654 km trên cao tốc Bắc – Nam sẽ tiêu tốn khoảng 120.000 tỉ đồng


Thứ 3, 24/10/2017 | 02:08


Dự kiến, “siêu dự án” đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ làm trước 654km, đi qua 13 tỉnh/ thành.

Dự kiến, “siêu dự án” đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ làm trước 654km, đi qua 13 tỉnh/thành.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, dự kiến khởi công năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021 nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Theo tờ trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020”, do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654 km (bổ sung thêm dự án cầu Mỹ Thuận 2 và chưa tiến hành mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe đối với đoạn La Sơn - Túy Loan), giảm 59 km so với phương án cũ (713 km).

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2017 - 2020: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn từ 2021 - 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025 sẽ đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Dự án sẽ chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh, thành (gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). Trong đó, 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; 3 dự án thành phần còn lại gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sánh Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỷ đồng (so với phương án cũ là 130.216 tỷ đồng), trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng bao gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP; 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

Đối với 15.000 tỷ đồng trong tổng số 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, Chính phủ sẽ rà soát, xây dựng các tiêu chí đảm bảo các dự án được lựa chọn là thực sự cần thiết, cấp bách, trình Quốc hội xem xét quyết định.

Về mức thu phí hoàn vốn, theo quy định của luật Giá, mức thu khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km (tương ứng với thời gian kinh doanh khoảng 24 năm và phần vốn góp Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 55.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên, theo đánh giá, mức giá này tại thời điểm bắt đầu khai thác là khá cao, vượt quá sức chi trả của người dân, không thu hút các phương tiện, nên không hiệu quả. Tờ trình đề nghị mức giá cố định khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km.

Trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (khoảng 14.155 tỉ đồng/654 km). Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách.

Hoàng Giang (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/654-km-tren-cao-toc-bac-nam-se-tieu-ton-khoang-120000-ti-dong-a206339.html