảo mẫu có thâm niên làm việc lâu năm tại trung tâm, xưa nay chưa có điều tiếng gì, nay cũng liên quan đến vụ việc. Danh tiếng của trung tâm bao năm gây dựng phút chốc sụp đổ”.
Theo bác sỹ Huê, khoa Măng non của trung tâm có hơn 20 trẻ nhiễm HIV độ tuổi từ 3 đến 6 và một số trẻ chậm phát triển ở tuổi lớn hơn. Khoa này có hai bé gái bị mù khoảng 8 tuổi, có thể trạng khá yếu. Trong đó, một bé chỉ bò trên nền nhà, còn một bé không tự di chuyển được. Hai bé này thường được các bảo mẫu cho ngồi yên trên ghế để ăn. Các bé khác khá hiếu động, thường xuyên không chịu ăn uống, cho thức ăn thường hất đổ, nên các bảo mẫu làm việc tương đối vất vả.
Đi cùng bác sỹ Huê đến phòng của các trẻ nhiễm HIV tại khoa Măng non để trực tiếp tiếp xúc với các bé, chúng tôi thấy có hai bé gái bị khiếm thị. Lúc này, chúng tôi cũng được thấy, các bé đang vui chơi trong phòng. Những bé khỏe mạnh thì ngồi một góc chơi, một số khác cứ khóc ré lên, mồ hôi nhễ nhại...
PV quan sát thấy, chỉ có một cô bảo mẫu loay hoay với mấy đứa trẻ. Theo bác sỹ Huê, thường ngày có nhiều bảo mẫu tham gia chăm sóc các bé, nhưng do xảy ra vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ nhiễm HIV, tất cả bảo mẫu được tập hợp để làm tường trình và họp, nên chỉ có một cô phụ trách.
PV đã trực tiếp trò chuyện với các bé. Hai bé gái vừa khiếm thị lại chậm phát triển hoàn toàn không thể nói gì với chúng tôi. Khi PV hỏi: “Thường ngày, con có bị các cô bảo mẫu đánh không?”. Bé gái khiếm thị chỉ biết siết chặt tay PV và ú ớ nhưng không thành lời. Một số bé khác, khi được hỏi cũng không trả lời, đôi mắt có chút sợ sệt. Quan sát thì thấy điều kiện vệ sinh, ăn ở của các bé tương đối tốt, sạch sẽ.
Khi PV đang làm việc với trung tâm, cán bộ của sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng xuống để làm việc. Đại diện cán bộ Sở cho biết, hiện đang kết hợp với chính quyền và công an xác minh vụ việc, nên chưa thể đưa ra kết luận.
Bà Hoàng Thị Em, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “UBND phường vừa kết hợp với Công an phường Linh Xuân sang trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân để làm việc, tiến hành xác minh vụ việc. Trung tâm này do sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM trực tiếp quản lý nên chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phối hợp xác minh chứ không được phép xử lý”.
Đình chỉ 5 bảo mẫu hành hạ trẻ HIV
Liên quan đến clip hành hạ trẻ HIV, bà Nguyễn Thị Kim Tiên - Giám đốc trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân cho biết: Đã đình chỉ 5 bảo mẫu gồm: Vũ Thị Quý, Trần Thị Thu Trinh, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Bảo Châu và Lưu Thị Hà để làm tường trình. Vị giám đốc trung tâm cho biết, các bảo mẫu này đã được đào tạo sơ cấp về nghiệp vụ chăm sóc trẻ. Các bảo mẫu cũng đã sống lâu năm với trẻ HIV (trên 10 năm) ở trung tâm này.
Theo bà Tiên, trước đó, những em trong trung tâm ở độ tuổi lớn hơn đã làm đơn trình lên sở LĐ-TB&XH TP.HCM về việc đánh đập các trẻ trong trung tâm này. Vụ việc này trung tâm đã xử lý kỷ luật một trưởng khoa, một phó khoa và một nhân viên. Liên quan đến sự việc trên, Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM Trần Trung Dũng đã có công văn báo cáo UBND TP.HCM về sự việc xảy ra ở trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã giao cán bộ phòng Bảo trợ xã hội và phòng Chăm sóc trẻ em đến làm việc để nắm tình hình ban đầu với tinh thần không né tránh. Đồng thời, lãnh đạo sở LĐ-TB&XH giao Thanh tra Sở thành lập đoàn thanh tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện pháp luật chăm sóc bảo vệ trẻ em, nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ em tại Trung tâm và báo cáo Giám đốc để xử lý.

H.NGUYỄN - N.LÀI - H.LAN - Đ.THƠM


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tre-nhiem-hiv-bi-bao-hanh-bao-mau-cung-tung-la-tre-mo-coi-a90483.html