+Aa-
    Zalo

    Bất đồng về thu phí xe máy

    ĐS&PL Trong khi nhiều đại biểu đề nghị không thu phí xe máy thì Thường trực HĐND TP HCM khẳng định vẫn thu vì quy định còn hiệu lực

    Trong khi nhiều đại biểu đề nghị không thu phí xe máy thì Thường trực HĐND TP HCM khẳng định vẫn thu vì quy định còn hiệu lực.

    Sáng 28/7, kỳ họp thứ 18 HĐND TP HCM khóa VIII khai mạc. Các đại biểu (ĐB) đã làm “nóng” hội trường khi đề cập về việc thu phí xe máy mặc dù trong chương trình làm việc không có nội dung này.
    Lợi cho dân thì nên làm
    Phát biểu đầu tiên, ĐB Văn Đức Mười (quận Gò Vấp) khẳng định việc thu phí xe máy chưa hợp với lòng dân. “Cử tri không đồng tình chuyện thu phí, đặc biệt các tổ dân phố cũng thấy không ổn. Người dân không tự nguyện đóng cũng không biết xử lý như thế nào, như vậy sẽ tạo ra sự tùy tiện” - ĐB Mười dẫn giải và cho rằng TP nên nhìn thẳng vào sự thật, nếu chưa đúng thì phải kiến nghị dừng.
    ĐB Huỳnh Quốc Cường (quận 4) cho biết nhiều lần ông đi tiếp xúc cử tri đều bị than phiền chuyện thu phí xe máy. “Trước kỳ họp, HĐND TP đã có văn bản yêu cầu UBND TP báo cáo về chuyện này. UBND đề xuất vẫn thu trong khi Bộ Giao thông Vận tải và Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương đề nghị tạm ngưng nên cử tri rất rối, không biết thu hay không. Kỳ họp này, HĐND TP phải có ý kiến chính thức để ĐB trả lời với cử tri” - ông Cường nói.
    Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời báo chí về việc thu phí xe máyẢnh: Hoàng Triều.
    Còn ĐB Trần Trọng Dũng (quận 8) nhấn mạnh: “Cái gì an dân thì TP nên làm. Một số địa phương đã tạm dừng thu phí xe máy, TP cũng nên xem xét”. Ông Dũng đề nghị HĐND TP nên phát phiếu thăm dò để xem bao nhiêu ĐB đồng ý dừng thu, bao nhiêu ĐB đề xuất nên thu. Theo ông Dũng, HĐND TP là cơ quan dân cử nên khi quyết định chuyện gì ảnh hưởng đến dân phải thận trọng, không có lợi cho dân thì nên kiến nghị dừng.
    ĐB Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9, cho biết địa phương này triển khai thu phí xe máy đầu tiên nên được “phong” danh hiệu cầm đèn chạy trước ô tô. Qua thực tế triển khai, toàn quận 9 có khoảng 84.000 xe máy cần kê khai nhưng chỉ 43.700 chiếc được nộp bản kê khai. Trong vòng gần 1 tháng, thu được khoảng 1,2 tỉ đồng của 13.000 xe, chiếm 17\% số phương tiện trên địa bàn. Theo bà Liên, hiện quận 9 đã tạm ngừng thu để đợi ý kiến chỉ đạo của TP. “Từ thực tế triển khai ở quận 9, tôi cho rằng nếu bây giờ chúng ta lại thu thì rất khó vì người dân đã nắm được thông tin một số địa phương dừng thu hoặc kiến nghị không thu rồi. Do đó, tôi đề nghị không thu trong năm 2015 và quận 9 xin phép hoàn trả lại cho người dân số tiền đã thu” - bà Liên nói.
    Phải tuân thủ pháp luật
    Trong khi đa số các ĐB đề nghị dừng thì Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đến thời điểm này, Nghị định 18 của Chính phủ và Nghị quyết 31 của HĐND TP về thu phí xe máy vẫn còn hiệu lực. Theo bà Tâm, nếu như HĐND TP có thẩm quyền thì sẽ đưa ra quyết định là không thu loại phí này. “Khi tôi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về thu phí xe máy thì có đề cập đến thẩm quyền của HĐND. Cụ thể, luật chưa trao cho HĐND thẩm quyền quyết định thu hay không thu phí xe máy. Thông tư 133 không có khung tối thiểu nên có thể hiểu là thu 0 đồng, giống như không thu nên coi như HĐND có thẩm quyền không thu. Tôi có nói với bộ trưởng là nếu có hướng dẫn thu 0 đồng thì HĐND TP đã thu 0 đồng rồi chứ không cần bàn đến 2 kỳ họp” - bà Tâm chia sẻ.
    Bà Tâm cho biết Nghị định 18 của Chính phủ có hiệu lực từ năm 2013 nhưng đến cuối năm 2014, TP mới bàn thực hiện, như vậy là quá chậm so với các địa phương khác. “Nói một cách nào đó, tính nghiêm minh, nghiêm túc trong chấp hành, thực thi pháp luật của HĐND, UBND TP cũng cần rút kinh nghiệm chứ không phải thu chậm như vậy là tốt. Còn trong quá trình thu, nếu phát sinh khó khăn thì yêu cầu UBND TP báo cáo Chính phủ và đề xuất. Hai việc này hoàn toàn khác nhau nên mặc dù rất băn khoăn, có nhiều câu hỏi đặt ra chưa được giải đáp thỏa đáng nhưng HĐND TP vẫn phải ra nghị quyết thực hiện nghị định của Chính phủ” - bà Tâm nhấn mạnh.
    Theo Chủ tịch HĐND TP, Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương đã có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng thu loại phí này từ ngày 1/1/2016 và giao Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để đề xuất sửa Nghị định 18 theo hướng bỏ khoản phí này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề nghị, Chính phủ có đồng ý hay không thì còn phải chờ. “Ý kiến của các ĐB cũng có tình, có lý nhưng HĐND TP phải cân nhắc thời gian. Nếu bây giờ TP có văn bản đề nghị Chính phủ như Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương thì không cần thiết, còn đề xuất dừng trong khi chỉ còn mấy tháng nữa thì Chính phủ khó có thể chấp thuận” - bà Tâm lý giải.
    Từ những lý do trên cộng với Nghị định 18 của Chính phủ và Nghị quyết 31 của HĐND TP vẫn còn hiệu lực, bà Tâm cho rằng việc cần làm bây giờ là vận động, tuyên truyền tổ chức thu một cách hợp lý, bảo đảm công khai, không để phát sinh tiêu cực.

    Tăng phí ô tô lên hơn 5 lần

    Tại kỳ họp, UBND TP đã có 2 tờ trình lên HĐND TP xem xét. Đáng chú ý là tờ trình phương án thu phí, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số xe cơ giới đường bộ trên địa bàn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, từ trước đến nay, mức thu đối với lệ phí cấp mới lần đầu chưa được HĐND TP ban hành, đang thực hiện theo hướng dẫn thông tư của Bộ Tài Chính. Báo cáo thẩm tra về tờ trình trên, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Phạm Văn Đông cho biết cơ bản đồng tình với tờ trình. Như vậy, đối với nhóm ô tô con dưới 10 chỗ ngồi trở xuống (kể cả tài xế) không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, mức lệ phí tăng từ 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng; sơ mi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc tăng 100.000 đồng lên 150.000 đồng; xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống tăng 500.000 đồng lên 750.000 đồng; xe máy trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng tăng 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng; xe máy trị giá trên 40 triệu đồng tăng 2 triệu lên 3 triệu đồng. Riêng các loại ô tô khác không tăng mức phí đăng ký, vẫn giữ 150.000 đồng/lần/xe. Mức thu lệ phí cấp mới này sẽ được áp dụng từ ngày 1-9-2015.

    Không yên tâm về chỉ tiêu nước sạch
    Cùng ngày, Thường trực HĐND TP cũng báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 28 về chỉ tiêu phấn đấu 100\% hộ dân TP được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh vào cuối năm 2015. Nhiều ĐB cho rằng không yên tâm với chỉ tiêu này vì khó hoàn thành.
    Theo ĐB Lâm Đình Chiến, cần có giải pháp và công khai số liệu rõ ràng, cụ thể trên từng địa bàn còn bao nhiêu hộ chưa có nước sạch, hợp vệ sinh để từ đó quy được trách nhiệm của từng cá nhân và không nên ghi chung chung đến cuối năm hoàn thành 100\% vì không cách nào giám sát được. Về số liệu tỉ lệ hơn 30\% thất thoát nước, ĐB Chiến nói nếu tính mức thất thoát này vào giá bán thì không sòng phẳng với người dân. “Dân xài bao nhiêu trả bấy nhiêu, còn thất thoát là ngành nước phải chịu. Hoặc ít nhất ngành nước chịu 50\%, còn lại người dân chịu thì mới công bằng” - ông Chiến đề nghị.

    Theo Người lao động



    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-dong-ve-thu-phi-xe-may-a103903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.