Thu phí đổi tiền mới, tiền lẻ là vi phạm pháp luật


Chủ nhật, 04/02/2018 | 03:07


Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xử lý các cán bộ ngân hàng lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí trục lợi.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xử lý các cán bộ ngân hàng lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí trục lợi.

Trước tình trạng ngân hàng nói không có tiền mới đổi cho người dân nhưng ngoài thị trường đổi tính phí thì bao nhiêu cũng có, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, khẳng định trên tờ Thanh Niên: “NHNN chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong lưu thông đầy đủ, kịp thời chứ không thể đáp ứng được nhu cầu đổi tiền mới để lì xì Tết của người dân, vì quá nhiều. Văn hóa tiền mới lì xì dịp Tết lấy hên hay đi cúng chùa đã bị đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, tạo điều kiện cho nhiều kẻ trục lợi”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, qua theo dõi tình hình trên địa bàn, cho đến thời điểm hiện nay chưa có ngân hàng nào khất hay hoãn chi trả tiền mặt, lùi thời gian chi trả với lý do không đủ tiền mặt. NHNN chi nhánh TP.HCM không thiếu tiền mặt cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa dịp Tết cũng như nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cá nhân dịp Tết, kể cả chi ngân sách, an sinh xã hội, thực hiện các công trình dự án...

Riêng đối với tiền mới, do số lượng ít nên NHNN phân bổ cho các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước căn cứ vào các tiêu chí rõ ràng và công khai minh bạch, không có sự phân biệt đối xử với các đơn vị. Chẳng hạn như căn cứ về quy mô mạng lưới, hoạt động tổng tài sản, số dư tiền gửi, cho vay, số lượng khách hàng... từ đó phân bổ theo tỷ lệ tùy vào tình hình số lượng tiền mới đang có.

Riêng tiền mệnh giá nhỏ được NHNN chi nhiều cho các ngân hàng có khách hàng là trung tâm mua sắm, siêu thị... có quy mô hoạt động bán lẻ lớn để các đơn vị này đảm bảo đủ tiền, không để tình trạng thiếu tiền mệnh giá nhỏ thối lại cho khách hàng.

Nhu cầu tiền lẻ luôn tăng cao đột biến trong dịp Tết. Ảnh minh họa

Thông tin thêm, Tuổi Trẻ cho hay, chỉ thị số 48 của Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp tết.

Ngoài ra NHNN phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.

NHNN cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, theo điều tra của VTV24, trên mạng xã hội, việc đổi tiền được rao công khai với chi phí ăn chênh lệch từ 5 - 20% tùy thuộc mệnh giá tiền. Tại thị trường bên ngoài, các điểm đổi tiền cũng mọc lên ở nhiều nơi. Thậm chí, trước cửa đền chùa, việc đổi tiền diễn ra khá công khai.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tuyệt đối không găm giữ tiền mới để trục lợi. Đồng thời các giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc đổi, gom và chuyển tiền mới mệnh giá nhỏ từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc các tỉnh phía nam ra phía bắc phục vụ nhu cầu lễ hội, đền chùa dịp Tết.

NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với chi cục quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng. Đồng thời phải duy trì dịch vụ ngoại hối thu đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài trong những ngày nghỉ Tết.

Phó thống đốc cho biết thêm đã quán triệt trong toàn ngành về việc chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm, lợi dụng vị trí công tác để gây phiền hà, trục lợi; xử lý kỷ luật ngay cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí trục lợi - Thanh Niên đưa tin.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-phi-doi-tien-moi-tien-le-la-vi-pham-phap-luat-a218794.html