Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Cán bộ phải biết sợ khi dân không hài lòng"


Thứ 2, 29/05/2017 | 00:30


Cùng sự kiện

"Mỗi cán bộ công chức phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng. Đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ pháp luật", tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

"Mỗi cán bộ công chức phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng. Đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ pháp luật", tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Ngày 28/5, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh (TP HCM) cùng lãnh đạo UBND TP HCM gặp gỡ các đại biểu trí thức của thành phố.

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trăn trở với rất nhiều câu hỏi lớn cho các đại biểu trí thức của thành phố và mong muốn họ góp ý để giải quyết các nghịch lý của TP, nhằm xây dựng một TP thông minh, sáng tạo.

(Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các đại biểu trí thức thành phố sáng 28/5. Ảnh: báo Thanh niên)

Về vấn đề phát huy nguồn lực con người, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đầu tiên là con người trong bộ máy Nhà nước. Chính quyền phải trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, công chức phải biết lắng nghe người dân, biết sợ khi dân không hài lòng. TP HCM phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá công việc của cán bộ, công chức,…

TP. HCM hiện nay có 2 triệu lao động, trong đó gần 30% là tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên. Ngoài ra, TP. HCM còn có 600.000 sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề cho các đại biểu trí thức, cần làm gì để phát huy nguồn lực rất quý giá cho thành phố.

Báo Thanh niên thông tin thêm, tại buổi gặp gỡ, một bài toán khác được Bí thư TP HCM đặt ra là về "phát triển thành phố thông minh".

Trước giới trí thức TP.HCM, ông Nhân đưa ra bài toán về "phát triển thành phố thông minh" và mong muốn các nhà trí thức, nhà khoa học suy nghĩ, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp ý để xây dựng TP trở thành nơi đáng sống.

“TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, nơi đáng đến. Để làm được việc này thì TP cũng phải cần có chính quyền thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh”, ông Nhân nhấn mạnh.

Từ đó, hướng đến bốn giảm là giảm ngập nước, giảm ô nhiễm, giảm kẹt xe và giảm tội phạm; phấn đấu bốn tăng là tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng quy mô chất lượng sinh hoạt cộng đồng, tăng chất lượng tài nguyên và tăng sự hài lòng của người dân”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo ông Nhân, những nhân tố này sẽ hợp sức để giải quyết các vấn đề bức thiết của thành phố hiện nay với mục tiêu 4 giảm (ngập nước, ô nhiễm môi trường, kẹt xe và tội phạm) và 4 tăng (thu nhập bình quân đầu người, quy mô và chất lượng sinh hoạt cộng đồng, chất lượng tài nguyên văn hóa của thành phố, sự hài lòng của người dân).

Cũng theo báo VnExpress, TP HCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp nhưng cơ cấu sử dụng đất bất hợp lý khi đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 6,8% tạo ra 99% GDP; trong khi đất sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm hơn 56% nhưng chỉ đóng góp 1% GDP.

Ông Nhân cho rằng, bên cạnh việc giữ rừng, giữ hệ sinh thái, thành phố phải tính toán lại quỹ đất cho những mục đích sử dụng sao cho phù hợp và phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh.

Ông cũng bày tỏ lo lắng khi dân số thành phố liên tục tăng mạnh, trong khi diện tích không thay đổi, cường độ lao động, cường độ chất thải gấp 13-15 lần bình quân cả nước. Trước dự báo lượng chất thải sẽ đạt gần 3,6 triệu tấn vào năm 2020 và 4,5 triệu tấn trong năm 2025, ông đặt vấn đề cách thức xử lý chất thải. "Chúng ta tiếp tục xử lý bằng cách chôn lấp đến khi nào, hậu quả ra sao?", ông Nhân tỏ ra sốt ruột.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-thu-nguyen-thien-nhan-can-bo-phai-biet-so-khi-dan-khong-hai-long-a191593.html